Tiền mã hóa lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng trăm tỷ USD trong tháng 3/2025
Vốn hóa thị trường tiền mã hóa đã giảm gần 5% trong tháng 3, phản ánh tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trong khi các chỉ số kỹ thuật chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi…

Sáng 31/3 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin, đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới, giảm 2,16%, xuống còn 81.616 USD.
Hầu hết các altcoin khác đều giao dịch trong sắc đỏ. Cụ thể, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, Ethereum, giảm 1,93% xuống 1.805 USD. Trong khi đó, XRP lao dốc 4,99%, Solana mất 0,6%, còn Cardano giảm 4,16%.
Đối với nhóm memecoin, Dogecoin giảm 3,56%, còn đồng $TRUMP trượt nhẹ 0,28%.

Thị trường tiền mã hóa sắp kết thúc tháng 3 với xu hướng giảm, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận kết quả tiêu cực. Trong tháng 3, vốn hóa thị trường tiền mã hóa đã giảm hơn 4,3%, từ 2,79 nghìn tỷ USD xuống còn 2,65 nghìn tỷ USD, trích dẫn báo cáo từ Crypto Times.
Mới đây, giá Bitcoin đã rơi xuống dưới mức hỗ trợ quan trọng là 83.000 USD, đồng thời không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư và làm dấy lên lo ngại rằng Bitcoin có thể thiết lập mức đáy mới trong những tháng tới.
Không chỉ vậy, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) ghi nhận sự hội tụ theo hướng giảm trên khung thời gian hàng ngày, cho thấy áp lực bán đang gia tăng so với áp lực mua đối với giá Bitcoin. Ngoài ra, đường trung bình động đơn giản (SMA) cũng phản ánh xu hướng tương tự khi xuất hiện giao cắt tiêu cực trên biểu đồ giá Bitcoin.
Nếu xu hướng giảm tiếp tục, giá Bitcoin có thể kiểm tra lại mức 80.000 USD. Thậm chí, nếu thanh khoản bị bán tháo mạnh hơn, Bitcoin có thể giảm xuống mốc đáy 78.500 USD trước khi tìm kiếm khả năng phục hồi.
Ngược lại, nếu xuất hiện xu hướng đảo chiều đi lên, giá Bitcoin có thể quay lại vùng kháng cự quan trọng 88.000 USD.
Trong một chia sẻ với Forbes, nhà giao dịch tiền điện tử nổi tiếng Arthur Hayes dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp kích hoạt một đợt tăng giá mạnh cho Bitcoin vào tháng 4. Ông tin rằng Fed đang ám chỉ đến việc quay lại chính sách “in tiền ngầm”, hay còn gọi là nới lỏng định lượng (quantitative easing).
Ông Hayes trích dẫn phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong đó ông cho rằng tác động lạm phát từ thuế quan chỉ là tạm thời. “Thuế quan không còn là quan trọng với chủ tịch Powell nữa và các nhà đầu tư tiền điện tử cũng không nên quá lo ngại. Dù Tổng thống Donald Trump có muốn áp thuế 50% hay 2%, thì tôi tin rằng ông Powell sẽ tiếp tục duy trì điều kiện tiền tệ nới lỏng để danh mục đầu tư tiếp tục tăng giá trị theo USD”, ông Arthur Hayes nhận định.
Đối với Ether, giá trị của đồng tiền số lớn thứ hai thế giới hiện đang “giằng co” quanh ngưỡng 1.800 USD.
Giống như Bitcoin, các chỉ báo kỹ thuật RSI và SMA đều cho thấy xu hướng giảm trên khung thời gian hàng ngày, làm gia tăng lo ngại về khả năng Ethereum sẽ tiếp tục lao dốc trong tuần đầu tháng 4.
Nếu xuất hiện một đợt phục hồi, giá Ethereum có thể bật lại về vùng kháng cự gần nhất là 2.000 USD. Ngược lại, nếu xu hướng giảm tiếp tục, khả năng cao Ether sẽ rơi xuống mức đáy của nhiều năm là 1.500 USD.