Tiền xử phạt không phải để bồi dưỡng CSGT mà để mua sắm phương tiện phục vụ công tác

Tiền xử phạt được trích lại không phải để bồi dưỡng cho CSGT mà sử dụng để đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm giao thông. Tới đây, hiện đại hóa tuần tra kiểm soát, việc giám sát và điều hành giao thông sẽ thông qua thiết bị kỹ thuật.

Sáng 11/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận, đó là quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm TTATGT.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo về nội dung này, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị khóa XIII và nhu cầu trích lại kinh phí từ nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT đường bộ để Bộ Công an triển khai thực hiện các dự án để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thực hiện các dự án tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại. Nhất là các dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, xây dựng các trung tâm dữ liệu, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát CSGT nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

Hằng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT. Tỉ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp, do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư. Còn trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe đã quy định Bộ Công an được trích lại 30% số tiền thu, do đó cần được quy định khung trong dự luật này để bảo đảm tính thống nhất về cơ sở pháp lý.

“Tham khảo quy định của Luật Thanh tra và nghị quyết của UBTVQH quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho giữ lại nội dung này tại dự thảo luật và có chỉnh sửa theo ý kiến đại biểu Quốc hội” – Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình, nhưng đề nghị việc giải trình cần thể hiện thuyết phục, công bằng, khách quan trong vấn đề này, tránh gây tâm tư cho các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính trong chính lực lượng giao thông và các lĩnh vực khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình chủ trương trích lại và đề nghị tăng cường hệ thống camera xử phạt nguội, hạn chế dư luận xã hội việc lực lượng cảnh sát làm việc trực tiếp với người vi phạm .

Phát biểu về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, kinh tế - xã hội, phương tiện giao thông không ngừng phát triển. Theo quy hoạch thì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chúng ta sẽ có 41 tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 10.000km và có khoảng 30 nghìn km quốc lộ mới và nhiều tuyến tỉnh lộ và các tuyến đường khác được nâng cấp, mở rộng, xây mới.

“Trong khi đó, lực lượng CAND nói chung và CSGT nói riêng không được tăng biên chế. Như vậy, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT, an toàn giao thông rất lớn. Vì vậy, chúng tôi xác định cần khẩn trương hiện đại lực lượng lực lượng CSGT nhằm theo kịp xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu công tác” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu và khẳng định “Tiền xử phạt được trích lại không phải để bồi dưỡng cho CSGT mà sử dụng để đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm giao thông. Tới đây, khi hiện đại hóa tuần tra kiểm soát, việc giám sát, điều hành giao thông sẽ thông qua thiết bị kỹ thuật”.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề không mới, Bộ Công an thời gian qua đã trích để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CSGT và số tiền này được sử dụng hiệu quả trong đảm bảo TTATGT.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tien-xu-phat-khong-phai-de-boi-duong-csgt-ma-de-mua-sam-phuong-tien-phuc-vu-cong-tac--i733985/