Tiến sĩ Võ Trí Thành: 'Nhiều nền tảng vững chắc để kinh tế phát triển'
Tại hội thảo 'Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024' được tổ chức vừa qua, tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh bày tỏ niềm tin lạc quan về sự phục hồi nền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, mặc dù kinh tế thế giới còn phải đối mặt nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng các điểm sáng thấy rõ, giúp hỗ trợ kinh tế Việt Nam. Một là nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam rất thấp, thậm chí tốt hơn, điển hình như kinh tế Hoa Kỳ.
Thứ hai là thị trường tài chính tiền tệ đã tốt hơn, lạm phát giảm nhanh, là cơ sở để các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, xu thế về kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ đang rất mạnh mẽ.
Từ năm 2023 và cho đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, áp lực về tỷ giá, lãi suất cơ bản giảm đáng kể, tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và sẽ giữ nguyên trong 6 tháng đầu năm 2024.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến ổn hơn dù chưa được như kỳ vọng. Tỷ giá có “nhảy” tốt nhưng vẫn ổn, mất giá của VND quanh mức 3% trở xuống (mức thấp).
Đáng chú ý, lĩnh vực xuất khẩu tăng rất mạnh, từ mức tăng trưởng âm rất lớn (-11,9% quí I/2023) chỉ còn -4,4% cho cả năm 2023; đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng tới 19,2% so cùng kỳ. Bên cạnh xuất khẩu, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại là động lực tăng trưởng, từ mức tăng trưởng -0,4% quí I/2023 lên 3,6% cả năm 2023; riêng 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%.
Một chỉ số nữa cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp là PMI. Gần như tất cả các tháng năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8), PMI đều thấp hơn 50, nhưng 2 tháng đầu năm 2024 đã vượt 50.
Bên cạnh yếu tố sản xuất - xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Cam kết và thực hiện FDI năm 2023 là 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% và 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%; các con số tương ứng 2 tháng đầu năm 2024 là 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% và 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%. Trong đó, đáng chú ý là "giải ngân FDI 2 tháng đầu năm gần 10% là con số chưa từng có", TS Võ Trí Thành phân tích.
Về đầu tư công, năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao là 676.000 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch, cao hơn 146.000 tỷ đồng so năm 2022. Sang 2024, giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm.
Bên cạnh những điểm sáng, tiến sĩ Võ Trí Thành chỉ ra một vấn đề đang tồn tại, đó là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại, con số thống kê danh nghĩa có tăng chút, nhưng khi loại trừ yếu tố giá thì thực chất là giảm ít nhiều. Tăng trưởng tín dụng, bất động sản có cải thiện nhưng còn thấp.
Theo dữ liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024 vẫn ở mức âm (-1,1%). Hơn nữa, thị trường bất động sản có "nhích" (giao dịch và thanh khoản) nhưng nhìn chung chưa phục hồi rõ.
"Vấn đề nằm ở bất động sản, nỗ lực lớn nhưng chưa hồi phục. Tiêu dùng có vẻ chững lại, đầu tư tư nhân, vay tín dụng còn có dấu hiệu quan ngại" - ông Võ Trí Thành nói.
Trước tình hình trên, tiến sĩ Võ Trí Thành ủng hộ việc điều hành chính sách theo hướng giữ ổn định kinh tế vi mô, hoạt động ổn định của thị trường tài chính, vốn, ngân hàng thương mại. Kích cầu về tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư (FDI, tư nhân, công).
Tiếp tục chính sách tài khóa, tiền tệ hoãn nợ, giảm thuế phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực mới để Việt Nam bắt nhịp với tăng trưởng thế giới… Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số cả cứng cả mềm và quy hoạch 63 tỉnh, thành sẽ xong cùng cơ chế đặc thù và một số cơ chế đặc thù như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.