Tiến tới xây dựng các quy định pháp lý triển khai Basel III
Chia sẻ tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ 'Nghiên cứu triển khai Basel III tại các ngân hàng thương mại Việt Nam' do Viện Chiến lược ngân hàng tổ chức sáng 10/10, PGS.TS Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trước tác động tiêu cực có tính hệ thống, mất an toàn vi mô, vĩ mô do khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã ban hành chuẩn mực Basel III vào năm 2010 và Basel III cải tiến 7 năm sau đó.
Điều này nhằm mục đích khắc phục lỗ hổng, hạn chế của Basel II và thúc đẩy một ngành Ngân hàng có khả năng phục hồi tốt hơn, ổn định tài chính bền vững hơn cả về vi mô và vĩ mô. Về chủ trương thực hiện Basel III tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; trong đó có nội dung “Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp để khuyến khích các ngân hàng thực hiện Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng đến triển khai Basel III khi TCTD có đủ điều kiện về tài chính, nhân lực”. Hiện nhiều NHTM tại Việt Nam cũng đang tích cực triển khai Basel III.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Khương, Chuyên viên chính Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, về cơ sở pháp lý, nhóm nghiên cứu chỉ ra, về cơ bản Việt Nam đã có đủ các quy định hướng dẫn cho các ngân hàng thực hiện Basel II. Đây chính là các nền tảng quan trọng, làm tiền đề cho các ngân hàng tiến tới xây dựng các quy định pháp lý triển khai áp dụng Basel III trong tương lai. Các quy định liên quan đến Basel III cần thiết nghiên cứu xây dựng như quy định về tỷ lệ vốn, phương pháp tính vốn cho các loại rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác; khuôn khổ chứng khoán hóa; các quy định về tỷ lệ đòn bẩy, bộ đệm bảo toàn vốn CCoB, bộ đệm vốn nghịch chu kỳ, tỷ lệ đảm bảo thanh khoản LCR, tỷ lệ tài trợ ròng ổn định NSFR và các quy định khác phù hợp với Basel III.
Về thực tiễn triển khai Basel III tại Việt Nam, mặc dù mới có định hướng cho tương lai, tuy nhiên cho đến nay đã có một số ngân hàng tại Việt Nam tự công bố thực hiện đầy đủ hoặc một phần quy định của Basel III như TPBank, ABBank, Nam A Bank… Điều đó cho thấy rằng việc triển khai Basel III là vì mục tiêu an toàn vi mô, vĩ mô của chính bản thân ngân hàng và họ có thể tự quyết định việc thực hiện trước lộ trình yêu cầu của cơ quan quản lý.
Theo nhóm nghiên cứu, điều kiện triển khai Basel III tại ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay phụ thuộc chính vào nội tại, mục tiêu, năng lực tài chính và các nguồn lực của chính bản thân các ngân hàng. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng có nhiều cách tiếp cận triển khai thực hiện Basel III tại các nước. Đầu tiên đó là cách tiếp cận phân loại theo đối tượng quản lý, trong đó các ngân hàng được chia thành các nhóm dựa trên những tiêu chí nhất định như quy mô, mô hình kinh doanh… và với mỗi nhóm ngân hàng sẽ có một cơ chế quy định riêng. Tiếp theo là cách tiếp cận theo hướng đơn giản hóa với từng tiêu chuẩn. Cụ thể, trong đó một số tiêu chuẩn sẽ có các điều kiện miễn trừ mà các ngân hàng thỏa mãn điều kiện đó sẽ không phải tuân thủ tiêu chuẩn này hoặc tuân thủ theo một quy định thay thế theo hướng đơn giản hóa. Cuối cùng là cách tiếp cận cho toàn hệ thống, trong đó việc triển khai một phần khuôn khổ Basel III được áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống mà không tính đến sự khác biệt về quy mô, mô hình kinh doanh của các ngân hàng riêng lẻ. Các ngân hàng cần phân tích, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với đặc điểm, năng lực của mình.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện tốt việc triển khai Basel II theo định hướng của NHNN. Đây chính là kết quả rất tích cực ghi nhận công sức, vai trò của NHNN đối với sự an toàn, lành mạnh của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong việc triển khai Basel II.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, để quá trình thực hiện Basel III diễn ra hiệu quả, nhóm nghiên cứu khuyến nghị trong giai đoạn tới đây, NHNN có thể tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Basel III trong giai đoạn phù hợp. Trong đó nên xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể tham gia vào hệ thống quản lý rủi ro theo Basel III như cơ quan giám sát ngân hàng, tư vấn xếp hạng rủi ro, cơ quan ban hành quy định về chứng khoán, tăng vốn, công nghệ thông tin…
Thực tế, nội dung Hiệp ước Basel III rất rộng và phức tạp và có nhiều cách tiếp cận triển khai. Song dù sử dụng cách tiếp cận nào cũng nên hướng đến sự đồng bộ và toàn diện. Do vậy sẽ tốt hơn nếu có một khuôn khổ các quy định hướng dẫn các ngân hàng thực hiện. Để đạt được điều này cần có sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và các NHTM. Bên cạnh đó, việc thực hiện Basel III có thể liên quan đến bên thứ ba trong việc đánh giá xếp hạng tín dụng, quản trị công nghệ. Theo đó, cơ quan quản lý xem xét định hướng phát triển mạng lưới các công ty tư vấn kiểm toán, xếp hạng tín dụng, xếp hạng ngân hàng độc lập ở mức độ phù hợp.
Vấn đề nữa theo nhóm nghiên cứu, chuẩn mực kế toán IFRS 9 tương thích với các quy định của Basel III nên có sự thống nhất, đồng bộ giữa Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành có liên quan. Việc triển khai thực hiện Basel III cần lượng vốn lớn, do vậy Bộ Tài chính xem xét có định hướng chính sách hỗ trợ các NHTM thực hiện.