Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bàn về người thầy trong thời đại mới (1)

Nếu như trước đây người thầy là người truyền thụ kiến thức cho học sinh, thì nay là người giúp cho học sinh cách học để phát triển năng lực tự mình.

LTS: Câu chuyện về người thầy trong thời đại ngày nay phải có những phẩm chất, kỹ năng, đạo đức, lối sống ra sao luôn thu hút sự quan tâm của xã hội. Bởi đó là những người ươm mầm cho thế hệ trẻ của đất nước, đào tạo nên tương lai của xã hội.

Ngày 15/12, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Người thầy trong giáo dục đại học của thời kỳ hội nhập”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã có những phân tích, bàn luận về người thầy ngày nay.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Từ xưa tới nay công việc khai hóa văn minh cho dân tộc và xây dựng nhân cách cho bao lớp người luôn là công việc vĩ đại nhất, gắn với vai trò vô cùng quan trọng của người thầy.

Máy tính không thể thay thế người thầy (*)

Những năm gần đây, với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, đã xuất hiện ý kiến cho rằng, vai trò của người thầy sẽ không còn quan trọng như trước nữa do công nghệ thông tin sẽ thay thế dần.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bàn về người thầy trong thời đại ngày nay. Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bàn về người thầy trong thời đại ngày nay. Ảnh: Thùy Linh

Ý kiến đó cũng có lý do, vì công nghệ thông tin sẽ làm chức năng truyền thụ kiến thức là công việc chủ yếu của người thầy trước đây.

Nhưng về cơ bản thì ý kiến trên không đúng. Vai trò của người thầy chẳng những không giảm đi mà ngược lại còn tăng lên vì giáo dục truyền thụ kiến thức sẽ chuyển sang giáo dục phát triển năng lực.

Mà phát triển năng lực thì quan trọng và khó hơn nhiều so với truyền thụ kiến thức. Và ngay cả công nghệ thông tin thì cũng vận hành theo những chương trình và nội dung do người thầy lập ra.

Ai cũng đã từng có những người thầy. Nhưng khái quát lại xem người thầy nên như thế nào thì không phải không có nhiều ý kiến khác nhau.

Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần

Người thầy ở bất cứ thời đại nào thì cũng đều có một số điểm giống nhau về cơ bản vì họ đều là người thầy, làm cái nghề đặc trưng là trồng người.

Đồng thời, trong mỗi thời đại, ở mỗi quốc gia, người thầy có những đặc điểm riêng không như các thời đại và quốc gia khác.

Những điểm chung nhất của người thầy ở mọi thời đại là gì? Trước tiên, họ phải là tấm gương về nhân cách, trung thực, nhân ái, tận tâm, có bản lĩnh bảo vệ chính kiến và chân lý, bên vực lẽ phải cho đời, không vướng bận tiền tài và danh vị.

Cũng chính vì lẽ ấy mà nhiều người ở các thế hệ khác nhau đã gọi Chu Văn An là người thầy của các thời đại, là thầy của những người thầy.

Kiến thức của người thầy đương nhiên là hết sức quan trọng nhưng rồi cũng có giới hạn và sẽ được bổ sung, thay thế bằng những kiến thức khác mới hơn, còn các giá trị về nhân cách mới là thứ bền lâu mãi.

Kiến thức của thầy để trang bị cho học trò, còn nhân cách của thầy thì tác dụng trực tiếp và mạnh mẽ vào sự nghiệp “trồng người”, truyền cảm các giá trị nhân văn sang nhân cách của học trò.

Chúng ta thường nhìn thấy không ít những người thầy tâm huyết với công việc dạy người, muốn góp phần nhiều nhất có thể cho việc hình thành và phát triển nhân cách (kiến thức, năng lực và phẩm chất) của người học, luôn mong muốn học sinh trưởng thành.

Những người thầy lớn có ước muốn học trò sẽ vượt mình và vượt sách. Nói chung người thầy nào cũng cố gắng rèn luyện phẩm chất, nâng cao kiến thức và năng lực giảng dạy, giữ hình ảnh người thầy trong lòng học sinh.

Trong quan hệ với học trò, người thầy thường và cần đứng ở vị trí cao thượng, trong sáng, vị tha, khoan dung, và nghiêm khắc, tìm thấy niềm vui thật sự mỗi khi nhận thấy học trò tiến bộ.

Đó là một số đặc điểm chung nhất của người thầy. Và đương nhiên là chưa đủ và không phải ai cũng được như thế.

Người thầy nay và xưa có gì khác nhau?

Còn những đặc điểm khác nhau giữa người thầy ngày nay và các thời đại trước? Trước tiên, cần trao đổi về một số đặc điểm của thời đại ngày nay vì chính nó là lý do, nguyên nhân và cơ sở làm cho người thầy phải khác trước.

Rồi trên cơ sở khoa học, thực tiễn đó, ta thử phác họa đặc điểm người thầy ngày nay.

Người giáo viên hiện đại phải là một nhà giáo dục chứ không phải là một thợ dạy

Trong thời đại của kỷ nguyên thông tin, thế giới thay đổi rất nhanh, các thành tựu khoa học công nghệ và kiến thức do loài người tích góp lại đã nhiều vô kể và nâng cao chất lượng, thông tin nhiều chiều, cách tiếp cận đa dạng và đa phương thức.

Người thầy nếu tiếp tục làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức như trước kia thì sẽ không còn phù hợp vì không biết sẽ cập nhật thế nào cho hết và truyền thụ bao nhiêu cho đủ, để làm gì và cất giữ ở đâu trong đầu óc của học trò.

Công nghệ thông tin sẽ thay thế căn bản chức năng truyền thụ kiến thức của người thầy.

Và khi ấy người thầy sẽ có nhiều thì giờ hơn để chủ yếu là hướng dẫn cho học sinh cách học, phương pháp tiếp cận, tự tìm kiếm kiến thức, cách phân tích và tổng hợp.

Giới thiệu giá trị cốt lõi nhất để làm ngọn hải đăng cho học sinh trong quá trình tự học, tự tìm kiến thức trong đại dương mênh mông của tri thức nhân loại.

Nếu như trước đây người thầy là người truyền thụ kiến thức cho học sinh, thì nay là người giúp cho học sinh cách học để phát triển năng lực tự mình.

Học sinh phải trở thành chính họ, với năng lực và nhận thức cao hơn. Chứ học sinh không phải là kết quả do ai nặn ra theo ý muốn chủ quan áp đặt của người “tạo mẫu”.

Và theo đó, người thầy là bạn đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, chứ không phải là người nắm độc quyền chân lý và áp đặt cho học sinh, bắt phải thừa nhận và yêu cầu học sinh phải thuộc lòng, không được khác thầy, khác sách.

Người thầy cần giúp cho học sinh biết tự học, chuyển quá trình đào tạo sang tự đào tạo, có tư duy độc lập và bản lĩnh để bảo vệ các chân lý khoa học và chính kiến của mình;

Có thể khác thầy, khác sách, biết cách vượt thầy và vượt sách, chứ người thầy không phải là hình mẫu, thước đo và giới hạn để học sinh phải giống thầy, phấn đấu để gần bằng thầy.

Nếu vậy thì thế hệ sau sẽ không bằng thế hệ trước và cứ thế mà đứng đó hoặc thụt lùi.

Theo đó, người thầy phải có nhiều hiểu biết về khoa học giáo dục hiện đại, tâm lý học, là nhà giáo dục, nhà văn hóa và người nghệ sĩ.

(*): Tít chính và tít phụ do Tòa soạn đặt.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Tấn Tài lược ghi)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-si-vu-ngoc-hoang-ban-ve-nguoi-thay-trong-thoi-dai-moi-1-post205505.gd