Tiếng khèn vang mãi nơi núi rừng Tây Bắc
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là 'người trong cuộc', nghệ nhân Vàng A Mang không giấu được sự xúc động: 'Vui lắm, vui đến mức không thể biết nói gì nữa, vì bác cũng là người trực tiếp cùng huyện Văn Chấn tổ chức, là trọng tài của nhiều sự kiện, cuộc thi thổi và múa khèn Mông trong những năm qua'.
Đi qua những cung đường đèo với sắc cải vàng đang độ nở, vắt ngang bởi những áng mây trời Tây Bắc, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân về khèn Mông tại thôn Pang Cáng, cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn hơn chục cây số. Đó là một ngôi nhà truyền thống của người Mông tại Yên Bái, với nhà trệt, mái thấp, nằm cheo leo cạnh vực núi.
Bước vào nhà, chào đón chúng tôi là nghệ nhân Vàng A Mang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy của xã Suối Giàng. Người đàn ông trung niên đang cặm cụi bên cạnh một chiếc laptop nhãn hiệu HP đã cũ. Ngôi nhà đơn sơ, chỉ có chiếc bàn, cái giường cùng tủ quần áo treo những bộ trang phục truyền thống của người Mông.
Những thanh âm khèn Mông nơi núi rừng
Trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ nhân Vàng A Mang chia sẻ, chiếc khèn Mông là một nét phong tục đặc trưng trong đám ma của đồng bào dân tộc nơi đây, với việc thổi khèn Mông mang ý nghĩa bày tỏ lòng tiếc thương của người sống, tiễn đưa linh hồn của người đã khuất. Sau này chiếc khèn dần được dùng cho các mục đích khác, dùng để thổi giải trí trong cuộc sống thường ngày hay thổi các điệu nhạc vui trong các dịp lễ hội.
Chiếc khèn ngày nay đã có sự cải tiến hơn xưa kia, với việc thay nhiều chi tiết bằng gỗ cũng như thêm các lưỡi lam đồng vào ống tre để giúp cho nhạc cụ ngày càng hoàn thiện, từ đó âm thanh phát ra cũng hay hơn. Các ống tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi.
Là một loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Mông, thế nhưng số lượng những người thợ lành nghề có thể làm ra được một chiếc khèn Mông chuẩn, chất lượng tốt lại rất ít. Cả khu vực Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ rộng lớn chỉ có duy nhất một người nghệ nhân chế tác tại Trạm Tấu. Số lượng ít như vậy vì các bước chế tác chuẩn một chiếc khèn Mông rất khó và cầu kỳ. Nghệ nhân chế tác khèn phải học nấu đồng và nắm chắc kỹ thuật tôi, rèn, cho ra các lá đồng có chất lượng tốt và có độ mỏng phù hợp với mục đích sử dụng.
Nỗ lực trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Khi được hỏi về việc thực trạng bảo tồn nét văn hóa khèn Mông của đồng bào dân tộc nơi đây, giọng người nghệ nhân có chút chùng xuống khi nhớ về những câu chuyện ngày xưa. Ông kể trong những giai đoạn từ năm 1990 đến 2000, nghệ thuật khèn Mông lắng xuống rất nhiều. Thanh niên người Mông lúc bấy giờ ở Suối Giàng gần như không hề đoái hoài gì tới việc bảo tồn các nét văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa khèn và sáo.
Trải qua nhiều khó khăn, nhờ có chủ trương, nghị quyết về khôi phục, bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân tộc Mông của Đảng và Nhà nước mà những năm trở lại đây, xã Suối Giàng nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung đã đạt được nhiều thành công trong việc vận động đồng bào Mông học tập và bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu.
Nhiều lớp khèn Mông đã được mở và trong 5 năm trở lại đây, số lượng người biết thổi khèn Mông đã tăng nhiều. Nếu như khoảng 20 năm trước, có nhiều khu vực cả bản chỉ có 1 đến 2 chiếc khèn Mông thì giờ đây gần như hộ gia đình nào cũng có 1 chiếc khèn trong nhà. Bác Vàng A Mang cười và nói vui rằng: "Đã là dân tộc Mông mà ở trong nhà không có khèn, không có sáo, không có nhị thì là không phải”.
Trước việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa khèn Mông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ nhân Vàng A Mang không giấu được sự xúc động: "Vui lắm, vui đến mức không thể biết nói gì nữa, vì bác cũng là người trực tiếp cùng huyện Văn Chấn tổ chức, là trọng tài của nhiều sự kiện, cuộc thi thổi và múa khèn Mông trong những năm qua.”
Hiện nay, nghệ nhân Vàng A Mang đang triển khai việc số hóa, đăng tải các video giảng dạy về tiếng Việt - tiếng Mông cho trẻ em tại khu vực cũng như các video về hướng dẫn nghệ thuật thổi khèn Mông nhằm thúc đẩy, nâng cao việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa lâu đời quý báu của đồng bào Mông nơi Suối Giàng.
Để tiễn chúng tôi đi, nghệ nhân Vàng A Mang quyết định thổi tặng một bài khèn bác vừa sáng tác. Những âm thanh trầm bổng của chiếc khèn được cất lên giữa núi rừng Tây Bắc trong một buổi chiều se lạnh, dường như vẫn còn vang vọng mãi trong lòng chúng tôi sau khi rời đi, để lại đó hình ảnh về một người nghệ nhân đang luôn nỗ lực từng ngày để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/323953/tieng-khen-vang-mai-noi-nui-rung-tay-bac.aspx