Tiền số Bitcoin, Pi, XRP… sẽ bị đánh thuế như chứng khoán?
Trong bối cảnh tiền số Bitcoin liên tục phá vỡ các kỷ lục về giá, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ lan tỏa khắp thị trường tài sản số toàn cầu, Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số với mức thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần giao dịch. Đây được xem là một bước đi đáng chú ý.
Dòng vốn chảy vào thị trường tiền số của Việt Nam rất lớn
Năm 2025 đang trên đà trở thành một năm thăng hoa của tiền số Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, cũng như cho các nhà đầu tư, doanh nhân và nhà phát triển trên toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ trong xu hướng phát triển chung này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật Genius Act quản lý các tiền số neo cố định theo giá tiền pháp định (stablecoin) là một bước ngoặt lịch sử cho ngành tiền mã hóa toàn cầu.
Genius Act sẽ thiết lập một khung pháp lý rõ ràng cho stablecoin, yêu cầu các tổ chức phát hành phải đảm bảo stablecoin được bảo chứng 1:1 bằng tài sản thanh khoản cao (như USD hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn) và công bố thành phần tài sản bảo chứng hằng tháng. Điều này sẽ giúp các stablecoin do Mỹ phát hành, đặc biệt là các stablecoin neo USD (như USDT, USDC), trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Sự minh bạch và quy định chặt chẽ từ một nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư Việt Nam, vào stablecoin. Khi rủi ro về sự sụp đổ của stablecoin giảm đi, người dùng sẽ tự tin hơn khi sử dụng chúng làm phương tiện giao dịch hoặc lưu trữ giá trị.
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa… sẽ phải chịu thuế. Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự mức áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Genius Act quản lý các tiền số neo cố định theo giá tiền pháp định (stablecoin). Ảnh: PM
Đáng chú ý, trong bối cảnh tiền mã hóa đang bùng nổ trên toàn cầu, việc Việt Nam xây dựng chính sách quốc gia và duy trì sự giám sát hiệu quả sẽ là yếu tố then chốt quyết định vị thế của tài sản số trong tương lai.

Đề xuất đánh thuế, đặc biệt khi dựa trên Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, là một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch cho tài sản số. Ảnh AI: PM

Việc quy định tính pháp lý cho tài sản số sẽ giúp hàng triệu nhà đầu tư Việt thoát khỏi "vùng xám" pháp lý. Ảnh AI: PM
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tài sản số đã có một bước tiến vượt bậc về mặt pháp lý tại Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, chính thức quy định tính pháp lý cho tài sản số.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng là tài sản số giờ đây được công nhận là một loại tài sản theo pháp luật dân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản số sẽ được bảo vệ tương tự như tài sản vật chất thông thường.
Với hơn 21 triệu người Việt Nam đang tham gia đầu tư vào tài sản mã hóa, đạo luật này sẽ có tác động sâu rộng. Việc quy định tính pháp lý cho tài sản số sẽ giúp hơn 21 triệu nhà đầu tư này thoát khỏi "vùng xám pháp lý", mang lại sự an tâm và minh bạch hơn cho hoạt động của họ trong không gian tài sản số đầy sôi động này.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Bước tiến lớn
Trên cơ sở các khuôn khổ pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện và đi vào thực thi, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các quy định về đánh thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng tài sản số.
Đặc biệt đề xuất đánh thuế dựa trên Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, là một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch cho tài sản số. Điều này sẽ giúp đưa hàng triệu người đang đầu tư vào lĩnh vực này ra khỏi "vùng xám pháp lý", tạo sự an tâm và tin cậy.

Bộ Tài chính cũng cần đưa ra những lộ trình rõ ràng trong việc phát triển Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản số. Ảnh AI: PM
Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, tại các nước phát triển như Mỹ, Anh và Úc thì tài sản số, đặc biệt là tài sản mã hóa phải chịu thuế thu nhập và thuế thặng dư vốn. Trong đó, nhà đầu tư phải đóng thuế thu nhập khi họ nhận được tài sản mã hóa cho các hoạt động như nhận lương bằng tài sản mã hóa, đào tiền mã hóa và các hình thức khóa tài sản mã hóa để nhận thưởng (staking).
Đối với thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax), nhà đầu tư phải trả khoản thuế này nếu họ bán tài sản mã hóa để lấy tiền pháp định, giao dịch hoán đổi các loại tài sản mã hóa khác nhau hoặc dùng tài sản mã hóa để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ. Mức thuế phải trả tùy thuộc vào việc nhà đầu tư nắm giữ các loại tài sản mã hóa dài hạn hay ngắn hạn, trong đó, mức thuế cho việc nắm giữ ngắn hạn cao hơn đáng kể.
Vị chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc đưa tài sản số vào khuôn khổ thuế, nhằm phản ánh đúng bản chất thu nhập phát sinh từ hoạt động giao dịch tài sản số.
Cũng theo Tiến sĩ Huy, việc áp dụng thuế suất 0,1% tương tự chứng khoán là một bước đi hợp lý trong ngắn hạn vì tính đơn giản, dễ áp dụng, và không yêu cầu định giá tài sản phức tạp. Cách tiếp cận này sẽ dễ triển khai kỹ thuật thông qua hạ tầng số, đặc biệt khi giao dịch diễn ra trên các sàn giao dịch minh bạch. Tuy nhiên, về dài hạn, cần tính đến khả năng phân loại các loại tài sản số khác nhau (tài sản mã hóa, token tiện ích, NFT,...) và bản chất thu nhập (đầu cơ, đầu tư dài hạn, thu nhập thụ động) để có chính sách thuế phù hợp, tránh đánh đồng và gây méo mó hành vi thị trường.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc áp dụng mức thuế suất cố định 0,1% có thể tạo ra sự ổn định bước đầu trong quản lý, song cần lưu ý một số điểm. Cụ thể, tài sản số có tính biến động cao, và biên lợi nhuận của nhà đầu tư không phải lúc nào cũng dương. Việc đánh thuế theo giá trị giao dịch thay vì lợi nhuận thực có thể dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế” nếu nhà đầu tư giao dịch liên tục và thua lỗ. Điều này về lâu dài có thể khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ nản lòng, làm giảm thanh khoản của thị trường.
Do đó, để hài hòa giữa mục tiêu thu ngân sách và phát triển thị trường, Bộ Tài chính cần có lộ trình rõ ràng để phát triển Luật Thuế thu nhập cá nhân cho tài sản số. Trước mắt áp dụng thuế suất thấp và đơn giản với điều kiện giao dịch minh bạch, song song phát triển hệ thống định danh tài sản, giám sát dòng tiền và chuẩn hóa báo cáo để tiến đến đánh thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax) như các thị trường phát triển.
"Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần đưa ra những lộ trình rõ ràng trong việc phát triển Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản số dựa vào kinh nghiệm của các nước phát triển để tránh thất thu thuế cũng như làm tăng niềm tin của nhà đầu tư", một vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh và Úc, tài sản số (đặc biệt là tài sản mã hóa) phải chịu thuế thu nhập và thuế thặng dư vốn. Ảnh AI: PM
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, trong suốt một thời gian dài, Việt Nam luôn nổi bật với các chỉ số về mức độ chấp nhận tiền số toàn cầu rất cao. Dữ liệu cho thấy, ngay cả trong những năm thấp điểm, chúng ta vẫn ghi nhận khoảng 17 triệu tài khoản tiền số. Điều đáng nói, tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia vào thị trường này nằm trong khoảng 17% đến 20% dân số, một con số vượt trội so với mức trung bình toàn cầu chỉ khoảng 6% - 6,5%. Đây là một chỉ số ấn tượng, cho thấy mức độ quan tâm và tham gia sâu rộng của người Việt trong không gian tài sản số.
Cùng với đó, dòng vốn chảy vào thị trường tiền số của Việt Nam cũng rất lớn, không tính dòng vốn chảy ra. Con số này đạt khoảng 100 tỉ USD và có năm đỉnh điểm như 2022 là 120 tỉ USD. Những số liệu quốc tế này liên tục xếp Việt Nam vào top đầu thế giới, tạo ra một nền kinh tế mà chúng ta thường gọi là "kinh tế ngầm" hoặc "vùng xám pháp lý" trong khi các nước khác đã sớm ban hành luật và xây dựng những mạng lưới hạ tầng blockchain rất nổi tiếng.
Việt Nam, dù đi sau trong việc ban hành khung pháp lý, nhưng lại đang đối mặt với tình trạng thị trường "xám" bị nước ngoài khai thác quá nhiều. Chúng ta đều nhận thấy rằng, khoảng 80% giao dịch tiền số của Việt Nam hiện đang nằm trong tay các sàn giao dịch nước ngoài. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy cho nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-so-bitcoin-pi-xrp-se-bi-danh-thue-nhu-chung-khoan-post862270.html