Tiền mất tật mang khi vào lò luyện giảm cân ở Trung Quốc

Nhiều học viên bị bỏ đói trong trại huấn luyện và tăng cân trở lại sau khi về nhà. Không ít người hối hận khi đã bỏ số tiền lớn vì mù quáng tin vào lời quảng cáo.

Zheng Xin (22 tuổi) nhìn thấy quảng cáo lò luyện giảm cân trên Xiaohongshu (nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc tương tự Instagram) và đã chọn đăng ký "Trại huấn luyện giảm cân Zhengzhou Slimming Bar".

Ban đầu, cô cho rằng đây là trại giảm cân mới mở nên trang thiết bị sẽ mới và hiện đại. Đến khi bước vào, cô mới tá hỏa vì mình đã mắc bẫy chiêu trò quảng cáo.

Trong cái nóng mùa hè oi ả, Zheng Xin và những học viên khác phải sống trong căn phòng chuyển đổi tạm thời từ một nhà máy bỏ hoang, không có máy lạnh và phải tập luyện giữa môi trường nhiệt độ cao. Mỗi ngày, nhóm học viên chỉ được ăn dưa chuột và rau xào.

"Ngoài những điều đó, thứ khiến tôi không thể chịu nổi là trại này rất keo kiệt, cứ hai ngày lại cắt nước và gần như ngày nào cũng bị cắt điện. Mỗi khi mất điện, chúng tôi ngừng tập luyện nhưng huấn luyện viên nói phí vẫn sẽ bị trừ bình thường, cứ vậy kéo dài suốt 100 ngày", Zheng Xin kể với The Paper.

 Nhiều trại giảm cân ở Trung Quốc không đảm bảo chuyên môn, kỹ thuật huấn luyện.

Nhiều trại giảm cân ở Trung Quốc không đảm bảo chuyên môn, kỹ thuật huấn luyện.

Điều khiến cô bất ngờ hơn nữa là hành động táo tợn của người phụ trách trại. Vì dịch bệnh, trại phải đóng cửa nên các HLV đã đưa học viên tới nhà riêng để tiếp tục tập. Zheng Xin cho biết hơn 40 học viên và 3 HLV phải chen chúc trong căn hộ.

Không thể chịu đựng thêm, cô đã yêu cầu hoàn tiền. Tuy nhiên, phía trại giảm cân nói rằng sẽ chỉ trả lại 300 nhân dân tệ tiền đặt cọc.

Không bao giờ trở lại trại giảm cân

Dù chưa thể lấy lại tiền, và cũng chưa hề giảm được cân, Zheng Xin vẫn cảm thấy may mắn vì chưa có hậu quả nghiêm trọng nào với bản thân. "Từ nay, tôi sẽ dựa vào chính mình để giảm cân, không bao giờ tới loại trại huấn luyện như thế này nữa".

Để tìm hiểu thực tế tình hình của các trại huấn luyện giảm cân, phóng viên của Ranjing Finance đã liên lạc với một "lò luyện" kiểu này và được tư vấn khóa tập luyện khép kín cơ bản giá 2.998 nhân dân tệ.

Khi phóng viên hỏi: "Tôi đang nặng 75 kg, tôi có thể giảm xuống còn 60 kg không", người tư vấn đã nói rằng giảm 15 kg cần 1-3 tháng, khuyên người này nên đăng ký một lớp tập thử để trải nghiệm.

 Không ít học viên trải qua khủng hoảng tinh thần khi vào trại giảm cân.

Không ít học viên trải qua khủng hoảng tinh thần khi vào trại giảm cân.

Tuy nhiên, khi khách hàng có vẻ nghi ngờ về khả năng giảm cân, tư vấn viên nhanh chóng thay đổi giọng điệu, khẳng định sẽ ký hợp đồng cam kết giảm được 15-20 kg trong thời gian huấn luyện, đồng thời hứa "nếu không giảm cân đúng hạn, bạn luôn được tập luyện miễn phí".

Với cam kết này, quá trình huấn luyện diễn ra trong khoảng 2 tháng, với mức phí đã áp dụng ưu đãi là 13.200 nhân dân tệ cho 3 người.

Zhang Fan (sinh năm 1995) cho biết anh từng nặng 160 kg và đã giảm 40 kg trong trại giảm cân. Nhưng 2 tháng sau khi trở về, dù thực hiện chế độ ăn kiêng, anh tăng cân trở lại và nặng hơn so với khi vào trại.

Anh đăng ký thêm một khóa huấn luyện nữa. Lần này, anh thậm chí không dám ăn uống nhiều và có lần ngất xỉu trên sân tập. "Nếu tăng cân thì bạn lại vào trại thêm lần nữa, không có điều gì đảm bảo cả".

Fang Ran, một cô gái sinh năm 1996, cũng cảm thấy "lãng phí tiền vô ích" sau khi tham gia trại giảm cân. Cô cho biết tham gia trại quy mô nhỏ vào năm 2019, đóng phí 3.000 tệ và giảm được 20 kg.

"Nhưng vóc dáng của tôi không mấy thay đổi. Mỗi ngày, tôi chỉ được ăn một chút, tất cả thứ cơ thể tôi mất đi là nước, nếu không cẩn thận thì tôi lại tăng cân. Lúc đó, tôi luôn đói, mệt mỏi và chán nản. Tôi sẽ không tham gia trại giảm cân thêm lần nào nữa".

Sau khi rời trại, Fang Ran lại rơi vào vòng xoáy ăn quá mức do bị bỏ đói lâu ngày. Cô tăng cân và mập hơn so với trước, cảm thấy 3.000 tệ đã bị lãng phí.

Tiền mất tật mang

Huấn luyện viên thể hình cao cấp Zhang Chi nói rằng khoảng 80% trại giảm cân trên thị trường thiếu HLV chuyên nghiệp. Người phụ trách chỉ chạy theo con số, thực tế làm mất nước để giảm cân, không thay đổi tỷ lệ mỡ trong cơ thể, dẫn đến việc tăng cân trở lại.

 Nhiều người giảm cân khi vào trại nhưng tăng cân chóng mặt sau khi về nhà.

Nhiều người giảm cân khi vào trại nhưng tăng cân chóng mặt sau khi về nhà.

Một nhân viên trại giảm cân mùa hè cho biết mỗi năm, trại của mình có khoảng 3.000 học viên, trong đó hơn 30% là học viên quay lại do tăng cân sau khi về nhà.

"Huấn luyện trong trại rất căng thẳng, họ ăn ít hơn. Nhưng khi về nhà, người ta khó kìm chế việc ăn uống, ít tập luyện hơn nên tăng cân là chuyện bình thường".

Hiện tại, thị trường trại huấn luyện giảm cân ở Trung Quốc đang bùng nổ do nhu cầu khổng lồ những người trẻ muốn giảm cân nhanh chóng. Theo số liệu từ Tianyancha, có khoảng 200 công ty ghi loại hình kinh doanh là giảm cân và thể hình.

Từ năm 2015, các công ty liên quan đến giảm cân và thể hình đã phát triển nhanh chóng, với hơn 20 công ty được thành lập mỗi năm.

Bên cạnh những trại giảm cân lớn, được lập thành chuỗi còn có các trại quy mô nhỏ. Những trại nhỏ có lợi thế là giá thành thấp hơn và thường xây dựng theo phong cách riêng biệt được giới trẻ ưa chuộng.

Zhang Chi cho biết sự cạnh tranh của các trại giảm cân thể hiện trước hết ở cuộc chiến giá cả.

"Trước đây, một khóa huấn luyện giảm cân có giá 4.000-5.000 tệ. Bây giờ, các trại đua nhau hạ giá để hút khách, còn 1.000-2.000 tệ. Giá thấp là một chuyện, nhưng nhiều cơ sở đã nhận quá nhiều học viên để nâng doanh số, không đảm bảo điều kiện huấn luyện, ảnh hưởng tới sức khỏe khách hàng".

 Hàng loạt quảng cáo trại giảm cân với giá cả được công khai trên nền tảng video ngắn.

Hàng loạt quảng cáo trại giảm cân với giá cả được công khai trên nền tảng video ngắn.

Điều này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều trong ngành, gây ra các tin tức tiêu cực và khiến toàn bộ ngành này phải gánh chịu tai tiếng.

Fu Jian, luật sư từ Công ty Luật Henan Yulong, nói với Rancai rằng theo "Luật Quảng cáo", các quảng cáo không được có nội dung sai sự thật và không được lừa dối và lừa dối người tiêu dùng.

Nếu thực tế không khớp với quảng cáo và học viên bị lừa dối, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng.

Theo "Luật chống cạnh tranh không lành mạnh", các nhà mạng có hành vi tuyên truyền sai sự thật sẽ bị phạt từ 10.000-200.000 nhân dân tệ, tùy trường hợp.

Đa số người tiêu dùng nhận được quảng cáo thông qua các nền tảng xã hội như Douyin và Xiaohongshu. Trên thực tế, các nền tảng này cũng đã thực hiện các biện pháp cảnh báo nhất định khi xử lý các nội dung về quảng cáo giảm cân.

Ví dụ, trên Xiaohongshu, khi tìm kiếm "trại tập giảm cân", người dùng sẽ thấy từ khóa "chống lừa đảo trại huấn luyện giảm cân" ở vị trí ưu tiên,

Giáo sư Wei từ Bệnh viện trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc nói rằng huấn luyện giảm cân là một cam kết lâu dài.

"Nhiều học viên tăng cân trở lại, bị rối loạn tiêu hóa do ăn kiêng quá mức, tổn thương cơ thể vĩnh viễn do vận động quá sức. Những điều trên không chỉ gây hại cho cơ thể khách hàng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp. Dưới sự phát triển nhanh chóng, trại huấn luyện giảm cân cần nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chất lượng dịch vụ".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-mat-tat-mang-khi-vao-lo-luyen-giam-can-o-trung-quoc-post1302814.html