Tiến về Hà Nội...Bài 2: Vai trò của lực lượng vũ trang Thủ đô trong tiếp quản Hà Nội

Từ đầu tháng 8-1954, quân Pháp lần lượt rút khỏi nhiều thị xã, thị trấn ở miền Bắc, ta lần lượt đưa lực lượng vào tiếp quản, ổn định tình hình. Để học hỏi kinh nghiệm tiếp quản các thị xã, Ban chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội đã cử các đoàn cán bộ về TP Nam Định để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác tiếp quản, xây dựng chính quyền cơ sở và lực lượng dân quân, tự vệ.

Ban cán sự nội thành do đồng chí Trần Sâm làm Bí thư đã chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ (LLTV) để bảo vệ các nhà máy, cơ sở sản xuất, đường phố... Đây là lực lượng quan trọng “bọc lót” sẵn trong nội đô để chuẩn bị cho công tác tiếp quản.

LLTV tích cực bảo vệ cơ sở, chống địch tháo dỡ máy móc. Do công tác tuyên truyền, tổ chức chặt chẽ, chu đáo nên nhiều công nhân các nhà máy, xí nghiệp, công sở sẵn sàng tham gia vào đội tự vệ. Chỉ hơn một tháng, trong nội thành đã tổ chức được 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên trong 5 nhà máy, xí nghiệp, 3 công sở, 2 nhà ga, bến cảng, 2 bệnh viện và 8 khu xóm lao động cửa ô. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công sở, đội tự vệ và công nhân đã đấu tranh có hiệu quả với địch để chống tháo dỡ máy móc, trang bị, giữ gìn và bảo vệ tài liệu.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10-10-1954. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10-10-1954. Ảnh: TTXVN

Ở các huyện ngoại thành, LLTV được tổ chức ở hơn 110 trong tổng số 136 thôn, với gần 2.000 đội viên. Nhà máy đèn Bờ Hồ đã phát triển được 52 đội viên, biên chế thành một trung đội, gồm 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội có ban chỉ huy và tổ chức theo từng bộ phận: Đồng hồ, đường dây, văn phòng, kho, kỹ thuật, cơ khí. Tự vệ Nhà máy đèn Bờ Hồ đã huy động 200 công nhân đấu tranh không cho địch tháo dỡ máy phát điện.

Trước sự đấu tranh kiên quyết của đội tự vệ và công nhân nhà máy, đến ngày 26-9-1954, 4 máy biến thế điện được chúng tháo dỡ trước đó phải đem trả lại về vị trí cũ và điều các ô tô chở than về nhà máy hoạt động. Cuối tháng 9-1954, Nhà máy điện Yên Phụ cũng tổ chức một trung đội tự vệ gồm 36 đội viên đấu tranh đòi chủ nhà máy không được tháo dỡ máy móc mang đi, giữ nguyên hiện trạng.

Được đội tự vệ bảo vệ, công nhân đã vạch rõ âm mưu phá hoại của địch và bảo vệ an toàn cơ sở, máy móc, duy trì hoạt động bình thường của nhà máy. Tự vệ, công nhân Bưu điện Hà Nội đã cất giấu nhiều máy móc, linh kiện quan trọng không cho địch phá hoại hệ thống thông tin của thành phố. Ở nhà ga, tự vệ đã vận động một số phu khuân vác không thực hiện kế hoạch của địch đưa một số vật liệu, phụ tùng lên xe để chở xuống Hải Phòng. Tự vệ cũng vận động công nhân nhà ga bí mật tháo nước, tắt lửa, tháo phanh và rút chốt chì ở tất cả đầu tàu, buộc địch phải bỏ lại. Ở nhà máy nước, càng gần đến ngày tiếp quản, địch chuyển sang âm mưu phá hoại máy móc.

Ngày 9-10-1954, ngày cuối cùng quân Pháp rút khỏi Hà Nội, chúng đã đặt mìn định phá bốt Hàng Đậu, tự vệ khu phố kịp thời phát hiện, nhanh chóng tháo gỡ mìn, chặn đứng âm mưu phá hoại của quân Pháp. Các cửa ô, xóm lao động, việc xây dựng tự vệ cũng được xúc tiến khẩn trương. Ô Cầu Dền tổ chức được một trung đội tự vệ với 47 đội viên... ở các quận, huyện: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Văn Điển..., các đội tự vệ cũng phát triển nhanh chóng để đáp ứng với nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, ở một số nơi do thiếu cán bộ chỉ đạo, tổ chức cơ sở quần chúng và LLTV chưa được củng cố nên địch đã thực hiện được âm mưu phá hoại, điển hình là Đài phát thanh Việt tấn xã mất hết máy móc, linh kiện, hồ sơ; Nhà máy in quốc gia bị địch lấy đi gần như toàn bộ máy móc và nguyên vật liệu.

LLTV làm nòng cốt cho nông dân, công nhân đấu tranh bảo vệ tài sản, chống địch dụ dỗ, cưỡng ép, vận động binh lính địch bỏ ngũ, rã ngũ. Việc phát triển LLTV lớn mạnh không chỉ làm cho nhân dân trong thành phố tin tưởng mà còn góp phần đưa phong trào của quần chúng tiến lên mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiến công nội thành, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban cán sự ngoại thành do đồng chí Nguyễn Công Nhân, Ủy viên Ban cán sự ngoại thành, phụ trách quân sự 5 quận, huyện: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và Văn Điển.

Đầu tháng 8-1954, Bộ tư lệnh Liên khu 3 và Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho 5 quận ngoại thành hơn 100 cán bộ Quân đội để làm nòng cốt phát triển các đội tự vệ. Số cán bộ này đã nhanh chóng xuống địa phương phát động nhân dân xây dựng tự vệ làm nòng cốt để bảo vệ mùa màng, thôn xóm, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình. Một số nơi như Mễ Trì, Nhật Tân, Quảng An..., tự vệ đã huy động đông đảo nhân dân giải vây thanh niên bị địch vây bắt.

Cuối tháng 9-1954, địch phải bỏ nhiều đồn, bốt như

Đồng Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn... tự vệ đã thu được nhiều vũ khí, đạn dược của địch. Hoạt động của đội tự vệ thành phố diễn ra sôi nổi, rộng khắp, làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh bảo vệ cơ sở. Trong hơn hai tháng đấu tranh quyết liệt với địch, các tổ chức cơ sở đã lãnh đạo tự vệ, công nhân, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân cả nội thành và ngoại thành làm thất bại nhiều âm mưu của địch.

Điển hình như tự vệ công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ đã buộc địch phải bảo đảm 4.000 tấn than dự trữ cho đến ngày tiếp quản. Nhà máy nước giữ được máy móc, thiết bị bảo đảm cung cấp nước bình thường cho thành phố.

Cùng với đấu tranh chống địch phá hoại máy móc, công xưởng, tự vệ thành phố phối hợp vận động nhân dân đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam và vận động binh lính địch bỏ ngũ, rã ngũ. Tiêu biểu như ở phường Kim Liên, tự vệ đã cùng với nhân dân vận động được nhiều lính Bảo chính đoàn bỏ ngũ về quê sinh sống, thu hồi 2 khẩu súng ngắn, 2 khẩu tiểu liên và 36 quả lựu đạn. Tính đến ngày 10-10-1954, trên địa bàn TP Hà Nội, ta đã tiếp nhận hơn một vạn sĩ quan, binh lính địch ra hàng, trên 12.000 sĩ quan, binh lính địch bỏ ngũ, thu 351 súng các loại, 35 tấn đạn, 12 tấn dụng cụ máy móc, 8 tấn thuốc nổ, 58 xe các loại, 4 tàu thủy loại nhỏ, một tàu cán cuốc, 8 sà lan, 8 máy vô tuyến, 20 điện thoại...

LLTV thành phố làm lực lượng lót sẵn, giúp đỡ các lực lượng tiếp quản nhanh chóng. Càng gần đến ngày tiếp quản, mọi công việc diễn ra càng khẩn trương, nhất là việc tổ chức lực lượng tiếp quản. Cuối tháng 9-1954, ta thành lập Tiểu ban Trật tự quân sự và Tiểu ban Tiếp quản hành chính. Từ ngày 2 đến 4-10, một đội hành chính của ta gồm 422 cán bộ, nhân viên lần lượt vào thành phố làm công tác chuẩn bị tiếp quản. Ngày 5-10-1954, đội trật tự của ta gồm 158 cán bộ, chiến sĩ vào Hà Nội làm công tác chuẩn bị để nhận bàn giao các cơ quan, công sở, các đồn cảnh sát của Pháp và ngụy quyền. Được sự giúp đỡ của các đội tự vệ và nhân dân thành phố, ngày 7-10-1954, hầu hết các nơi trong thành phố, quân Pháp buộc phải hoàn tất việc chuẩn bị biên bản bàn giao và các phụ lục kèm theo theo đúng thỏa thuận.

Đến 8 giờ ngày 6-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi quận lỵ Văn Điển, quân ta tiếp quản và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội, sau đó là thị xã Hà Đông, Sơn Tây. Ngày 7-10, trên các hướng, chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam tiến dần vào thành phố. Đến sáng 10-10, lực lượng của ta đã vào tiếp quản hoàn toàn thành phố.

Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp là Ban chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị mọi mặt cho việc tiếp quản, trong đó LLVT được chuẩn bị hết sức chặt chẽ, chu đáo. Tự vệ các nhà máy, công sở và các địa phương trong nội thành đã trở thành lực lượng nòng cốt đấu tranh ngăn chặn địch phá hoại, tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu; tuyên truyền vận động công nhân, nông dân đấu tranh chống địch cưỡng ép, di cư vào Nam; đồng thời vận động binh lính địch buông súng, bỏ ngũ... Việc phát triển LLTV thành phố là một sáng tạo trong đấu tranh với địch, ta vừa chấp hành ngừng bắn để quân Pháp rút khỏi Hà Nội, nhưng ta lại có LLVT quần chúng đấu tranh với địch để bảo vệ thành phố, bảo vệ nhân dân. LLVT không thoát ly sản xuất đã phát huy vai trò to lớn trong những ngày đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của quân Pháp để lực lượng của ta tiếp quản Thủ đô một cách toàn vẹn.

Đại tá, TS VŨ BÌNH TUYỂN, Phó trưởng phòng Lịch sử Quân sự thế giới, Viện Lịch sử Quân sự

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/tien-ve-ha-noi-bai-2-vai-tro-cua-luc-luong-vu-trang-thu-do-trong-tiep-quan-ha-noi-797016