Tiền ở đâu để đầu tư giao thông khu vực Nam bộ?
Sáng 29/6, UBND TP.HCM phối hợp với Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo 'Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ, vấn đề và giải pháp phát triển'
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, trong những năm qua, với sự đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng các công trình giao thông lớn như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất… đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của vùng Nam bộ.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây, sự phát triển kinh tế nhanh đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Việc đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực Nam bộ chưa tương xứng đã hạn chế đến sự phát triển kinh tế. Ở lĩnh vực đường bộ, tại các cửa ngõ của TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải vào những dịp lễ, Tết. Các tuyến giao thông kết nối liên vùng chưa được đầu tư tương xứng. Đường thủy lợi lợi thế sông nước của khu vực phía Nam nhưng do thiếu đầu tư, dẫn đến không khai thác được tiềm năng lợi thế. Ở lĩnh vực hàng không, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải thì một số sân bay khác như Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau không khai thác hết công suất.
Các nhà khoa học của Đại học quốc gia TP.HCM đã chỉ ra những điểm bất cấp trong công tác phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực phía Nam. Từ chất lượng quy hoạch đến năng lực quản lý dự án, thiếu vốn, biến đổi khí hậu.
TS Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa ĐHQG TP.HCM, dẫn chứng về nhưng bất cập trong công tác dự báo, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất dự báo năm 2017 sẽ đón 22 triệu hành khách, nhưng thực tế đã phải gồng mình phục vụ đến 36 triệu hành khách, cao hơn 59% so với dự báo. Hay như Cảng hàng không quốc tế Long Thành dù đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng các chuyên gia đã dự báo sân bay này sẽ quá tải vào năm 2030.
Công tác đền bù GPMB cho các dự án chậm, cụ thể như metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, metro số 2…khiến dự án kéo dài thời gian, đội vốn đầu tư. Nhu cầu vốn cho biết phát triển giao thông giai đoạn 2016 - 2020 khoảng hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ cân đối được 122.000 tỷ đồng, và thực tế cũng chỉ mới bố trí được hơn 61.000 tỷ đồng, tức chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Những bất cập trong việc triển khai một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, PPP thời gian qua khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về tính rủi ro khi đầu tư.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đánh giá thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Nam bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng, kinh nghiệp trong việc huy động vốn từ các nước trong khu vực châu Á và quốc tế.