Tiền lương chậm điều chỉnh, cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư
Đại biểu Quốc hội cho rằng, tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.
Sáng ngày 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cơ bản nhất trí báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nhằm làm rõ thêm một số vấn đề sau.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, về đánh giá kết quả nổi bật trong năm 2022, đại dịch được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy còn khó khăn hạn chế, nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng được đảm bảo.
Về những hạn chế, đại biểu đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.
Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.
Đại biểu cũng đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước, cần bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới; tập trung khai thác các hiệp định thương mại; quan tâm đến vấn đề xuất nhập khẩu; nâng cao tính sáng tạo, chủ động linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước.
Đại biểu Phan Viết Lượng - đoàn Bình Phước cho rằng, dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả trong trọng, song chất lượng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.
Trong nhiều năm qua việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp chưa đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân chính do công tác chỉ đạo chưa tương xứng, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ, hoặc ban hành văn bản chưa đúng gây khó khăn trong thực tế. Một số quy định chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác.
Những hạn chế bất cập trên ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh tự chủ là yêu cầu cấp thiết, làm rõ những tồn tại, hạn chế và ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định.
Chỉ tiêu tăng năng suất lao động năm 2022 dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra, kết quả như vậy là rất đáng lo ngại vì đây là nhân tố quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Mức tăng này còn đang thấp hơn giai đoạn vừa qua và có nhiều khoảng cách so với các nước trong khu vực.
Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động. Nhưng hiện nay nguồn nhân lực đang bước vào giai đoạn già hóa, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng mới đạt 27%, trong khi nhiều nước trên khu vực đạt trên 50%.
Bên cạnh đó nhiều khu vực ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó cần đề án xây dựng tổng thể cải thiện tăng năng suất lao động. Có các giải pháp hiệu quả để tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội đất nước. Ưu tiên nguồn lực cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục việc lao động qua đào tạo thấp.
“Cử tri mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với những tồn tại yếu kém kéo dài gây bức xúc dư luận, như các công trình dự án treo, thua lỗ; những tồn tại qua cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam; di dời trụ sở các bộ, ngành trên địa bàn TP Hà Nội” - ông Lượng cho biết.
Quỳnh Nga - Lan Anh