'Tiếng nói lịch sử' giữa giờ khắc giải phóng

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm gặp nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước, người vinh dự cất lên tiếng nói đầu tiên trên làn sóng phát thanh vào tối 30.4.1975, thông báo tin chiến thắng đến với đồng bào cả nước và bạn bè thế giới.

Phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh trong buổi phát sóng đầu tiên của Đài truyền hình Sài Gòn Giải phóng, ngày 1.5.1975

Phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh trong buổi phát sóng đầu tiên của Đài truyền hình Sài Gòn Giải phóng, ngày 1.5.1975

Giờ đây, dù đã bước qua tuổi 80, ký ức về giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông như thể mới chỉ vừa hôm qua.

Bản tin đi vào lịch sử

Trong suốt sự nghiệp hàng chục năm gắn bó với nghề báo, từng đọc và biên tập hàng ngàn bản tin lớn nhỏ, nhưng với ông Nguyễn Hữu Phước, bản tin phát sóng lúc 20h ngày 30.4.1975 chính là bản tin để đời, thiêng liêng và đầy tự hào.

“Đó là thời khắc thiêng liêng không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Được là người đầu tiên cất tiếng nói thông báo với toàn dân và cả thế giới rằng Sài Gòn đã giải phóng, non sông đã thống nhất, đó là một vinh dự lớn lao mà cả cuộc đời tôi luôn gìn giữ như một di sản”, ông Phước chia sẻ.

Trở về thời điểm tháng 4 năm 1975, giữa lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bước vào giai đoạn tổng tiến công, ông Nguyễn Hữu Phước cùng các đồng chí trong đoàn công tác thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được giao nhiệm vụ đặc biệt: Bằng mọi giá phải tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn, nơi được xem là “trận địa thông tin” cuối cùng và quan trọng nhất của chính quyền Sài Gòn.

Từ căn cứ Trung ương Cục cách Sài Gòn gần 100km, đoàn tiền phương xuất phát ngày 26.4 trùng thời điểm Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Những ngày cuối cùng của chế độ cũ đầy hỗn loạn, lo sợ và hoang mang.

Trong khi đó, ở Đài phát thanh Giải phóng, công tác chuẩn bị được triển khai ráo riết. Các phương án dự phòng đều sẵn sàng, trong đó có cả kịch bản dùng thiết bị di động để phát sóng nếu không thể chiếm giữ đài cố định.

Ông Nguyễn Hữu Phước nhớ lại, “Sáng sớm ngày 26.4, đoàn tiền phương chúng tôi trong Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam xuất phát từ một địa điểm cách Sài Gòn khoảng 100 cây số, cũng là thời điểm Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống ngụy quyền và lặng lẽ ra sân bay Tân Sơn Nhất rời Sài Gòn”.

Ông Phước cho hay, thời điểm này, Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch hầu như bị vây chặt bốn bề, còn ở Đài phát thanh Giải phóng, mọi việc cũng thật bộn bề, khẩn trương.

“Chúng tôi được vinh dự cất tiếng nói của Đảng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chuyển mọi thông điệp đến đối phương, và chuẩn bị dập tắt tiếng nói lạc lõng lâu nay để biến thành tiếng nói chân chính và đầy khí thế cách mạng”, ông Phước nhấn mạnh.

“Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng…”

Chiều 30.4.1975, sau khi quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, cánh cổng biểu tượng của chính quyền cũ bị hất tung, thì cũng là lúc đoàn tiếp quản tiến vào Đài phát thanh Sài Gòn.

Chỉ vài giờ sau, đúng 20h, giọng đọc đầy khí thế của Nguyễn Hữu Phước vang lên giữa làn sóng phát thanh: “Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…”.

Sau lời xướng đó, ông đọc Thông báo số 1 của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, với nội dung Chính phủ Cách mạng đã nắm quyền kiểm soát, đồng thời kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và nêu một số chính sách đối với vùng mới giải phóng.

“Đó là khoảnh khắc tôi không thể nào quên. Được phát đi thông điệp lịch sử đó là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi”, ông Phước xúc động nói. Vẫn với chất giọng trầm ấm, rõ ràng từng là “thương hiệu” của làn sóng Giải phóng năm nào, nhà báo Nguyễn Hữu Phước xúc động kể: Theo chỉ thị, ngay sau khi tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn, bản tin đầu tiên của Chính phủ Cách mạng phải được phát sóng lập tức, hoặc bằng máy móc mang theo, trong trường hợp địch phá hoại hoặc đài không còn hoạt động. “May mắn là việc tiếp quản diễn ra suôn sẻ”, ông Phước nhớ lại.

Trách nhiệm của người làm báo cách mạng

Ông Phước chia sẻ, dù không trực tiếp cầm súng, nhưng những người làm báo trong thời khắc đó cũng là chiến sĩ, chiến đấu bằng ngôn từ, bằng thông tin, bằng lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

“Chúng tôi xác định rõ, nếu đài phát thanh - truyền hình bị gián đoạn, lòng dân sẽ hoang mang. Vì vậy, chúng tôi phải bằng mọi giá giữ sóng, phát sóng đúng giờ, thông tin chính xác, kịp thời, và kiên quyết dập tắt mọi luận điệu xuyên tạc của địch”, ông kể.

Ngay khi vừa tiếp quản, toàn bộ đội ngũ kỹ thuật, phát thanh viên và biên tập viên của Đài Giải phóng lập tức khôi phục vận hành đài. Rất may, nhờ sự hỗ trợ của một số nhân viên chế độ cũ, công việc được tiến hành khẩn trương và hiệu quả.

“Cuộc chiến đấu trên làn sóng không chỉ diễn ra ngày 30.4. Trước đó, Đài Giải phóng đã là vũ khí sắc bén, không khoan nhượng trong cuộc chiến truyền thông. Khi Sài Gòn bị bao vây, thì cũng chính qua làn sóng phát thanh, Chính phủ Cách mạng đã gửi đi những thông điệp mạnh mẽ, dập tắt mọi âm mưu ngoan cố cuối cùng của chế độ cũ”, ông Phước nhớ lại.

Ông kể, sáng 30.4.1975, khi quân Giải phóng vượt cầu Sài Gòn, người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam từ nóc Tòa đại sứ Mỹ, chỉ vài giờ sau, trên Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Tiếp đó, cũng trên Đài phát thanh Sài Gòn, phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh yêu cầu các đơn vị quân đội Sài Gòn buông súng, trực tiếp tiếp xúc tại chỗ với lực lượng chính phủ cách mạng để trao lãnh thổ, tránh đổ máu…

Khi xe tăng Giải phóng húc tung cổng Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh buộc phải đến Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giải tán toàn bộ chính quyền Sài Gòn.

Trước câu hỏi về cảm xúc lúc phát đi bản tin lịch sử trên làn sóng phát thanh lớn nhất chế độ cũ, nhà báo Nguyễn Hữu Phước, con trai Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, bồi hồi: “Chúng tôi hiểu rằng đó là một nhiệm vụ lịch sử. Vinh dự lớn lao ấy đi kèm với trách nhiệm nặng nề, khi được trực tiếp loan báo với cả nước và thế giới rằng Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Ngoài việc tiếp quản, chúng tôi còn có vai trò trấn an tâm lý người dân qua các bản tin thời sự, góp phần vào việc ổn định xã hội sau ngày chiến thắng”, ông Phước tự hào nói.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/bao-chi/tieng-noi-lich-su-giua-gio-khac-giai-phong-130691.html