Tiền thuế giá trị gia tăng nộp thừa do nộp nhầm xử lý thế nào?
Tại Công văn số 3867/TCT-KK ngày 16/9/2020, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn cụ thể về xử lý số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) nộp thừa do nộp nhầm.
Theo Tổng cục Thuế, ngày 10/8/2020, Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1380/CT-KK ngày 05/8/2020 của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp về việc hoàn thuế GTGT nộp thừa do nộp nhầm của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Về việc này, Tổng cục Thuế hướng dẫn, Khoản 1, Khoản 2 Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Theo đó, tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế.
Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân trừ trường hợp nêu trên cũng được coi là nộp thừa.
Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:
Một là, bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế.
Ha là, bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trừ trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn thứ ba bên dưới.
Ba là, người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế sau khi thực hiện bù trừ theo các hướng dẫn nêu trên mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế...
Tổng cục Thuế hướng dẫn, căn cứ các quy định nêu trên, người nộp thuế chỉ được giải quyết hoàn số tiền thuế nộp thừa trong trường hợp quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa người nộp thuế không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo.
Vì vậy, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và tình hình quản lý thực tế để xử lý số tiền thuế GTGT đã nộp của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp theo đúng quy định pháp luật.