Tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển gặp trắc trở
Ngày 5/2, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã không có mặt, khiến cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để phê duyệt đơn gia nhập NATO của Thụy Điển không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.
Theo hãng tin Aljazeera, Quốc hội Hungary hôm 5/2 bất ngờ hoãn phiên bỏ phiếu về việc xem xét yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển hồi tháng 1, hiện chỉ còn Hungary là thành viên duy nhất của NATO chưa phê chuẩn kết nạp Thụy Điển. Quyết định mới nhất của Quốc hội Hungary đã khiến cánh cửa gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu của Stockholm tạm thời bị đóng lại.
Theo kế hoạch, 6 đảng đối lập tại Hungary sẽ triệu tập phiên họp quốc hội khẩn cấp hôm 5/2 để tiến hành bỏ phiếu về việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đã không có mặt khiến cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra.
Hành động của các nghị sĩ đảng cầm quyền Fidesz đã khiến dư luận trong và ngoài nước khá bất ngờ. Trước đó, người đứng đầu đảng Fidesz - Thủ tướng Orban đã nhiều lần cam kết với NATO rằng ông sẽ thúc đẩy đảng của mình phê chuẩn đơn xin của Thụy Điển “ngay khi có cơ hội đầu tiên”.
Các nghị sĩ đối lập tại Hungary ngay lập tức chỉ trích hành động của các nghị sĩ đảng cầm quyền. Phát biểu với hãng tin AFP hôm 5/2, nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ đối lập Agnes Vadai nói rằng động thái của đảng cầm quyền là vấn đề của cá nhân Thủ tướng Orban. Bà cũng chỉ trích hành động của ông Orban sẽ phá vỡ sự đoàn kết của NATO.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết, Washington đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này và mong muốn Budapest hành động một cách nhanh chóng.
“Việc Thụy Điển gia nhập NATO có ý nghĩa quan trọng đối với khối nói chung và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ nói riêng” - Đại sứ Pressman lưu ý thêm.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ben Cardin - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, cảnh báo Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hungary do trì hoãn kế hoạch thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Các thành viên khác của NATO hiện chưa có bình luận gì về quyết định của Hungary.
Theo kế hoạch, phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội Hungary dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/2. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng hiện chưa chắc chắn về khả năng đảng của Thủ tướng Orban sẽ nhanh chóng thông qua nỗ lực sớm gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới của Thụy Điển.
Giới chức Hungary cho biết, các nhà lập pháp đảng Fidesz sẽ không ủng hộ việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu liên quan đến việc gia nhập NATO của Stockholm cho đến khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chấp nhận lời mời của Thủ tướng Orban đến thăm Budapest.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 5/2, các thành viên đảng cầm quyền Fidesz nêu rõ: “Việc phê chuẩn kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển có thể được quyết định tại một phiên họp thường kỳ của Quốc hội Hungrary, nhưng chúng tôi đang mong đợi Thủ tướng Thụy Điển sẽ đến thăm Hungary trước tiên”.
Về phần mình, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson mới đây đã khước từ lời mời của Thủ tướng Orban, và nói rằng ông sẵn sàng tới thăm Hungary, song chỉ sau khi Budapest chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này có nghĩa là việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ cần chờ thêm một thời gian nữa và cả những nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía.
Thụy Điển và Phần Lan theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong hàng chục năm, ngay cả khi Chiến tranh Lạnh diễn ra. Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các tính toán địa chính trị đã bị đảo lộn, kéo theo việc Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022.
Sau đó, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4/2023 trong khi Thụy Điển vẫn phải chờ đợi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tien-trinh-gia-nhap-nato-cua-thuy-dien-gap-trac-tro.html