Tiền tệ châu Á tăng giá mạnh khi đô la 'hụt hơi'
Các đồng tiền ở châu Á đang tăng giá chóng mặt khi đô la Mỹ suy yếu giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu hạ nhiệt và kỳ vọng về thỏa thuận thuế giữa Mỹ với một số nền kinh tế trong khu vực.

Các đồng tiền ở châu Á đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên giao dịch sáng 5-5. Ảnh: Getty Images
Khi thị trường mở cửa sáng nay (5-5), chỉ số tiền tệ châu Á của Bloomberg tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, với đồng đô la Đài Loan tăng hơn 5% lên mức đỉnh của hơn 2 năm.
Trong khi đó, đồng ringgit của Malaysia tăng lên cao nhất nhất kể từ tháng 10-2024. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở hải ngoại tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng so với đô la Mỹ. Đồng yen Nhật Bản, won Hàn Quốc và đô la Singapore đều tăng giá.
Đà tăng giá của tiền tệ ở châu Á diễn ra sau khi hôm 4-5, Tổng thống Donald Trump tiết lộ, Mỹ có thể chốt thỏa thuận thương mại với một số quốc gia ngay trong tuần này. Ông tuyên bố sẽ giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vào một thời điểm nào đó vì mức thuế hiện nay quá cao khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như ngừng giao thương với nhau.
Ông Trump đã áp thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc còn Bắc Kinh áp thuế trả đũa 125% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Người đứng đầu Nhà Trắng ca ngợi một số tuyên bố “tích cực” gần đây của Trung Quốc. Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đang đánh giá khả năng đàm phán với Mỹ.
“Sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại nhìn chung tác động tích cực đối với các đồng tiền châu Á vì nhà đầu tư có thể tự tin ‘bắt đáy’ các tài sản châu Á đã bị bán tháo do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, cần lưu ý rằng cho đến khi các thỏa thuận thương mại được công bố, thị trường ngoại hối châu Á có thể vẫn biến động mạnh”, Peter Chia, nhà chiến lược của ngân hàng United Overseas Bank bình luận.
Namik Immelbäck, giám đốc chiến lược của ngân hàng SEB nhận định, đà tăng giá mạnh của các đồng tiền châu Á có thể xuất phát từ việc các nhà đầu tư đang điều chỉnh lượng nắm giữ đồng đô la Mỹ để chuẩn bị cho các thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và các nước châu Á.
Ngoài ra, một phần của biến động này đến từ việc các nhà đầu cơ ngắn hạn vội vàng đóng vị thế bán khống các đồng tiền châu Á khi thấy thị chứng khiến thị trường đảo chiều bất ngờ.
Các mức thuế đối ứng cao mà Nhà Trắng công bố đầu tháng Tư đã làm chao đảo thị trường tài chính. Tuy nhiên, thị trường đã ổn định trở lại giữa những dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán của Mỹ với nền kinh tế châu Á đang tiến triển và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang hạ nhiệt.
Đồng nội tệ mạnh giúp các nền kinh tế châu Á thu hút dòng vốn ngoại và giảm chi phí nhập khẩu nhưng lại khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hôm 2-5, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông chi số tiền kỷ lục 46,5 tỉ đô la Hồng Kông (6 tỉ đô la Mỹ) để mua đô la Mỹ nhằm làm suy yếu đồng nội tệ. Đà tăng quá nóng của đồng đô la Đài Loan khiến ngân hàng trung ương Đài Loan cảnh báo sẽ can thiệp vào thời điểm hợp lý để hạn chế đà tăng.
Đô la Đài Loan bắt đầu tăng giá mạnh vào hôm 2-5 khi nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh cổ phiếu địa phương với kỳ vọng nhu cầu chip của hòn đảo này tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu ở Đài Loan cũng bán tháo đồng bạc xanh vì dự đoán giá có thể tiếp tục giảm.
Tương tự, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng không còn coi đô la hay trái phiếu Mỹ là nơi trú ẩn an toàn giữa chiến tranh thương mại. Một khảo sát của Bloomberg cho thấy, nhiều nhà xuất khẩu của nước này đang chuyển hướng, từ tích trữ đô la sang nhân dân tệ.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định, với đồng đô la đang chịu áp lực và rủi ro Mỹ giảm lãi suất trước lo ngại kinh tế suy thoái, việc nằm giữ tiền mặt bằng đô la không còn hấp dẫn với các nhà xuất khẩu châu Á. Những đồng tiền của châu Á như nhân dân tệ, đô la Đài Loan và ringgit được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá mạnh.
Chính sách thuế quan thất thường của Tổng thống Donald Trump khiến nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Tuần trước, các nhà quản lý quỹ phòng hộ bi quan về đồng đô la hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 9-2024.
Dù cuối tuần trước, Mỹ công bố dữ liệu việc làm mạnh mẽ trong tháng Tư, các chuyên gia ở Phố Wall vẫn tin rằng, sự yếu của đô la sẽ kéo dài. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, báo cáo việc làm này phản ánh dữ liệu của quá khứ chứ không phải tương lai.
Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley tiếp tục bi quan về đồng đô la khi đường cong lợi suất Mỹ dốc lên và nhà đầu tư tiếp tục phòng ngừa rủi ro với tài sản Mỹ. Đường cong lợi suất, phản ảnh mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn và dài hạn của Mỹ đang lớn dần, thường là dấu hiệu cho thấy, nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát tăng hoặc kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn. Điều này khiến đồng đô la kém hấp dẫn hơn.
Theo Bloomberg
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tien-te-chau-a-tang-gia-manh-khi-do-la-hut-hoi/