Tiến sĩ khai khoa trên đất Hậu Trạch

Làng Hậu Trạch, xã Nga Thắng được biết đến là vùng quê hiếu học, trọng khoa cử. Và Hương lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn là vị Tiến sĩ khai khoa dòng họ Mai - dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất ở Hậu Trạch trong lịch sử dân tộc.

Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn - cháu Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn.

Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn - cháu Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn.

Hậu Trạch là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ từ sớm. Làng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như Vạn Chài; Thạch Tuyền; Bảo Đạc... Truyền thống học hành, khoa cử và làm quan ở Hậu Trạch từ xa xưa đã được dân gian lưu truyền: “Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên/ Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan”. Và trong số những người đỗ đạt, thành danh có nhiều dấu ấn được sử sách ghi chép, có Hương lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn.

Dòng họ Mai ở Hậu Trạch thời Lê có nhiều người làm quan, được phong tước. Như Thái bảo, Toàn Quận công Mai Thế Châu; Đô đốc Mậu Quận công Mai Thế Huân; Khuê Quận công Mai Nghiêm Đạt; Hoằng Quận công Mai Thế Khang... Tuy nhiên, phần lớn các bậc tiền nhân đều lập thân bằng võ nghiệp. Đến Mai Thế Chuẩn, ông trở thành người đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ của dòng họ Mai ở Hậu Trạch.

Sử sách cho biết, từ nhỏ Mai Thế Chuẩn đã bộc lộ sự thông minh, nhanh nhẹn, bản lĩnh hơn người. Bên cạnh việc tập luyện võ nghệ, ông chăm chỉ đèn sách, nuôi ước vọng phò vua giúp nước. Ông tham gia khoa thi Tân Hợi (1731) và đỗ Tiến sĩ.

Sau khi thi đỗ, Mai Thế Chuẩn được bổ nhiệm làm quan văn trong triều. Ông làm đến chức Hữu Thị lang kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, tước Hương Lĩnh bá. Là người văn võ toàn tài, sau một thời gian làm văn quan trong triều, Mai Thế Chuẩn được điều động giữ chức Đốc lĩnh các đạo Tây Nam, rồi Đốc lĩnh Sơn Tây - những vùng đất thường xuyên xảy ra các cuộc nổi loạn. “Do có nhiều công lao trong việc dẹp yên các cuộc nổi dậy nên ông được tín nhiệm giao trọng trách trấn thủ Lạng Sơn - vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc, là phên dậu, được mệnh danh là tấm áo giáp bảo vệ kinh thành Thăng Long từ phía Bắc” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất biên ải Lạng Sơn luôn có vai trò trọng yếu, đòi hỏi ở người giữ trọng trách phải có thực tài. Và với tài thao lược, giỏi võ nghệ, vừa dứt khoát song vẫn mềm mỏng, hiểu lòng người và tấm lòng nhân nghĩa, Mai Thế Chuẩn đã tiếp nối các bậc tiền nhân thành công giữ yên vùng đất biên ải trong suốt nhiều năm.

Hiểu rõ vai trò và vị thế của vùng đất biên ải Lạng Sơn, Mai Thế Chuẩn tập trung tu sửa, xây dựng Đoàn Thành (tức thành Lạng Sơn) - trung tâm hành chính của xứ Lạng. Theo sách Đại Việt địa dư toàn biên, thành Lạng Sơn xưa gọi là Đoàn Thành, tương truyền, người nhà Minh đắp thành ấy. Đến thời Hồng Đức, vua Lê Thánh tông đã cho tu sửa lại, đời Cảnh Hưng, Đốc trấn là Hương lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn đã đắp thêm.

Không chỉ chú trọng giữ gìn an ninh vùng đất biên ải, Đốc trấn Mai Thế Chuẩn còn quan tâm việc phát triển kinh tế để đời sống người dân nơi đây được tốt hơn. Thời bấy giờ, các thuyền buôn của thương gia Trung Quốc (nhà Thanh) theo sông Bằng Giang - Kỳ Cùng sang nước ta buôn bán vẫn thường phải chờ đợi khá lâu do việc di chuyển chưa thuận tiện, vì thế ông đã tổ chức phá ghềnh - mở mang đường thủy nhằm giúp người dân đi lại thuận lợi, từ đó khuyến khích thương nhân hai nước trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn, trấn lỵ Lạng Sơn ngày càng đông đúc, sôi động, phát triển phồn thịnh. Cũng từ đấy, vùng đất Lạng Sơn cho đến ngày nay vẫn là một trong những đầu mối giao thương quan trọng.

Trong thời gian trấn thủ xứ Lạng, bên cạnh việc công bận rộn, Mai Thế Chuẩn còn dành thời gian đến các nơi trong trấn để thăm thú, thực tế đời sống người dân, giáo huấn dân lành làm điều tốt, tránh điều xấu, ông gần gũi và thân tình nên được người dân quý mến. Dấu ấn của Mai Thế Chuẩn trên vùng đất Lạng Sơn đến nay vẫn được người dân nơi đây nhắc nhớ. Tên ông còn được đặt cho tuyến đường ở Lạng Sơn.

Về ngoại giao, ông thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, củng cố mối giao thiệp với các tỉnh biên giới của nhà Thanh tiếp giáp Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của vùng đất phía Bắc của Tổ quốc, với phương châm lấy nhu thắng cương, thi hành chính sách ngoại giao phù hợp với từng thời điểm kết hợp việc giữ đất, yên dân, chỉnh đốn công việc phòng bị ngoài biên ải, từ đó ngăn chặn đẩy lùi mọi sự xâm lấn.

Bởi có nhiều công lao trong thời gian làm trấn thủ Lạng Sơn, khi trở về Thăng Long ông làm việc ở phủ Chúa, được thăng chức Quyền Phủ sự, Hữu Hiệu điểm, gia phong tước Hương Lĩnh hầu. Về sau, ông lại được cử đi làm giám quân ở đất Hưng Hóa... Năm 1761, Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn qua đời ở ngoài kinh đô Thăng Long.

Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn là vị Tiến sĩ khai khoa của dòng họ Mai ở đất làng Hậu Trạch. Tên tuổi ông được hậu thế khắc vào văn bia dựng ở đình làng để nhắc nhớ, tôn vinh.

Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn là vị Tiến sĩ khai khoa của dòng họ Mai ở đất làng Hậu Trạch. Tên tuổi ông được hậu thế khắc vào văn bia dựng ở đình làng để nhắc nhớ, tôn vinh.

Là người thông minh, tài hoa và mẫn tiệp, giỏi thao lược, trong sự nghiệp làm quan, Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn nắm giữ nhiều trọng trách, trải qua các chức vụ khác nhau, “ở cương vị nào, ông cũng luôn đặt vận mệnh của quốc gia dân tộc lên trên hết. Đối với sự nghiệp trồng người, Mai Thế Chuẩn luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc củng cố và phát triển nền giáo dục của nước nhà. Ông dồn tâm huyết và tình yêu thương của mình cho các nho sinh Trường Giám khi ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Khi làm trấn thủ Lạng Sơn, ông lo toan chỉnh đốn công việc phòng bị ngoài biên ải nên biên giới phía Bắc được bình yên, hưng thịnh nhiều năm. Công lao của ông với đất nước thật là to lớn...” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Nối chí học hành từ cha, người con trai của ông là Mai Thế Uông cũng thi đậu Tiến sĩ năm Giáp Thân (1764), giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Lê - Trịnh, từng làm Đốc trấn vùng đất Tuyên Quang, Hưng Hóa và Thanh Hóa; từng chỉ huy 5 đạo quân Tiền uy, Tiền Tiệp, Tiền Hùng, Trung bố và Hậu hùng, làm tham mưu quân vụ các đạo binh Thuận Hóa, Hải Nam, Tụ Long... bởi lập được nhiều chiến công nên đã được phong tước Lữ Xuyên hầu. Tiếp nối truyền thống gia tộc, cháu nội Mai Thế Uông là Mai Anh Tuấn, đỗ đạt và làm quan thời Nguyễn cũng là một trong những nhân vật lưu danh lịch sử.

Ông Mai Tấn, hậu duệ dòng họ Mai ở đất làng Hậu Trạch, chia sẻ: “Ở đất Hậu Trạch, từ vài trăm năm trước, dòng họ Mai đã nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, làm quan, đóng góp tài năng cho đất nước. Câu chuyện học hành, ý chí và khát vọng của các bậc tiền nhân như cụ Mai Thế Chuẩn, Mai Thế Uông, Mai Anh Tuấn... mãi là tấm gương để hậu thế tự hào nhắc nhớ và noi theo”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tien-si-khai-khoa-nbsp-tren-dat-hau-trach-38312.htm