Tiến sĩ Phạm S: Di sản văn hóa và thiên nhiên là vốn quý để Đà Lạt phát triển du lịch xanh
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định, di sản văn hóa và thiên nhiên là vốn quý để Đà Lạt phát triển du lịch xanh. Để nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, doanh nghiệp và địa phương.
Du lịch xanh, du lịch bền vững là xu hướng, là nền tảng phát triển của ngành du lịch nói chung và Đà Lạt – Lâm Đồng nói riêng phải không thưa ông?
Tiến sĩ Phạm S: Du lịch xanh là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân. Không chỉ giảm thiểu các tác động về thể chất, xã hội, hành vi và tâm lý, du lịch xanh còn xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp những trải nghiệm tích cực cho du khách.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu quan điểm, phải phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng hóa sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ đó, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Lạt – Lâm Đồng nói riêng, đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài; du khách đã đến rồi sẽ quay trở lại nhiều hơn và sớm hơn.
Có thể hiểu, 2 giá trị cốt lõi để phát triển du lịch xanh là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Vậy đâu là nét độc đáo về văn hóa của Đà Lạt?
Tiến sĩ Phạm S: Đà Lạt được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự do người Pháp xây dựng. Việc bảo tồn, khai thác và phát triển các công trình kiến trúc cổ, tổ chức các chương trình hướng dẫn du lịch để du khách có thể khám phá, hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa Đà Lạt.
Đà Lạt cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, là vùng đất có những truyền thống văn hóa đặc biệt, nơi hội tụ của người dân từ mọi miền đất nước, đã tích lũy tạo bản sắc riêng với phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
Việc bảo tồn và khai thác văn hóa này có thể bao gồm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trình diễn các nghệ thuật dân gian, thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng địa phương và du khách.
Đặc biệt, Đà Lạt có di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận; có di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và di sản thiên nhiên Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang.
Còn về di sản thiên nhiên thì sao, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm S: Đà Lạt là vùng đất rất đa dạng, phong phú với núi rừng hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp diệu kỳ và khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang tạo nên sự trù phú cho vùng đất này.
Đây chính là những tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với những nét đặc thù riêng mà ít đô thị nào có được. Đó là, phát triển lâm nghiệp; cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, quả ôn và nhiệt đới; cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh.
Đà Lạt nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với hồ, thác nước, rừng nguyên sinh. Việc bảo vệ và khai thác các khu vực này có thể bao gồm việc xây dựng các hệ thống du lịch sinh thái, như đường đi bộ, đường mòn và khu nghỉ dưỡng sinh thái, giúp du khách tham quan mà không gây tổn hại đến môi trường.
Đà Lạt không chỉ là vùng trồng chè thương mại đầu tiên của Việt Nam mà còn là vùng trồng trà Ô long đầu tiên có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, là vùng sản xuất rau lớn nhất của Việt Nam, là một trong những trung tâm sản xuất hoa Đông Nam Á và thế giới. Bên cạnh đó còn nhiều đặc sản khác.
Do đó, việc khai thác nông nghiệp đa chức năng, đa giá trị có thể bao gồm tổ chức các tour trải nghiệm sản xuất, tham quan những mô hình nông nghiệp công nghệ cao và giới thiệu quy trình canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; điều này không chỉ tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn giúp du khách thu mua nông sản tại chỗ theo ý.
Sau 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành “Thành phố Festival Hoa”, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực; Trường Cao đẳng Đà Lạt là một trong 1.000 công trình kiến trúc đẹp nhất thế kỷ XX; Đà Lạt thành phố của ba thiên đường, là thành phố thông minh, thành phố bền vững môi trường ASEAN... Đà Lạt cũng đã hoàn tất hồ sơ để trình UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu.
Có thể nói, Đà Lạt là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo để phát triển du lịch xanh hiện tại và tương lai.
Theo đánh giá, thời gian qua, Lâm Đồng đã có sự quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và di sản thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, tuy nhiên chưa có giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch xanh. Theo ông, trong thời gian tới cần những giải pháp gì?
Tiến sĩ Phạm S: Nhằm định vị giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên để phát triển du lịch xanh Đà Lạt mang tầm quốc gia và quốc tế trong tương lai, cần tiếp tục phát huy những thành quả du lịch Đà Lạt trong thời gian qua. Tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương: “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, bằng nhiều hình thức. Chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều.
Cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia trên thế giới; có sự kết nối trong chia sẻ sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Đà Lạt; đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch khoa học, du lịch giáo dục, du lịch giải trí và du lịch thể thao.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại các khu du lịch trọng điểm quốc gia, như: khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng, khu du lịch hồ Đại Ninh, khu du lịch hồ Prenn tương xứng với tài nguyên thiên nhiên vốn có. Đồng thời cần có giải pháp đồng bộ, sớm triển khai xây dựng các công trình điểm nhấn, độc đáo mang tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế; dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; dự án nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế, nhằm thu hút lượng khách quốc tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp khai thác có hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, thông qua các dự án du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, nghiên cứu các điểm du lịch trải nghiệm. Song song với cách thu hút du khách như trong thời gian qua, trong tương lai Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch theo đặt hàng, thời gian tham quan phải đặt hàng trước và là tour du lịch có giá cao nhất tỉnh Lâm Đồng và Việt Nam. Vì đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và hiện là duy nhất của khu vực Tây Nguyên, cần khai thác giá trị tương xứng là trung tâm đa dạng sinh học quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, cần tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và các sự kiện văn hóa du lịch hấp dẫn hơn, đa dạng hơn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt đến thị trường du lịch quốc gia và quốc tế. Cần có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh và âm nhạc… Đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong tương lai mà Đà Lạt có rất nhiều lợi thế. Có giải pháp đồng bộ, khoa học và hiệu quả thực hiện các giải pháp kinh tế ban đêm nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách khi đến Đà Lạt.
Ngoài ra, cần thu hút các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu về du lịch như mô hình của Thụy Sĩ. Hình thành học viện đào tạo CEO về du lịch quốc tế để tuyển sinh đào tạo học viên toàn cầu chuyên sâu về du lịch. Bởi vì trên thế giới có loại hình du lịch nào thì Đà Lạt cũng có khả năng đáp ứng các loại hình du lịch đó (riêng du lịch biển sẽ phối hợp trải nghiệm thực tế ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoặc Bình Thuận).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với giá trị cảnh quan môi trường của Đà Lạt; tổ chức trồng cây cảnh quan nhiều hơn nữa cho Đà Lạt; quyết tâm từ năm 2023 trở về sau tuyệt đối không để người dân lấn chiếm đất rừng, san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình gây mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở đất trong mùa mưa bão.
Theo ông, cộng đồng và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch xanh cho Đà Lạt?
Tiến sĩ Phạm S: Để phát triển du lịch xanh, Đà Lạt cần mở rộng hình thức hợp tác công tư, cần có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng. Chính quyền có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ và quy định về du lịch xanh, doanh nghiệp du lịch có thể đầu tư vào các dự án phát triển du lịch xanh, và cộng đồng địa phương có thể tham gia vào quá trình quảng bá, quản lý du lịch.
Sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở Đà Lạt. Thông qua việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương trong hiện tại và tương lai.
Điều này không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững.