Tiến sĩ Khảo cổ học thành danh vì… trượt hết nguyện vọng đại học
Trong giới khảo cổ học, có lẽ ít người không biết đến TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.
TS Nguyễn Việt là nhà khoa học có biệt danh “người vẽ nên lịch sử”, “người phục chế thành công khuôn mặt người Việt buổi đầu công nguyên”.
Phục dựng thành công chân dung Việt cổ
TS Nguyễn Việt kể, năm 1968 ông tốt nghiệp lớp 10 và chuẩn bị vào đại học. Thời điểm đó ông chưa có bất cứ ý niệm gì về lịch sử hay khảo cổ, cũng không biết nên chọn ngành nghề gì thì phù hợp với bản thân. Quy định ngày đó là tất các học sinh tốt nghiệp lớp 10 sẽ được phân công vào các trường đại học, dựa trên nguyện vọng của từng người.
“Tôi có đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Kiến trúc, Đại học Tổng hợp khoa Hóa. Chệch tất. Chờ mãi thì bỗng dưng có giấy gọi vào Đại học Tổng hợp. Khi đến trường xem danh sách thì thấy tên vào khoa Lịch sử. Tôi bỏ về không đi học nữa.
Sau đó tôi được cô Lan là Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An, nơi tôi tốt nghiệp phổ thông khuyên bảo, thuyết phục. Tôi nghe lời cô lại nhập học khoa Lịch sử. Có lẽ duyên nghiệp với khảo cổ học bắt đầu từ đấy”, TS Nguyễn Việt nhớ lại.
Đến năm thứ 4 phân chuyên ngành thì ông đã đã chọn Khảo cổ học vì chịu ảnh hưởng của các thầy Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng.
“Thoạt đầu khi đi đào ở Xóm Rền với thầy Tấn tôi rất thích nghiên cứu về đồ gốm. Năm 1975, tôi được phân về Viện Khảo cổ làm việc. Tôi được giao đào Đông Sơn, Đông Tiến, Quỳ Chử (Thanh Hóa) đã chỉnh lí gốm rất thành công. Sau đó là các công trình nghiên cứu thực nghiệm về gốm sớm ở Việt Nam”, TS Nguyễn Việt cho biết.
Năm 1978, ông được phân công nghiên cứu về nông nghiệp sớm. Ông đặc biệt quan tâm khai thác dấu tích lúa và cùng các nhà nông học Đào Thế Tuấn, Nguyễn Xuân Hiển... đi sâu về nông nghiệp cổ đại.
Đầu năm 1984, ông sang Cộng hòa Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh chuyên sâu về định tuổi carbon phóng xạ, nghiên cứu ốc suối, ốc núi, biến đổi khí hậu và văn hóa Hòa Bình; sử dụng các ứng dụng khoa học tự nhiên vào khảo cổ học thông qua phương pháp nghiên cứu Khảo cổ học vi tư liệu (micro studies in archaeology).
“Nhờ đó tôi đã khai quật, bảo tồn được hàng ngàn miếng vải, hạt, quả thời Đông Sơn. Sau khi khai quật khu mộ Động Xá (Hưng Yên) 2004 - 2005, tôi đã tiến hành phục dựng thành công chân dung người Đông Sơn từ các xương sọ đào được. Trở lại khai quật hang Xóm Trại ở Hòa Bình, tôi đã phát hiện hai lối đi cổ ra vào hang của người xưa nhờ dấu mòn để lại trên các phiến đá.
Đồng thời phát hiện việc sử dụng chất khoáng trong đất đồi để lấy màu và chữa bệnh. Cũng từ nghiên cứu đá khoáng, tôi đã phát hiện hệ thống mỹ thuật đầu tiên của cư dân văn hóa Hòa Bình từ 20 ngàn năm trước. Hiện nay tôi vẫn tập trung khai thác tư liệu văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đông Sơn”, TS Nguyễn Việt chia sẻ.
Tìm ra chiếc khố Chử Đồng Tử
TS Nguyễn Việt cho rằng, ông là người may mắn được đi rất nhiều nơi trong nước và ngoài nước. Những chuyến đi khai quật các hang động văn hóa Hòa Bình khó khăn luôn để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Trong đó có cả những chuyến cùng nhóm cư dân Mường bản địa vào rừng sâu thực nghiệm sống săn bắt hái lượm tiền sử.
Chuyến đi cùng giáo sư Đào Thế Tuấn giáp Tết từ hang Con Moong vượt rừng Cúc Phương giữa đêm lạnh... Ông cũng có hàng trăm lần ra nước ngoài tham gia hội nghị hay tham gia khai quật.
Cuộc khai quật địa điểm đá giữa ven đầm lầy Friesach ở ở gần Potsdam (Đức) để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất, “khi tôi phát hiện cục phân hóa thạch tiền sử mà cứ ngỡ là một tượng gốm”...
Ông kể một câu chuyện đáng nhớ. “Năm 2000, bà con ở làng Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vét mương tìm ra các “mộ thuyền”. Khi tôi đến xem hố khai quật, anh Trịnh Sinh - phụ trách khai quật ở đó - bảo “Việt ơi lâu không khai quật, xuống giúp một tay”. Tôi xuống và cùng làm. Tôi để ý và thắc mắc: Sao vải nhiều thế này mà các ông vứt đi? Tôi xin cái bùn, họ cho. Tôi giữ được khối lượng khoảng đựng đầy một thùng mì ăn liền. Tôi định cất lên ô tô thì dân chúng không cho mang đi.
Buổi trưa về xã ăn cơm, khi quay lại hiện trường thì chúng tôi thấy khối vải và bùn “bỏ đi” kia đã bị chọc chi chít các lỗ. Họ chọc xem có cạch cạch, tức là liệu có vàng hay không thôi. Sau khi thấy êm không có thì họ cho mang đi.
Đêm hôm đó về đến Hà Nội thì tôi ngâm, tẩy, lắc ngay. Sáng sớm hôm sau tôi chứng kiến những tấm vải “bay” ra khỏi đống bùn ấy. Chúng tôi có kĩ năng đặc biệt là dùng những tấm kính để hứng các vải sợi xưa cũ đó. Ngay lập tức chúng tôi có nguyên xi thứ vải khai quật được của người thời xưa.
Bởi vì, Chử Đồng Tử nếu có thật thì nó rơi vào thời kì tại vị của ông vua Hùng Vương thứ 6. Ngôi mộ mà chúng tôi đào ấy là vào thế kỉ thứ 4 - TCN. Tức là gần như cùng niên đại. Từ câu chuyện đó thì mình nói lên cái câu chuyện vải của thời Chử Đồng Tử, khoảng 2.400 năm cách ngày nay. Đó cũng là giai đoạn rực rỡ của văn hóa Đông Sơn.
Năm 2002, một năm sau đó, tôi có tham dự một hội nghị bên Đài Loan. Tại đây, một số đồng nghiệp danh tiếng ở Đại học Quốc gia Úc nghe báo cáo về “vải sợi” của tôi, họ mời tôi cùng xây dựng một đề tài là nghiên cứu vải của văn hóa Đông Sơn. Họ theo tôi về di chỉ Động Xá (tỉnh Hưng Yên) khai quật.
Sau này, thí nghiệm, có những lúc tôi còn lấy được nguyên những quả như quả quýt cúng. Người chết được cúng vào mộ khi chôn. Chúng giống quả thảo quả, hay quả dâu da. Nó còn mọng, nguyên hình hài. Kỹ thuật quan trọng là việc mình tách bùn, ngâm trong một môi trường nước ổn định (tương đương với môi trường dưới mộ khai quật) thì chúng ta tiếp tục giữ được chúng mãi.
Cho đến hiện nay tôi vẫn còn đang giữ được một quả đến từ hai nghìn năm trước đó. Cứ mỗi tuần phải thay nước một lần, nếu không, nó sẽ hỏng. Từ 2004 đến nay, đã trải qua khoảng hơn 830 lần chúng tôi phải thay nước rồi.
Đề tài này, nó cứ tiếp tục đẩy tôi đi. Ví dụ khi có cái đó thì tôi đăng kí các tài trợ của Nhật Bản và họ lập tức cho ngay. Với điều kiện là tôi phải sang Nhật báo cáo kết quả. Thế là tôi bê nó sang Nhật để rồi cũng lại gặp được những chuyên gia Nhật trong cùng lĩnh vực này.
Tình cờ, một lần tôi báo cáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội về “vải sợi Đông Sơn”. Trước sức “hút” của vấn đề, riêng Đại học Quốc gia đã hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu.
Bắt đầu báo chí có rộ lên “Khố Chử Đồng Tử” là dịp chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Chủ tịch của Hội Bảo trợ Trẻ mồ côi và Người tàn tật Việt Nam có mời tôi tham dự buổi lễ ra mắt, quyên góp tiền cho các hoạt động nhân đạo.
Lúc ấy bọn tôi cũng không có tiền, tôi đề nghị là “em có sản phẩm mới là một miếng vải mà ta có thể gọi nó là vải thời Chử Đồng Tử hoặc là ta gọi là cái khố của Ngài. Chúng tôi đã tặng “khố Chử Đồng Tử” cho quỹ đó. Họ đã tổ chức đấu giá “bảo vật” này”.
Những trăn trở về ngành khảo cổ học
Dù “nổi đình, nổi đám” với những nghiên cứu khảo cổ học, TS Nguyễn Việt không lúc nào nguôi trăn trở về sự phát triển của ngành khoa học này. Ông cho rằng, khảo cổ học Việt Nam rất có điều kiện phát triển nhờ số lượng di tích, di vật nhiều. Tuy nhiên đội ngũ khảo cổ học Việt Nam còn yếu kém cả về chất lượng và số lượng.
Cho đến nay, khảo cổ học Việt Nam vẫn chủ yếu là một ngành xử lý những phát hiện ngẫu nhiên chứ chưa có một hệ thống điều tra, nghiên cứu chiến lược. So với mặt bằng quốc tế, chúng ta vẫn tụt hậu, thiếu nhiều bộ môn chuyên ngành khảo cổ. Hợp tác quốc tế bị động, chạy theo các chương trình nghiên cứu của bạn. Ông cho rằng, với sự phát triển như hiện tại thì tình trạng khủng hoảng này còn lâu mới có thể khắc phục.
Khi cao tuổi, sức khỏe là lực cản với một nhà nghiên cứu khảo cổ học, rất may công nghệ số và Internet đã giúp ông vẫn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu.
“Chúng tôi có thể cùng nhau khai quật trực tuyến từ xa, rất xa, thậm chí cả ngoài nước. Năm ngoái đang khai quật Xóm Trại, Làng Vành tôi đau chân không lên hang được, vẫn có thể dùng camera quan sát và hướng dẫn các bạn trẻ bảo tàng tỉnh Hòa Bình làm tốt công việc xử lý hiện trường khai quật.
Từ hơn 20 năm nay (1999), tôi đã xây dựng hệ thống tư liệu khảo cổ trong chuỗi kho hiện vật thuộc bảo tàng Phạm Huy Thông trực thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á do tôi sáng lập và làm giám đốc. Công việc còn bộn bề, nhưng có nhiều bạn trẻ và đồng nghiệp trong, ngoài nước giúp đỡ, tôi đang gói lại những kiến thức tích lũy của mình thành những công trình xuất bản đa dạng phù hợp với công nghệ truyền thông hiện nay”, TS Nguyễn Việt chia sẻ.
Nhìn vào khối lượng công bố hàng trăm bài viết trên các tạp chí trong nước và quốc tế, các hội thảo khảo cổ học thế giới về văn hóa tiền sơ sử ở Việt Nam và Đông Nam Á, người ta dễ lầm tưởng rằng đằng sau đó là cả một ekip với bộ máy hoàn chỉnh.
Nhưng thực ra suốt hơn 20 năm nay, kể từ ngày thành lập Trung tâm, chỉ một tay ông lo liệu. Ngoài ra, ông có một cộng sự là nhà nghiên cứu Tạ Đức nhưng chuyên khảo sát về dân tộc học, cùng một số nhân viên giúp việc để thực hiện các phần việc đơn giản trong xử lý và bảo quản hiện vật.
Nhịp sống hằng ngày của ông gắn liền cùng một nhịp với nghiên cứu: Không gian nghiên cứu, nơi chứa đựng hàng vạn mẫu vật cũng chính là nhà của ông. Ngoài căn hầm riêng để chứa hiện vật, ông phân chia khu nhà thành hai nửa, một nửa để ở, một nửa để tiếp các đoàn khách nghiên cứu.
Nhưng đôi khi thật khó phân biệt ông thuộc về nửa nào, bởi ông vẫn thường lụi cụi giữa ngổn ngang những gốm, xương, hiện vật vỡ và ngồi bên kính hiển vi đến cạn ngày.
Về lý do xây dựng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, ông chia sẻ, Đông Nam Á là một thực thể địa lý nhân văn trước khi có các biên giới quốc gia. Sunda-Sahun với hàng chục nghìn năm là khối lục địa đã liên kết các nhóm cư dân cùng lối săn bắt hái lượm kiểu Hoabinhian, để khi biển tiến tạo diện mạo như ngày nay vẫn có những rẻ sâu liên kết về văn hóa, ngôn ngữ.
Sống và làm việc lâu ở nước ngoài tôi rất thấm thía điều đó. “Thế hệ tôi trưởng thành trùng hợp với chuyển mình của Việt Nam hội nhập Đông Nam Á. Việc đặt nghiên cứu tiền sử Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á là tự nhiên và đúng đắn nhất. Đó cũng là lý do chúng tôi đã thành công và gặt hái được nhiều thành tựu khoa học được thế giới công nhận”, TS Việt nói.
TS Nguyễn Việt cùng 14 nhà khoa học thành lập Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á từ năm 1999. Ngoài việc nghiên cứu ông còn thành lập Quỹ Phạm Huy Thông theo tên người thầy định hướng nghiên cứu cho ông nhằm hỗ trợ đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ đến trung tâm làm việc, thực tập cũng như góp phần thu thập hiện vật, cấp cứu một số hiện vật khảo cổ học đang xuống cấp.
Trong suốt hơn 20 năm qua, ông tự xây dựng hai trạm nghiên cứu khảo cổ và bảo tàng học ở Quảng Ninh và Hòa Bình và lưu giữ hàng vạn hiện vật, tiêu bản; Đầu tư và tham gia khai quật và gìn giữ hiệu quả ba di tích khảo cổ học có giá trị: Hang Xóm Trại, Mái đá Đú Sáng (thuộc văn hóa Hòa Bình) và hầm mộ Hố Của (hầm mộ gạch đầu công nguyên, tại Yên Hưng, Quảng Ninh); Hợp tác và tiếp đón hơn 30 đoàn, cá nhân nghiên cứu từ Úc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Malaysia, Lào, Campuchia… nghiên cứu tại trung tâm.