Không dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường theo Thông tư 29: Thầy cô nói gì?

'Việc siết chặt quy định dạy thêm phần nào sẽ giảm bớt tình trạng chèn ép, trù dập, bắt học sinh đi học thêm của một số cá nhân và nhà trường', một giáo viên chia sẻ.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Sau khi quy định này được ban hành, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống từ góc độ một người làm giáo dục, cô N.T.H – một giáo viên dạy cấp THCS tại TP. Hà Nội cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là câu chuyện không xa lạ trên các diễn đàn, luôn là vấn đề "nóng".

"Việc siết chặt quy định dạy thêm thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục trong việc giảm thiểu thời gian học ngoài giờ cho học sinh, hạn chế tối đa việc các nhà trường, giáo viên lợi dụng điều này để bắt ép, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Tôi tin là quy định này phần nào sẽ giảm bớt tình trạng chèn ép, trù dập, bắt học sinh đi học thêm của một số cá nhân và nhà trường.

Song, từ góc độ một người làm giáo dục, tôi nhận thấy quy định này cũng gây nhiều khó khăn cho cả công tác dạy và học ngoài giờ. Thực tế thì nhu cầu học thêm để bổ sung kiến thức, rèn luyện kĩ năng cho học sinh phần lớn lại đến từ chính nhu cầu của học sinh và cha mẹ các con.

Một tiết học chính khóa của học sinh THCS tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Một tiết học chính khóa của học sinh THCS tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Quy luật có cung thì sẽ có cầu, khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu thì giáo viên cũng khó lòng từ chối, không kèm cặp học sinh còn yếu về kiến thức, kĩ năng hoặc có nhu cầu củng cố, ôn tập phục vụ thi cử. Mặt khác, có nhiều giáo viên dạy thêm học sinh không thuộc đối tượng đang giảng dạy trên lớp. Do đó, rất nhiều thầy cô dạy thêm rất vô tư, trên tinh thần tự nguyện của người học và người dạy".

Theo cô H., về quy định tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũng có những bất cập do dạy thêm không phải là công việc lâu dài, có tính ổn định từ năm này qua năm khác. Sĩ số lớp học biến động, học phí các khối lớp cũng khác nhau... Do đó, nếu đưa ra quy định này, các cơ quan chức năng cần có những điều khoản quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết để các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng.

PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm tích cực và thể hiện tư duy quản trị tiến bộ không còn tư duy "không quản được thì cấm". Nó phù hợp với bối cảnh xây dựng nền giáo dục mở, năng lực học tập suốt đời của cộng đồng. Thông tư tạo hành lang pháp lí để cấm những hiện tượng tiêu cực của việc dạy thêm chứ không triệt tiêu những nhu cầu chính đáng, khát vọng học tập có thực của từng cá nhân người học.

Việc tăng cường trách nhiệm quản lí của người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) cũng phù hợp trong bối cảnh hiện tại vì chỉ những người quản lí ở cấp cơ sở mới hiểu sâu sắc tình hình và phản ứng nhanh để xóa sổ những tiêu cực liên quan đến dạy thêm học thêm. Theo ông Nam, bên cạnh cơ chế giám sát hành chính nhà nước, cần kết hợp cả cơ chế giám sát cộng đồng để đảm bảo tính liêm chính trong việc quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục đánh giá cao quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh chính giáo viên đó dạy trên lớp. Ý nghĩa của việc này là thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay tại lớp học, mà không cần thiết phải dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên cần cơ chế quản lí việc dạy thêm và học thêm một cách hiệu quả minh bạch. "Cần tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong việc quản lí học thêm, dạy thêm. Mục đích là để không dẫn đến sự quá tải trong năng lực tiếp nhận của người học. Việc học thêm cha mẹ có thể tự nguyện nhưng nếu quá tải so với lực học của học sinh thì cũng không thể tốt được".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-day-them-hoc-sinh-cua-minh-ngoai-nha-truong-theo-thong-tu-29-thay-co-noi-gi-169250108184610481.htm