Tiếng kẻng giữ bình yên Tả Gia Khâu

Keng... keng... keng... Từ chiếc kẻng sơn màu đỏ thẫm treo bên hông nhà văn hóa thôn Tả Gia Khâu, tiếng kẻng dội vào những vách núi dựng đứng như thể cộng hưởng, lan rộng trong không trung. Tiếng kẻng như gọi bản làng nằm im lìm giữa núi rừng Tả Gia Khâu thức giấc.

Thực hiện kế hoạch cao điểm 70 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) đến từng thôn hỗ trợ người dân.

Để “tập hợp” người dân trong thôn, ngoài việc nhắn tin thông báo trên nhóm zalo thôn và thông báo trên loa, anh Sùng Seo Sừ, Trưởng thôn Tả Gia Khâu còn đến nhà văn hóa thôn, cầm chiếc búa nhỏ, dứt khoát gõ từng tiếng lên chiếc kẻng màu đỏ thẫm.

Sau 3 tiếng kẻng, anh Sừ dừng lại rồi mở cửa nhà văn hóa, kê lại bàn ghế, chuẩn bị cho cuộc họp thôn. Khi chúng tôi thắc mắc lý do chỉ gõ 3 tiếng kẻng, anh Sừ lý giải: Đó là dấu hiệu. Tùy theo tiếng kẻng mà người dân có thể biết thông báo nội dung gì!

Sau 3 tiếng kẻng, khoảng 5 - 10 phút sau, người dân từ khắp các ngả đường đến nhà văn hóa thôn. Sau khi bà con đến đông đủ, anh Sừ bắt đầu công việc của mình.

Nghe tiếng kẻng, anh Sủng Seo Mìn tạm dừng việc tẽ ngô sau thu hoạch, kéo gọn chiếc máy tẽ ngô vào một góc nhà rồi lấy xe chạy sang nhà văn hóa thôn. Anh Mìn cho biết: Nhà ở góc khuất sóng điện thoại, nhiều khi phải ra ngoài đường lớn mới có mạng để xem tin nhắn trên nhóm zalo nên nếu thôn chỉ thông báo trên điện thoại, đôi lúc sẽ bị bỏ lỡ. Từ ngày thôn dùng kẻng để thông báo, cứ nghe số tiếng kẻng là tôi biết cần đi họp hay đến giờ kiểm tra an ninh hoặc cần tập trung gấp để giải quyết những việc khẩn cấp. Cứ nghe tiếng kẻng là người dân đến, việc họp cũng vì thế hiệu quả hơn, không còn phải người này đợi người kia hoặc nhắc đi nhắc lại vì mỗi người đến vào một thời điểm như trước đây.

Là xã vùng biên giới xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Mường Khương, đời sống người dân Tả Gia Khâu còn nhiều khó khăn, an ninh, trật tự của địa phương này cũng có những vấn đề cần được quan tâm. Để giữ bình yên trên tuyến biên giới này, Công an xã Tả Gia Khâu đã ấp ủ nhiều mô hình, trong đó “Tiếng kẻng an ninh” đang để lại dấu ấn đặc biệt, phát huy được sức mạnh toàn dân trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Mô hình được triển khai từ năm 2021 và tiếng kẻng đã trở thành “đặc sản” riêng, quen thuộc với người dân Tả Gia Khâu.

Sau cuộc họp, để thỏa mãn cho sự tò mò của chúng tôi, Trưởng thôn Sùng Seo Sừ giải thích: Không phải lúc nào cũng được phép đánh kẻng, không phải ai cũng được gõ kẻng. Gõ chơi, báo động giả sẽ bị phạt theo hương ước của làng như phạt rượu, phạt thịt. Rất may là nhờ tuyên truyền tốt, ai cũng hiểu được vai trò riêng của tiếng kẻng nên tại địa bàn thôn chưa từng có ai gõ kẻng khi chưa được phép.

Mô hình tiếng kẻng an ninh đang được thực hiện tại 8/8 thôn của xã Tả Gia Khâu. Mỗi thôn thành lập 1 tổ tự quản với 5 thành viên, thực hiện với những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của mô hình. Tiếng kẻng trở thành một phần trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng biên giới xa xôi này. Nghe 3 tiếng kẻng, người dân trong thôn sẽ đến họp. Nghe 5 tiếng kẻng, nhà nào nhà nấy biết đã tới 9 giờ tối, hạn chế ra đường, không tập trung đông người vào đêm khuya thanh vắng, thực hiện các biện pháp phòng kẻ gian như kiểm tra tài sản, khóa cửa, cất xe và tổ tự quản sẽ bắt đầu đi tuần tra bảo vệ an ninh, trật tự. Khi có tiếng kẻng vang lên dồn dập, dù có việc gì cũng phải khẩn trương tập trung vì trên địa bàn xuất hiện tình huống khẩn cấp, phức tạp, cần cứu nạn, cứu hộ...

 Công an xã tuyên truyền phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến người dân trên địa bàn xã.

Công an xã tuyên truyền phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến người dân trên địa bàn xã.

3 năm triển khai, đã có gần 1.800 lần hiệu lệnh “Tiếng kẻng an ninh” vang lên giữa bản làng Tả Gia Khâu để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phòng, chống tội phạm, liên quan đến xuất - nhập cảnh trái phép, giải quyết mâu thuẫn trong thôn hoặc các hoạt động diễn tập phòng cháy, cứu hộ, cứu nạn, diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ trên địa bàn xã. Mô hình là điểm sáng thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Tả Gia Khâu ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Những năm qua, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” luôn được đánh giá hiệu quả, xếp loại là mô hình hoạt động tốt. Đã có nhiều cá nhân, tập thể được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo đảm an ninh, trật tự. Với những kết quả ấn tượng đó, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại xã Tả Gia Khâu đã được Cục V05 - Bộ Công an ghi nhận, đánh giá là một trong những mô hình tiêu biểu năm 2024 và thông báo kết quả kinh nghiệm trên toàn quốc.

 Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu (phải ảnh) giới thiệu mô hình "Tiếng kẻng an ninh".

Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu (phải ảnh) giới thiệu mô hình "Tiếng kẻng an ninh".

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình, Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu cho biết: Thành công của mô hình đến từ sự đồng thuận của người dân. Quy chế hoạt động được đưa vào quy ước, hương ước của làng, trở thành nền nếp, thành thói quen. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, hưởng ứng có thể coi là chìa khóa.

Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” là một sáng kiến kinh nghiệm được Công an xã Tả Gia Khâu thực hiện thành công. Mô hình cũng được xây dựng trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với đặc thù của địa phương để người dân chủ động, tích cực tham gia.

Ngày nay, khi mọi thứ đều có thể được thông báo qua điện thoại hoặc mạng xã hội thì tiếng kẻng - âm thanh tưởng như đã lùi xa vào dĩ vãng từ những năm kinh tế bao cấp - vẫn giữ được vị trí đặc biệt với người dân Tả Gia Khâu. Tiếng kẻng không chỉ là âm thanh mà còn là nền nếp, là biểu tượng của sự đoàn kết, chung tay giữ gìn bình yên của bản làng, của Tổ quốc. Thanh âm của kim loại ngân vang, dội vào vách đá là thanh âm giữ sự bình yên cho những bản làng, cho vùng cao biên giới Tả Gia Khâu.

Mai Dương - Huy Hoàng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tieng-keng-giu-binh-yen-ta-gia-khau-post390542.html