Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai trong trường học | Hà Nội tin mỗi chiều

Tiếng Anh đang là một môn học trong các cấp học hiện nay và tới đây tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Trong Kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, người nói sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp hàng ngày của đời sống. Nó cũng sẽ được sử dụng tương tự như tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp.

Hiện tại, một số trường công lập tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh đã bắt đầu thử nghiệm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy tiếng Anh không chỉ còn là một môn học ngoại ngữ đơn thuần mà đang ngày càng được tích hợp mạnh mẽ vào môi trường giáo dục.

Một số trường công lập tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh đã bắt đầu thử nghiệm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Ảnh: EMG.

Một số trường công lập tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh đã bắt đầu thử nghiệm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Ảnh: EMG.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là việc dù khó, nhưng sớm muộn vẫn phải thực hiện.

Cách đây gần chục năm, từng có một số đề xuất của các lãnh đạo cấp Bộ về vấn đề đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là thành viên của cộng đồng ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp chung trong khối cũng là tiếng Anh. Theo ông, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cũng cần một quá trình lâu dài và phải có kế hoạch thực hiện cụ thể, thực tế.

Kết luận số 91 của Bộ Chính trị là rất cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện điều này thay vì quy định dạy và học một số môn học bằng ngoại ngữ có thể sửa đổi thành dạy và học một số môn học bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần xác định việc dạy, học bằng tiếng Anh ở cấp học hoặc trình độ đào tạo nào trước, ngành hoặc khu vực nào trước.

Đồng tình với việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tiếng Anh được xem là ngoại ngữ chính thức trong giao dịch quốc tế.

Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học môn Khoa học bằng Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Ảnh: EMG.

Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học môn Khoa học bằng Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Ảnh: EMG.

Việt Nam đang trên đà hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam phải tiến đến đáp ứng yêu cầu của toàn cầu. Vì vậy, việc coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ là đòn bẩy và phương tiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khoa học và hội nhập của Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục, số tiết học tiếng Anh phải nhiều hơn hiện nay. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đặc biệt nhấn mạnh động cơ học của giới trẻ, bởi việc học ngoại ngữ phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản.

Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Liên hệ thực tế với đất nước Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra rằng đối với Singapore, tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển của đất nước. Sự thành công của Singapore ngày nay không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của những chính sách ngôn ngữ kiên trì và mạnh mẽ trong suốt mấy chục năm qua, từ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong nhà trường, dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ mầm non và tiểu học, đến việc yêu cầu mọi công chức Nhà nước phải có trình độ tiếng Anh thành thạo mới được bổ nhiệm vào chức vụ. Những quyết định táo bạo đó không ít lần vấp phải chống đối. Và tốc độ phát triển của Singapore đã chứng minh cho sự sáng suốt của vị thủ tướng đầu tiên của quốc gia này.

Việt Nam đang gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ trong quá trình quốc tế hóa nhiều lĩnh vực quan trọng, từ kinh tế, văn hóa đến giáo dục. Thế nhưng, mọi thứ cần có lộ trình rõ ràng chứ không thể nóng vội. Để chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng trước khi xúc tiến quá trình chuyển đổi quan trọng này, Việt Nam có thể mất thêm nhiều năm nữa. Từ thể chế, chính sách, nhân lực để có đủ cơ sở mở rộng con đường quốc tế hóa bằng việc sử dụng lưu loát tiếng Anh. Có ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới này trong tay, việc hội nhập, cạnh tranh của đội ngũ nhân lực Việt Nam với các quốc gia tiên tiến cũng không còn quá xa vời.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tieng-anh-se-la-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc-ha-noi-tin-moi-chieu-259316.htm