Tiếng kêu cứu từ rừng mưa Amazon
Hội nghị thượng đỉnh 8 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon được tổ chức tại thành phố Belem (Brazil) vào năm 2009, nhằm tìm kiếm các giải pháp cứu hệ sinh thái được coi là quan trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, rừng mưa Amazon vẫn đứng trước nhiều thách thức.
Vấn đề đặt ra với hệ sinh thái tự nhiên lớn nhất hành tinh bao gồm nguồn tài chính cho phát triển bền vững và hòa nhập của hàng trăm nhóm người bản địa; chiến lược chống phá rừng dưới bất kỳ hình thức nào, chống tội phạm có tổ chức và bảo vệ nguồn sinh vật đặc hữu.
Dù được xem là lá phổi xanh của Trái đất, song những năm gần đây rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn chặt cây, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc… Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh học. Mặt khác, những nhóm cư dân bản địa cũng bị đẩy sâu vào những khu rừng rậm hoang vu, nguy cơ tuyệt chủng rất rõ ràng.
Theo số liệu mới công bố, trong tháng 7 vừa qua, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 500 km2 rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng nhiệt đới.
Trong khi đó, theo giới khoa học cảnh báo, để bảo tồn rừng Amazon thì không thể để diện tích bị tàn phá vượt mức giới hạn 20%. Nếu điểm giới hạn đó bị phá vỡ, tài sản quý giá này sẽ không thể phục hồi và có thể biến đổi thành đồng cỏ. Ðáng lo ngại, tỷ lệ phá rừng Amazon hiện đã lên tới 17%.
Ông Marcio Astrini - Giám đốc Hiệp hội Đài quan sát khí hậu cho biết, trước đây trung bình các vụ phá rừng ở Amazon ở phạm vi khoảng 6.500 km2, trong khi dự kiến con số này vào cuối năm là trên 10.000km2, tức là vẫn đang trong tình trạng mất mát rất lớn.
Không chỉ là phá rừng, nạn đổ rác thải bừa bãi cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống sông tại khu rừng nhiệt đới Amazon, ảnh hưởng tới hệ thực vật, động vật và sinh kế của người dân ven sông. Ông Jao Valdez - người dân Brazil cho biết, vài năm trước nước trong vắt chứ không như bây giờ. Nhiều thứ con người từng được hưởng từ những dòng sông thì nay không còn nữa.
Đáng chú ý, khai thác vàng đang đe dọa đến đời sống các loài động vật tại rừng Amazon, tác động đến đa dạng sinh học. Thủy ngân từ hoạt động khai thác bất hợp pháp đang ảnh hưởng đến các loài động vật có vú trên cạn trong rừng nhiệt đới Amazon, từ loài gặm nhấm đến mèo rừng cho đến khỉ titi.
Một cuộc nghiên cứu tiến hành tại Los Amigos nằm trong khu rừng nhiệt đới ở đông nam Peru, nơi có khoảng 46 nghìn thợ mỏ đào vàng dọc theo bờ sông. Kết quả cho thấy, ô nhiễm thủy ngân từ việc khai thác vàng không chính thức đã xâm nhập vào các loài động vật có vú, từ loài gặm, mèo rừng cho đến khỉ titi. Thủy ngân thẩm thấu khỏi địa điểm khai thác, thẩm thấu trong không khí, nước và ngấm vào lá cây, từ đó đầu độc chuỗi thức ăn của các loài thú trong rừng.
Bà Caroline Moore - bác sỹ thú y, thành viên Liên minh đời sống hoang dã San Diego (Mỹ) cho biết, mức thủy ngân đủ cao sẽ ngăn cản các động vật sinh sản một cách bình thường hoặc nếu sinh con thì những động vật đó cũng không thể trưởng thành bình thường.
Ông Raoni, 91 tuổi, là thủ lĩnh của người Kayapo - một cộng đồng bản địa sống dọc theo sông Xingu, con sông chảy qua rừng nhiệt đới Amazon cho biết khu vực này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc mở rộng các đồn điền đậu nành. Hoạt động khai thác vàng trái phép đã đầu độc nguồn nước. Rừng thì khô, sông cũng khô vì nhiệt độ cao và ít mưa.
Còn bà Nemo Guiquita - thủ lĩnh cộng đồng bản địa Waorani (Ecuador) nói: “Rừng không phải là giếng dầu, cũng không phải là mỏ vàng. Đó là ngôi đền của chúng ta, trường học của chúng ta và là ngôi nhà tinh thần của chúng ta. Rừng là người mẹ vĩ đại. Vì thế Amazon cần phải được bảo vệ.
Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature cho biết có tới 85% các loài được liệt vào danh sách bị đe dọa vì mất môi trường sống do cháy rừng và phá rừng, kể từ 2001 ở lưu vực sông Amazon.
Xiao Feng - nhà địa lý của Đại học Florida (Mỹ) cho rằng, điểm mấu chốt là khi Amazon mất một phần rừng nhất định, toàn bộ hệ sinh thái sẽ chuyển sang một kiểu khác. Còn theo ông Philip Fearnside - nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu quốc gia Brazil, không chỉ có phá rừng bất hợp pháp, ở đây còn có hành vi phá rừng hợp pháp và khai thác gỗ hợp pháp.
Rừng mưa Amazon rộng gần 7 triệu km2, chiếm hơn 50% rừng mưa còn lại của Trái đất, là một dải rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới. Rừng mưa Amazon được coi là khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Khoảng 10% số lượng loài đã biết trên thế giới sống tại rừng mưa Amazon, hợp thành tập hợp lớn nhất các loài động, thực vật còn sinh tồn trên thế giới. Một km² đất rừng mưa Amazon có thể chứa khoảng 90.790 tấn thực vật còn sinh tồn. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 tới năm 2000, tổng diện tích rừng bị mất trong khu vực Amazon tăng từ 415.000 tới 587.000 km². Với tốc độ hiện tại, trong hai thập niên nữa thì rừng mưa Amazon sẽ giảm khoảng 40%.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-keu-cuu-tu-rung-mua-amazon-5725823.html