Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội mới bằng một nửa thu nhập

Theo tính toán của công đoàn, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội hiện nay mới chiếm khoảng trên 50 – 60% thu nhập của người lao động. Do đó, nhiều đơn vị đề xuất nâng mức đóng này ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương của người lao động, nhằm cải thiện mức lương hưu sau này…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

CÒN TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP “NÉ” CÁC KHOẢN BỔ SUNG TÍNH ĐÓNG BẢO HIỂM

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định là vậy nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, đó là thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.

Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, nghĩa là bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sử dụng lao động, cơ quan này đã phát hiện ngoài mức lương tính đóng các loại bảo hiểm trên thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung kế hoạch, nhưng các đơn vị không tính đóng bảo hiểm cho người lao động.

Từ những thực tế như vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phương án 1: Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động (giữ như Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Phương án 2: Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Góp ý về nội dung này, nhiều địa phương, đơn vị đồng tình với phương án 2, song đề xuất bổ sung thêm điều kiện nâng mức đóng cho người lao động. Đơn cử, TP. Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị sửa đổi: Chính phủ quy định chi tiết tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động, đảm bảo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương của người lao động.

“Tại khoản 8 Mục II của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quy định nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động”, công văn của tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ.

CẢI THIỆN MỨC LƯƠNG HƯU

Cho rằng việc nâng mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập là phù hợp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, đề xuất này cũng là xuất phát từ thực tiễn hiện nay.

Lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Ông Quảng cho biết, theo quy định hiện hành, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, dù vậy, trong thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội bằng mức lương tối thiểu vùng, có thêm các phụ cấp hoặc cao hơn một ít. “Theo tính toán của chúng tôi mức đóng này chỉ chiếm khoảng trên 50 – 60% thu nhập so với quy định của pháp luật”, ông Quảng thông tin.

Trong khi đó, với nguyên tắc đóng – hưởng, nên với mức đóng bảo hiểm thấp thì mức hưởng lương hưu sau này của người lao động không thể cao được, việc nâng mức đóng theo vị chuyên gia là hợp lý. Hơn nữa, trước đây dù luật đã quy định nhưng lâu nay chúng ta cũng chưa kiểm tra, kiểm soát hết được, dẫn đến có tình trạng doanh nghiệp lách các khoản bổ sung để không tính đóng bảo hiểm cho người lao động.

“Tôi nghĩ rằng đề xuất đóng bảo hiểm bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương của người lao động là phù hợp, vừa đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, song vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi nhận lương hưu sau này, đây là những ý kiến cần xem xét khi hoàn tiện về chính sách tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong lần sửa đổi luật lần này”, vị chuyên gia công đoàn nhấn mạnh.

Đồng tình với việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khu vực doanh nghiệp tối thiểu bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, nếu thực hiện được thì tiền lương hưu sẽ cao hơn và đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người về hưu.

Mặc dù vậy, theo ông Lợi, cần phân biệt 2 vấn đề, đó là với khu vực công chức Nhà nước thì yên tâm về việc đóng bảo hiểm xã hội bằng 100% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương. Tuy nhiên, ở khu vực có quan hệ lao động thì phải xem xét cụ thể, bởi có lương tối thiểu 4 vùng và những khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Cần làm sao để không biến tướng phụ cấp mang tính chất tiền lương, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Mới đây, góp ý về hai phương án tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), 8 hiệp hội doanh nghiệp trong các ngành hàng như da giày, túi xách, dệt may, điện tử…đề xuất ở phương án 1 thì nền đóng sẽ không căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay, mà đóng trên 70% thu nhập thực tế của người lao động. Với phương án 2, đề xuất nền đóng sẽ dựa trên thu nhập thực tế, trừ một số khoản không có tính chất lương.

Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tien-luong-tinh-dong-bao-hiem-xa-hoi-moi-bang-mot-nua-thu-nhap.htm