Tiền lương, thu nhập phải đủ sống

Thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội sáng qua, một trong những vấn đề làm 'nóng' nghị trường đó là câu chuyện tiền lương, thu nhập không đủ sống và tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc ở khu vực công. Điều này một lần nữa cho thấy, chính sách tiền lương cần sớm triển khai thực hiện.

Hơn 2 năm qua chúng ta đã chứng kiến bức tranh lao động kém sáng. Đó là tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tính từ 1.1.2020 đến 30.6.2022 trên phạm vi cả nước số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Đáng chú ý, số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Ngành giáo dục trong hai năm rưỡi qua có 16.427 người xin thôi việc, chiếm 41,53%, trong đó, người có trình độ đại học trở lên chiếm 49%. Cùng thời gian trên, lĩnh vực y tế có tới 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỉ lệ 30,84%, trình độ đại học trở lên là 56,27%. Đây là thực trạng rất đáng lưu tâm.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đã rất xót xa khi cho rằng, chúng ta không có nhiều nghề mà người làm nghề được xã hội gọi là “thầy”, nhưng trong hơn hai năm qua số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người nghỉ và chuyển việc, chúng ta thấy điều gì qua thông tin này? - đại biểu đặt vấn đề.

Không chỉ có “người thầy” nghỉ việc và chuyển ra khỏi khu vực công mà thực tế trong bộ máy nhà nước, không ít người tài đã tìm cho mình môi trường làm việc mới ở khu vực ngoài nhà nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong khu vực công là do thu nhập không đủ sống. Bởi thật khó để “gồng gánh, nuôi dưỡng những đam mê khi áp lực công việc thì rất cao nhưng thu nhập thì không đủ để trang trải những chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Ngoài ra, còn phải đối diện với rất nhiều áp lực khác trong môi trường công tác”. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này thì nỗi lo thiếu nhân lực, người tài trong khu vực công ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế sẽ hiện hữu.

Cán bộ, công chức, viên chức sẽ không thể làm việc, cống hiến và yên tâm với nghề nếu như thu nhập của họ không đủ sống. Tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” chỉ là việc cực chẳng đã. Đã đến lúc chúng ta cần quyết tâm thực hiện chính sách cải cách tiền lương cùng các cơ chế đãi ngộ để giữ chân người tài, để không xảy ra khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực.

Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cải cách tiền lương là điều “người lao động rất hồ hởi, rất chờ đợi” nhưng ba năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chúng ta đành phải “lỗi hẹn”, chưa điều chỉnh được mức lương cơ sở và chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương. Ở thời điểm này, khi nền kinh tế đã phục hồi và có bước tăng trưởng ấn tượng, việc chúng ta quyết định điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là hoàn toàn hợp lý.

Ngoài việc tạo môi trường làm việc để cho cán bộ, công chức, viên chức thể hiện được sự sáng tạo thì thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công nghỉ việc. Việc tăng lương cơ sở có thể chưa hẳn là một giải pháp mạnh để xóa bỏ sự chênh lệch giữa thu nhập của khu vực công và khu vực tư, nhưng cũng là nguồn động viên đối với công chức, viên chức, là điều đáng quý ở thời điểm này khi mà ngân sách của chúng ta vẫn còn phải “thắt lưng buộc bụng”, tính toán “cân đong, đo đếm” hợp lý cho từng khoản chi.

Để thị trường lao động không bị xáo trộn, để công chức, viên chức yên tâm gắn bó với nghề thì lương phải đủ sống. Muốn vậy phải sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Hơn bao giờ hết, công chức, viên chức luôn mong muốn được cống hiến, được làm việc trong môi trường mà đồng lương, thu nhập được trả tương xứng với sức lao động mà mình bỏ ra. Bởi xét đến cùng thì “có thực mới vực được đạo”.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tien-luong-thu-nhap-phai-du-song-i305130/