Tiền trực, mổ của bác sĩ bệnh viện công có thể được tăng gần gấp 3 lần
Theo đề xuất mới, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... trực 24 giờ khu vực cấp cứu sẽ được hưởng mức phụ cấp 487.500 đồng, tăng 315.000 đồng so với hiện nay; phẫu thuật viên chính ca mổ loại đặc biệt được tăng phụ cấp gần gấp 3 lần mức hiện tại.
Bộ Y tế cho biết đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.
Trong đó, chế độ phụ cấp đặc thù gồm phụ cấp trực; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và phụ cấp chống dịch.
Hiện các mức phụ cấp này được áp dụng theo Quyết định số 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm áp dụng theo Quyết định số 73, mức lương cơ sở là 830.000 đồng; sau 13 năm, từ 1/7/2024, lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng (tăng 182%). Mức phụ cấp theo Quyết định 73 được Bộ Y tế đánh giá là "quá thấp và không còn phù hợp" với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
Phụ cấp phẫu thuật được đề xuất tăng theo bảng sau. Mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại.

Như vậy theo đề xuất mới, mức tăng cao nhất cho người phẫu thuật chính, người gây mê hoặc châm tê chính là 510.000 đồng (hơn 2,8 lần mức hiện nay).
Theo quy định trong Thông tư 50/2014 của Bộ Y tế, phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt gồm các phẫu thuật, thủ thuật rất phức tạp về bệnh lý, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đòi hỏi người hành nghề khám chữa bệnh có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phần lớn được thực hiện ở các cơ sở tuyến trung ương; Yêu cầu phải có phương tiện, dụng cụ, thiết bị vật tư y tế chuyên dụng; Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định và thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 3 đến 4 giờ hoặc lâu hơn.

Thầy thuốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chuẩn bị thuốc để tiêm cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm Hải
Với phụ cấp trực, dự thảo Nghị định mới bổ sung đối tượng áp dụng là viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc tại các tại các cơ sở cấp cứu ngoại viện, các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế và Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người.
Người lao động trực 24/24 giờ được đề xuất hưởng mức phụ cấp như sau:

Nếu trực tại khoa, khu vực đặc biệt thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên. Gồm: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh, hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, đột quỵ, ghép tạng, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, phòng đẻ tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; các cơ sở cấp cứu ngoại viện; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện, viện và trung tâm pháp y tâm thần.
Điều này có nghĩa là, người lao động bệnh viện hạng đặc biệt như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế, Trung ương Quân đội 108 hay các bệnh viện hạng I, II, III nếu trực 24/24h ở khoa, khu vực đặc biệt nêu trên sẽ được mức phụ cấp là 487.500 đồng (tăng 315.000 đồng, tức tăng gần gấp 3 lần so với hiện nay).
Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 6/2025. Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, việc xây dựng Nghị định theo hướng điều chỉnh nâng mức phụ cấp đặc thù nhằm phù hợp với thực tế, đảm bảo đời sống tối thiểu, tiền công cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan từng cho rằng phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác. Theo quy định mới nhất, để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải dành tới 6 năm học đại học y khoa và mất ít nhất 12 tháng thực hành.