Tiếng kêu của đàn cò ốc

Cò ốc là hung thần của đám ốc bươu vàng. Cái tên cò gắn với tên ốc không còn gợi cho tôi ý nghĩ do ăn nhiều mà mang danh. Nó như một cái nghề vậy.

Hình như sau sếu đầu đỏ, cò ốc là loài chim mà Đinh Hữu Hòa và anh em bảo vệ vườn quốc gia Tràm Chim hay nhắc.

Hòa nhìn từng thứ cò ngậm trong miệng tuốt đọt cây cao để biết coi nó đang ăn gì, có phải thiếu mồi để nó phải ăn những thứ không phải thức ăn của mình? Khi xuồng máy vào tới nơi cò ngủ, em cho xuồng tắt máy, bơi thật khẽ, nói thật khẽ: “Nơi kiếm ăn nếu động, cò có thể bỏ đi rồi quay trở lại. Nơi ngủ thì phải thật yên tĩnh. Chúng em giữ nơi này riêng cho nó ở”.

Nhìn những con cò còn ngủ li bì trên những đọt cây mỏng mảnh cao nhất, thấy nó ngủ sao mà hay và tên nó cũng ngộ. Bao nhiêu loài chim cò khác người ta chỉ gọi tên chúng theo hình dáng, theo tiếng kêu, theo tính tình kiểu như tu hú, bìm bịp, sếu đầu đỏ...

Riêng cò ốc được gọi tên bởi món nó thích ăn.

Đinh Hữu Hòa trong một lần đi thăm cò ốc ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Thanh Bình

Đinh Hữu Hòa trong một lần đi thăm cò ốc ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Thanh Bình

Hình như cò ốc cũng ăn cá nhưng có lẽ món nó khoái khẩu nhất là ốc. “Chúng ta đi thăm nơi ở của bầy cò ốc”, Hòa nói. Điều đó không có gì lạ. Cũng giống như chúng ta đi coi nơi ở của bầy cò trắng. Nhưng với những người bảo vệ cò thì cò ốc không đơn thuần như vậy: “Chị ạ, nó ăn ốc. Trong trại thực nghiệm em nuôi cò ốc cho nó ăn muốn khóc luôn, mỗi con, mỗi ngày nó ăn cả ký ốc”.

Ừ thì một ký ốc. Như giang sen, mỗi con ăn mỗi ngày 1,2kg cá mà có ai gọi nó là cò cá đâu. “Cò ốc nó đến những cánh đồng của người nông dân đó chị, họ sợ cò giẫm lúa”, Hòa kể.

Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?

Không không tôi đứng trên bờ.

Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi…

Hòa cho biết cò ốc không đứng trên bờ, nó mò xuống ruộng bắt từng con ốc.

Cò ốc là thiên địch của ốc bươu vàng. Ảnh: Thanh Bình

Cò ốc là thiên địch của ốc bươu vàng. Ảnh: Thanh Bình

Có nhiều loài gia cầm ăn ốc lắm. Vịt gà cũng ăn ốc. Tôi từng thấy một người bạn đút từng con ốc quắn vô miệng con gà để bổ sung can xi cho nó. Cò ăn những con ốc lớn được không? Cái cổ nó bé tí. “Ốc càng lớn nó càng khoái đó chị - Hòa chắc giọng kể - Cò ốc nó không nuốt nguyên con đâu chị. Như cách chúng ta lể ốc sống đặng xào sả ớt vậy.

Cò ốc dùng cái mỏ thật khỏe mổ vào cạnh của mài ốc cho phần thịt ốc rời khỏi vỏ. Nó ngậm nguyên con ốc sục cho ruột văng xuống đất rồi lượm ruột ăn. Nghe tưởng rất khó khăn nhưng nó ăn dễ dàng lắm, chuyên nghiệp lắm. Nó ăn ốc bươu vàng đó chị. Nơi nào nó đáp xuống là ốc bươu vàng sạch sẽ. Những ngón chân nó mỏng và dài lắm, chen những kẽ lúa mà đứng chớ không hề giẫm lúa”.

Khi con người thèm thì con gì họ cũng ăn cho bằng cạn kiệt. Nhưng với loài cò ốc, chúng ta ăn nó là đang tước đi miếng ăn của con cháu chúng ta sau này.

Tôi nhớ những ngày tôi đi học, má thường hay đi ruộng bắt ốc bươu vàng. Má nói nó trùi sâu trong đất. Mình vừa bắt xong đảo lại đã thấy những con khác trồi lên. Má phải ngồi mải miết trong đám lúa bắt hết con này đến con khác giữa nắng, giữa mưa cho tới ngày cây lúa già cỗi ốc không ăn được. Một cây lúa lớn lên thấm bao nhiêu mồ hôi má trong đó. Con sâu, con rầy ăn lúa nó còn chừa cái cọng để cây lúa có thể mọc ra chồi khác. Ốc bươu vàng thì nó ăn trụi tận rễ.
Cò ốc là hung thần của đám ốc bươu vàng. Cái tên cò gắn với tên ốc không còn gợi cho tôi ý nghĩ do ăn nhiều mà mang danh. Nó như một cái nghề vậy.

Nghe tên cò ốc chợt nhớ tên Hùng Cá, cô Hai Bún Nước Lèo, cô Ba Bánh Bò Thốt Nốt. Những con người gắn với những cái nghề, nổi tiếng bởi nhất nghệ tinh. Con cò với thân mình màu luốt nâu và đôi cánh trắng muốt kia cũng là một dạng nhất nghệ tinh với chiêu ăn ốc không loài nào có được.

“Làm sao cho người ta đừng bắt cò ăn chị ạ. Nó giúp mình nhiều lắm”, Hòa trầm giọng. Tôi nghe đâu đó có tiếng thở dài. Chim cò là món ngon, sao mà cấm được khi họ thèm. “Em ngày xưa cũng ăn nhiều chim cò động vật hoang dã. Nhưng từ khi vào trại cứu hộ động vật hoang dã, hiểu được giá trị của nó, thương nó như bạn, em đã thôi ăn. Em tụng riết, thằng Nghĩa em của em nó cũng thôi ăn luôn!”.

Cò ốc là loài chim có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: Vân Trường

Đàn cò ốc mong manh ở một góc nhỏ của rừng không biết tồn tại bao lâu? Khi tìm hiểu tới đoạn này tôi lên mạng tìm kiếm một số thông tin về cò ốc. Thấy những cái clip săn cò giữa vùng sông nước hồn nhiên. Người đi săn cười chân chất khi hạ được đôi cò ốc. Họ mừng vì chỉa bắn đã nhắm trúng cái cánh cò. Họ háo hức kéo xòe đôi cánh trắng muốt nhổ từng cái lông khi con vật còn đang sống.

Nếu Hòa nhìn thấy chắc buồn. Khi con người thèm thì con gì họ cũng ăn cho bằng cạn kiệt. Nhưng với loài cò ốc, chúng ta ăn nó là đang tước đi miếng ăn của con cháu chúng ta sau này. Đàn ốc bươu vàng không có thiên địch sẽ sinh sôi không ngừng nghỉ. Để có được từng tấn lúa xuất khẩu, người ta phải đổ vào ruộng những loại thuốc cực độc và lưu dẫn để diệt ốc bươu vàng. Những loại thuốc độc bình thường con ốc bươu vàng hóa giải được, hoặc nó trốn sâu dưới đất chờ thuốc hết tác dụng sẽ ngoi lên.

Những dòng nước nhiễm nặng thuốc lưu dẫn đó trôi tới đâu, cua cá ếch nhái (những loài thiên địch của sâu rầy)… chết sạch. Lại phải dùng nhiều thuốc diệt sâu rầy, sâu rầy ngày càng kháng thuốc, càng nặng thuốc. Vậy là nước và đất đều ngập thuốc. Ngay cả cá dưới sông cũng không sống nổi. Bao nhiêu bè cá, vèo cá nuôi theo sông điêu đứng bởi dòng nước nhiễm nặng thuốc bảo vệ thực vật. Giờ trong tay chúng ta là cánh đồng bạt ngàn chỉ còn những hạt lúa nhiễm độc, những dòng nước nhiễm độc.

Còn những thứ quý giá khác mất dần từng chút cho tới khi mất sạch theo sự lụi tàn của đàn cò ốc.
Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tieng-keu-cua-dan-co-oc-25165.html