Tiến sĩ Lý Trần Thản - Niềm tự hào của quê hương Lê Xá
Là nhà khoa bảng văn võ kiêm toàn, Tiến sỹ Lý Trần Thản là một trong những người được phong tặng nhiều chức tước, phẩm hàm dưới thời phong kiến. Với quê mẹ, mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, Tiến sĩ Lý Trần Thản là người khai khoa đất học Lê Xá, có công dạy chữ, giúp dân... Tiến sĩ Lý Trần Thản mãi là niềm tự hào của dòng họ Lý Trần và quê hương Lê Xá.
Cách đây hơn 300 năm, ngày 12 tháng 3 xuân Tân Sửu (1721) Lý Trần Thản cất tiếng khóc chào đời tại xóm Giếng, xã Lê Xá (nay là thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Cha Lý Trần Thản là ông là Đặng Trần Diễm, từ đất Vân Canh nhân chuyến về thăm cảnh đẹp quê hương núi Đọi, sông Châu đã kết duyên với cô gái họ Lê đẹp người, đẹp nết, là con nuôi thầy đồ, kiêm nghề thuốc nam họ Nguyễn.
Theo những tư liệu được dòng họ lưu giữ và những tư liệu lịch sử quý trong cuốn “Tiến sĩ Lý Trần Thản” (do nhà thơ Nguyễn Thế Vinh chủ biên), trước đó, tại Vân Canh, ông Đặng Trần Diễm đã có bà chính thất, kết duyên lâu nhưng muộn con. Ông bà thường đến Thụy Hương để cầu tự ở đình Chèm thờ Lý Trọng (Đức Thánh Chèm) rất linh thiêng. Việc chưa thành thì lần về Lê Xá, ông kết duyên với bà Lê Thị sinh được con trai. Sau này, ông Đặng Trần Diễm có ba con trai, ba con gái. Tạ ơn Đức Thánh Chèm, ông Đặng Trần Diễm đổi họ cho các con từ họ Đặng thành họ Lý Trần. Theo phép xưa, cậu Thản tuy sinh trước, song là con bà thứ, nên gọi các con của bà chính thất là anh, chị.
Sinh ra và lớn lên ở Lê Xá quê mẹ, từ nhỏ Lý Trần Thản được thân phụ rèn cặp cẩn thận từ nét chữ đến nết người. Cha ông luôn dạy con phải lấy chữ “Đức” làm đầu. Chữ “Đức” là nét đẹp của người có tâm, sống thiện lương, biết phải trái đúng sai, biết giúp người, luôn lấy tình người làm trọng. Cuộc sống bình yên trôi qua, năm 11 tuổi, mẹ mất, Lý Trần Thản được cha đưa về quê nội Vân Canh. Năm 12 tuổi ông theo học thầy Nguyễn Quảng Cư (sau này ông Quảng Cư về làm quan ở phủ Thường Tín). Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), ngoài 20 tuổi, Lý Trần Thản đỗ Tam trường (trường thi Mao Điền, tỉnh Hải Dương), được bổ làm tri huyện Thanh Hà (Hải Dương), Thường Tín (Hà Nội)...
Tuy trưởng thành trong khoa cử phong kiến nhưng đức thanh liêm, chính trực, với tài năng và đức độ của mình, Lý Trần Thản đã có nhiều đóng góp cho nước, cho dân. Khi làm tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội), với tài trị nhậm, ông giữ được bản hạt thanh bình, ngày không lo cổng chưa gài, đêm thì yên giấc ngủ. Khi làm tri huyện Thanh Hà (Hải Dương) mang theo lời giáo huấn của cha, lời nhắn nhủ của mẹ, ông bảo vệ dân tình trước nạn trộm cướp, đói kém...
Ngày Lý Trần Thản đảm nhận việc quan ở Phủ Lỵ Nhân (Hà Nam), ông đặt thêm các tuần phòng trên một số tuyến đê xung yếu sông Hồng, sông Châu. Hà Nam có nhiều danh lam cổ tự thờ tứ pháp: pháp vân (thần mây), pháp vũ (thần mưa), pháp lôi (thần sấm), pháp điện (thần sét)... theo tín ngưỡng nông nghiệp cổ, ông cho tu sửa các thần từ, mong âm dương phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân chúng ấm no. Từ miền đồng bằng, ông lại được cử đi công vụ xứ Hưng Hóa. Vượt bao núi non hiểm trở nơi biên giới phía Bắc, từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... nơi nào ông đến, cắt đặt các viên tướng đứng đầu các đạo, nạn trộm cướp yên, chiêu tập dân lưu tán, ban chỉ dụ của chúa hoãn thu tiền thuế thiếu đã lâu của các huyện vùng cao, làng bản yên ổn, dân chúng vui mừng...
Thi đỗ Tiến sĩ năm 1769, sau khi vinh quy bái tổ đôi bên nội, ngoại, ông lên kinh nhận việc rèn cặp cho thế tử Trịnh Tông, con chúa Trịnh Sâm với chức Tư giảng ở phủ chúa. Nhờ sự kiên tâm bảo ban của ông và Tiến sĩ Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ với thi hào Nguyễn Du) và các hiền quan khác, Trịnh Tông đã bớt chơi bời, có ý thức hơn về dòng tộc, khôn khéo hơn trước nạn kiêu binh. Đáng nhớ những ngày được phong chức Hành quân Tư mã (Bộ tham mưu tiền phương của chúa Trịnh), cầm mấy ngàn quân vào sông Gianh, xem xét tình hình, vạch kế cùng Thống tướng Hoàng Ngũ Phúc, tổng chỉ huy quân đội của chúa Trịnh. Ông bí mật cho người vượt sông Gianh quan sát thực địa, lập bản đồ, sửa chữa lán trại, chăm sóc binh sĩ ốm đau. Hành dinh nơi ông đóng quân là xóm Hoa Dinh, chỗ hai bên ký hòa ước, ở bờ Bắc sông Thọ Linh. Dòng sông lấy làm ranh giới giữa đội quân Trịnh (đàng ngoài) - Nguyễn (đàng trong) nên gọi là sông Gianh. Nhờ tài mưu lược của Lý Trần Thản, việc tranh chấp của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn được dàn xếp, bớt gây đau khổ cho nhân dân, xương máu cho quân sỹ.
Mùa đông năm 1773, tuổi ngoài năm mươi, Lý Trần Thản trở về Lê Xá - quê mẹ, nơi mình cất tiếng khóc chào đời để thờ phụng cha mẹ. Hằng năm, vào mùa mưa lớn, nước trên triền núi Đọi tràn về gây hại mùa màng, Lý Trần Thản cùng dân cư trong vùng đắp một con đê từ vụng chân núi Đọi về đường giáp mốc thôn Hạ, dấu tích còn lại đến đầu thế kỷ XX, dân trong vùng gọi là đường Ông Trùm Chỏm. Ông còn cho dân làng đào một con sông để tiêu nước chống úng cho lúa mầu, đến nay vẫn còn đắc dụng. Đình làng Lê Xá lâu ngày bị hư hỏng, mấy mẫu đất triều đình ban, ông hiến cho làng để làm đình, ông muốn để phúc lộc cho cả làng cùng hưởng nên chuyển nhà vào xóm Giếng nơi vườn xưa của cha mẹ để ở và làm nơi thờ tự, cũng là trường dạy trẻ.
Ngày 14 tháng 2 năm Bính Thân (1776), Tiến sĩ Lý Trần Thản quy tiên, hưởng thọ 56 tuổi. Được tin vị quan nổi tiếng qua đời, Chúa nghỉ chầu. Đích thân chúa Trịnh Sâm sức cho tri phủ Lỵ Nhân, cử nhân Nguyễn Hữu Huân tổ chức tang lễ trọng thể. Đông đảo các vị văn hào, thân sỹ, nhiều vị thượng quan từ kinh thành Thăng Long và các nơi về dự. Cả làng Lê Xá rợp đối trướng. “Dĩ hiếu, dĩ trung đương nhật thiểu/Hoàn danh, hoàn phúc kỷ nhân đồng” - “Giữ hiếu, giữ trung nào thấy lắm/Vẹn danh, vẹn phúc mấy ai bằng” (nhà thơ Tố Hữu dịch 1978), là câu đối của các quan phủ Lỵ Nhân trong lễ viếng Tiến sỹ Lý Trần Thản được bình là hay nhất.
Không chỉ là một mệnh quan mẫn cán, tài năng, đức độ, Tiến sĩ Lý Trần Thản còn là một thi sĩ có tâm hồn và những rung cảm tinh tế, sâu xa với thế sự, thiên nhiên và cõi lòng. Thơ văn Tiến sĩ Lý Trần Thản số lượng tới hơn trăm bài thể hiện một lòng, một dạ phụng sự đất nước, chăm lo cho nhân dân. Tiêu biểu như bài "Xuống các xã đất Phú Xuyên xem gặt": “Trải mấy năm rồi xem gặt hái/Nay nhìn lúa tốt dạ an vui/Xóm giềng chốn chốn bông vàng trĩu/Già trẻ nhà nhà rộn hân hoan/Ngày ngủ chẳng lo chưa đóng cổng/Đêm chơi nào sợ giặc xông càn/Lý Miếu gặp may về hoàn báo/Trở lại công đường dạ xốn sang”; hay bài "Nói với người nhà": “Lo việc quan trường đã chục năm/Chẳng điều thù oán với lương dân/Giữ thân chữ chính lòng luôn nhớ/Theo Chúa lòng nhân dạ vẫn chăm/Ngày thấy trong gương thêm tóc trắng/Mắt trông bờ cõi chẳng yên nằm/Bốn phương khói lửa sao mà dữ/Quê mẹ bao giờ trở lại thăm”...
Một đời sống thanh liêm, đức độ, vì nước, vì dân, khi mất, ngoài nơi thờ tự của dòng họ, với nhiều đóng góp cho làng xã, Tiến sĩ Lý Trần Thản được người dân Lê Xá thành kính suy tôn là Thành hoàng (Chính Thần), thờ tại đình làng.
Là nhà khoa bảng văn võ kiêm toàn, Tiến sỹ Lý Trần Thản là một trong những người được phong tặng nhiều chức tước, phẩm hàm dưới thời phong kiến. Với quê mẹ, mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, Tiến sĩ Lý Trần Thản là người khai khoa đất học Lê Xá, có công dạy chữ, giúp dân... Tiến sĩ Lý Trần Thản mãi là niềm tự hào của dòng họ Lý Trần và quê hương Lê Xá.