Tiếng cha cất mãi trong lòng

Trong chiến tranh, nhiều thế hệ đã hy sinh tuổi trẻ cho Tổ quốc. Hôm nay đây, đất nước đã hòa bình, non sông liền một dải, biên cương đã im tiếng súng nhưng biết bao người con của các liệt sĩ vẫn đau đáu nỗi nhớ cha mình, người mà họ chưa từng được gặp mặt, gọi tên.

Ở bên kia thế giới, hẳn cha đã yên lòng

“Cả cuộc đời cha đi bộ đội và mãi mãi không trở về. Tôi lớn khôn từ vòng tay của mẹ. Ký ức về cha, tôi chỉ được biết qua những bức thư cha viết và lời kể của người thân” - Trung tá Nguyễn Đình Hùng (SN 1980), công tác tại Ban CHQS huyện Tân Yên, quê ở tổ dân phố Cầu Thượng, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) tâm sự. Bố anh - ông Nguyễn Đình Sơn (SN 1957) hy sinh năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) khi anh mới gần 3 tuổi. Tròn 40 năm kể từ ngày cha hy sinh, anh vẫn không nguôi nỗi nhớ người cha liệt sĩ của mình.

 Anh Nguyễn Đình Hùng và mẹ xem lại những kỷ vật của cha.

Anh Nguyễn Đình Hùng và mẹ xem lại những kỷ vật của cha.

Lần thứ 40 thắp cho chồng nén hương ngày giỗ, bà Phạm Thị Ân - mẹ anh nén niềm xúc động kể rằng, ông và bà bằng tuổi nhau, ở cùng thôn, học cùng nhau từ thời phổ thông. 17 tuổi ông xung phong đi bộ đội, vào miền Nam đánh Mỹ. Lúc đó hai người đã ngầm “hẹn ước trăm năm”. Ông đi biền biệt nơi chiến trường, không một dòng tin tức. Không biết ông còn sống hay đã chết, bà ở quê nhà ngày ngày ngóng trông, chờ đợi, hy vọng. Rồi ông cũng may mắn lành lặn trở về trong niềm vui vô bờ bến của bà, của ông bà nội, ngoại, cùng dân làng. Hai ông bà cưới nhau năm 1979, chưa đầy ba tháng sau ngày cưới, vì nhiệm vụ với Tổ quốc, ông lại rời làng tiếp tục khoác ba lô lên biên giới phía Bắc, tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên nóng bỏng. Lúc bà sinh con trai Nguyễn Đình Hùng không có chồng bên cạnh. Tin tức từ ông chỉ qua những lá thư viết vội, ông dặn bà: “Em nhớ chăm sóc con cẩn thận, chiến tranh tàn khốc, chẳng biết thế nào. Em cứ nuôi con ăn học thành đạt, sau này anh về khắc có vinh quang!”.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989), đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, ở những khe đá, thung sâu. Trong số này có ông Nguyễn Đình Sơn. Bà nhận được tin chồng hy sinh năm 1984 giữa một trận pháo kích vào đúng căn hầm nơi có 7 đồng đội cùng trú ẩn, cả 7 người đã hy sinh. Năm 1991, hài cốt của ông được đưa từ nghĩa trang Vị Xuyên về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nhã Nam.

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, toàn tỉnh có 21 nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Máu đào của các anh đã nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thắm thêm đồng ruộng quê hương.

Sau này lớn lên, anh Hùng biết cha là lính đặc công, mang quân hàm Đại úy. "Mẹ thường kể bố tôi là người nhanh nhẹn, chăm chỉ, sống có trách nhiệm, tình nghĩa. Tôi trông thế này nhưng mẹ bảo không đẹp bằng bố, bố cao to, trắng trẻo hơn". Nhìn những kỷ vật của cha từ thời chiến tranh xếp gọn gàng trong ngăn tủ kính dưới ban thờ, hai hàng nước mắt anh cứ tuôn trào. Bên cạnh ngày giỗ chính, gia đình anh còn thắp hương giỗ liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn vào ngày 27/7 hằng năm. Bao giờ cũng vậy, hai mẹ con anh luôn cẩn thận lau dọn ban thờ, di ảnh của cha cho khỏi lớp bụi vương. Thỉnh thoảng lại mang thư cha viết ra đọc, sắp đặt những kỷ vật cho nguôi ngoai nỗi nhớ.

"Lên cấp 3, tôi muốn học nghề thầy thuốc nhưng mẹ lắc đầu, bà bảo lúc nào cũng muốn tôi theo nghiệp nhà binh đúng như ý nguyện của bố" - anh Hùng kể. Tốt nghiệp sĩ quan năm 2004, anh nhận công tác tại Bộ Tham mưu Quân đoàn 2, rồi chuyển về Bộ CHQS tỉnh. Tháng 7/2021, anh được điều chuyển về Ban CHQS huyện Tân Yên, hiện đảm nhận chức vụ Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện. "Cha mẹ tôi chỉ sinh được mỗi mình tôi. Cha hy sinh, mẹ ở vậy nuôi dạy tôi đến tận bây giờ theo đúng như “lời hứa đặc biệt” với cha. Hẳn là ở bên kia thế giới, cha tôi cũng yên lòng khi đứa con duy nhất của mình đã nối nghiệp quân ngũ; có một gia đình ấm êm. Tôi tin cha đã luôn dõi theo phù hộ cho mẹ con tôi và gia đình".

Thỏa nỗi lòng của người con liệt sĩ

Những ngày tháng Bảy nghĩa tình này, Trung tâm Điều dưỡng người có công (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) luôn có nhiều đoàn khách đến thăm. Trong số những cán bộ, nhân viên của Trung tâm có chị Lương Thị Lượng ở thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Yên Dũng). Là con duy nhất của liệt sĩ Lương Văn Ly, chị đã có hơn 20 năm công tác, gắn bó tại nơi này. Với chị đó không chỉ là công việc, nhiệm vụ mà còn là niềm vui, thể hiện sự tri ân với đồng đội của bố, những thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công an dưỡng ở đây.

 Chăm sóc thương binh - công việc hằng ngày của chị Lương Thị Lượng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

Chăm sóc thương binh - công việc hằng ngày của chị Lương Thị Lượng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

Chị cho biết: "Cha tôi sinh năm 1957, hy sinh năm 1978 tại mặt trận phía Nam. Nghe mẹ tôi kể lại, mẹ hơn bố 1 tuổi, bố đi bộ đội chống Mỹ năm 1974, sau đó trở về quê thành hôn với mẹ tôi. Năm 1976, khi đó tôi 2 tháng tuổi, chưa từng được gọi tiếng cha bao giờ thì bố lại tiếp tục lên đường chiến đấu, biền biệt cho đến tháng 4/1978, đồng đội báo tin bố đã anh dũng hy sinh tại biên giới giáp Campuchia. Tin như sét đánh, nỗi đau quá sức chịu đựng của mẹ, người phụ nữ mới 22 tuổi. Chiến tranh đã cướp đi của mẹ người chồng yêu quý nhất". Lên lớp 7, Lượng học tại Trường Con liệt sĩ Hoàng Đăng Miện (tỉnh Hà Bắc cũ). Sau đó, đúng như nguyện vọng của mình, chị theo học Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội. Mẹ chị ở nhà đi bước nữa.

Chị gắn bó với mẹ nhưng ký ức về bố qua lời mẹ không nhiều, chủ yếu qua những người đồng đội cùng đi chiến trường với bố thời đó, trong đó có bác Hoàng Tuấn Sang ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), chú Tịnh, chú Hùng ở huyện Yên Dũng. Đặc biệt, bác Sang là người đi bộ đội cùng ngày, ở cùng phòng, nằm cùng giường với bố chị. "Bác Sang là tiểu đội trưởng, bố tôi là tiểu đội phó. Những lúc rảnh rỗi, hai người hay tâm sự, chuyện trò. Bố tôi có khiếu văn nghệ, hát rất hay, lúc nào rảnh là kể chuyện hài vui lắm. Một lần, bố tôi nói với bác Sang: “Nếu em có mệnh hệ gì thì nhờ anh liên hệ giúp, ở nhà có vợ em tên Trọng, con gái em tên Lượng ở xã Tiền Phong”. Vài ngày sau, khi đi chiến đấu, bố tôi bị trúng đạn hy sinh, bác Sang bị thương đến 81%".

Vì bị thương nặng nên bác Sang chưa đi tìm lại được vợ con của đồng đội. Mãi cho đến một ngày đẹp trời năm 1989, bác mới biết thông tin cháu Lượng con gái của đồng đội đang học lớp 8 tại Trường Con liệt sĩ Hoàng Đăng Miện, bác đã xuống trường tìm gặp Lượng rồi nhận làm con gái nuôi. Từ đó Lượng có thêm một người bố. Vì bác Sang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh nên chị Lượng có nguyện vọng về đây công tác. "Chăm sóc, điều dưỡng cho bác Sang, tôi thấy như đang được kề cận cha ruột của mình. Ngoài ra, hằng ngày được chăm sóc các chú thương binh, thân nhân liệt sĩ, những đồng đội của bố đến điều dưỡng, tôi rất tự hào về công việc mình làm".

Trên khắp mọi miền đất nước, quê hương hôm nay còn có biết bao người con liệt sĩ như anh Hùng, chị Lượng - họ đã lớn lên nhờ vòng tay của mẹ, trưởng thành trong khắc khoải nỗi nhớ thương, trong niềm tự hào về những cống hiến hy sinh của cha mình cho dân tộc. Tháng Bảy tri ân, xin được thắp nén hương thơm thành kính tưởng niệm trước hương hồn các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc thiêng liêng.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tieng-cha-cat-mai-trong-long-111907.bbg