Tiền trong kho càng lâu thì nền kinh tế càng thiệt hại
Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết 'số tiền không giải ngân được nằm ở kho bạc là hơn 1 triệu tỉ đồng', và như để minh họa thêm về thiệt hại cho nền kinh tế khi không giải ngân được tiền đầu tư, ông nói tiếp: 'Trong khi vay vốn ODA 6%'.
(KTSG) – Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “số tiền không giải ngân được nằm ở kho bạc là hơn 1 triệu tỉ đồng”, và như để minh họa thêm về thiệt hại cho nền kinh tế khi không giải ngân được tiền đầu tư, ông nói tiếp: “Trong khi vay vốn ODA 6%”.
Thật vậy, nếu tính theo con số lãi suất vay 6%, số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng bị kẹt lại trong kho bạc chẳng những không mang lại giá trị gì cho nền kinh tế mà còn khiến ngân sách mỗi tháng tốn thêm hơn 5.000 tỉ đồng tiền lãi. Đó là chưa kể những thiệt hại rất lớn khác, vì tiền nằm trong kho thì nền kinh tế sẽ không có thêm hơn 1 triệu tỉ đồng sức mua và xã hội cũng không có thêm việc làm mà số tiền đầu tư đó mang lại.
Điều đáng nói là tình trạng lượng lớn vốn ngân sách nằm chết trong kho bạc không phải chuyện mới, mà đã diễn ra từ nhiều năm nay và cũng đã được Quốc hội không ít lần đem ra mổ xẻ, nhưng vẫn không mấy được cải thiện. Đây hầu hết đều là vốn dành cho đầu tư công. Vì vậy, để giải quyết được vấn nạn này của nền kinh tế, cần phải có giải pháp đột phá để khơi thông mọi ách tắc trong hoạt động đầu tư công.
Đầu tư công bị ách tắc thường xuất phát từ hai nguyên nhân: mắc kẹt trong khâu giải phóng mặt bằng và bị đình trệ do chi phí thực tế bị đội lên so với dự toán đầu tư được duyệt. Đây là hệ quả trực tiếp do công tác chuẩn bị đầu tư kém chất lượng, xa rời thực tế; thủ tục phê duyệt đầu tư phức tạp và mất nhiều thời gian, khiến cho đơn giá đền bù để giải phóng mặt bằng không được người dân chấp nhận và nhiều chi phí phát sinh ngay trong quá trình triển khai thực hiện.
Thật ra, với một dự án đầu tư, việc phát sinh thêm chi phí là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ cách thức cũng như tốc độ phản ứng của chủ đầu tư để giải quyết phát sinh này như thế nào. Nếu chủ đầu tư là tư nhân, họ có thể quyết định hủy bỏ đầu tư hoặc lập tức bổ sung kinh phí để tiếp tục, vì càng để kéo dài thì sẽ càng tốn kém hơn, nhất là chi phí liên quan đến đất đai, và thời gian cũng là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của dự án.
Nhưng với Nhà nước thì không đơn giản như vậy. Mỗi dự án đầu tư, để đến được giai đoạn triển khai thực hiện, đều phải trải qua nhiều cấp thẩm tra và phê duyệt với nhiều chữ ký và con dấu của các cơ quan khác nhau, nên để thay đổi, nhất là liên quan đến tổng mức đầu tư, có khi phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để làm lại quy trình này.
Chẳng hạn như với qua TPHCM, không khó để nhận ra việc bù thêm 120 tỉ đồng nhập cát từ Campuchia để “cứu tiến độ” cho dự án trị giá 75.378 tỉ đồng này là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm hơn so với phải chờ vô thời hạn nguồn cát có giá phù hợp với dự toán được duyệt, nhưng hiện tại vẫn cứ phải chờ xin ý kiến. Vấn đề đặt ra là, trong thực tế, việc điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư đến cuối cũng vẫn phải làm.
Để có thể giải quyết ngay những phát sinh này, thay vì phải chờ đến nhiều tháng hoặc nhiều năm sau, Nhà nước nên có cơ chế, chẳng hạn như thành lập một cơ quan liên ngành có đủ thẩm quyền giải quyết hầu hết mọi vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư rồi sau đó báo cáo lại cho Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh.
Đầu tư xây dựng là hoạt động dễ phát sinh vấn đề ngoài dự liệu, nên chỉ áp dụng cơ chế quản lý linh hoạt thì mới mong giải tỏa ách tắc nhanh chóng để tiền đầu tư không còn bị mắc kẹt trong kho nữa.