Kỷ vật 'kể chuyện' đất nước trọn niềm vui
Khắc họa những khoảnh khắc đất nước trọn niềm vui, Bắc Nam sum họp một nhà, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang trưng bày nhiều hiện vật mang những giá trị lịch sử, thông điệp đặc biệt. Mỗi hiện vật là một câu chuyện, một ký ức sống mãi với thời gian.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp nhau tại Sài Gòn sau ngày đại thắng, tháng 5.1975 (Nguồn: TTXVN)
Trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” vừa được tổ chức và đến hết ngày 10.8.2025, giới thiệu hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trong đó, nhiều hiện vật lần đầu tiên được trưng bày.
Thông điệp yêu chuộng hòa bình
Một trong những hiện vật đặc biệt tại trưng bày Đất nước trọn niềm vui là bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Mỹ, năm 1962. Trong thư, Chủ tịch Hồ Minh kêu gọi lương tri, công lý và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Người không chỉ nói với tư cách của một nguyên thủ quốc gia, mà còn như một người bạn lớn, một nhà nhân đạo kêu gọi nhân dân Mỹ hãy nhìn thấy bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, thức tỉnh lương tâm, phản đối sự can dự quân sự của Chính phủ Mỹ vào Việt Nam.
Người viết: “Việt Nam và nước Mỹ cách xa nhau nửa quả địa cầu. Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù không oán. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cờ chống chủ nghĩa thực dân (1775-1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”. “Chúng tôi buộc phải đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Và chúng tôi mong các bạn hành động ngay để ngăn cản Chính phủ Mỹ phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam”.
Bức thư không chỉ truyền tải thông điệp của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần làm dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh trong lòng nước Mỹ, thúc đẩy các phong trào hòa bình, bảo vệ quyền con người và chống can thiệp quân sự.
Bức thư thể hiện tinh thần nhân đạo, chính nghĩa và niềm tin vào sức mạnh đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đó vẫn là một văn kiện ngoại giao có giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc; minh chứng sinh động cho đường lối ngoại giao hòa bình, độc lập và nhân văn mà Việt Nam kiên trì theo đuổi.

Đại biểu tham quan triển lãm
Mệnh lệnh lịch sử cho ngày toàn thắng, bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị, truyền tải mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”, sau 50 năm vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào và quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc. Tại trưng bày, khách tham quan có cơ hội được tiếp cận với hiện vật đặc biệt này.
Chín giờ 30 sáng 7.4.1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi bức điện khẩn do tự tay Đại tướng thảo, ký tên.
Khi đó Mật lệnh của Đại tướng vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Bức điện với nội dung ngắn gọn, khúc chiết như quân lệnh, truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ, được coi là “kim chỉ nam” để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt kẻ thù.
Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của QĐND Việt Nam; truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy.
Nhiều kỷ vật giản dị nhưng là chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Trong đó có hiện vật chiếc áo khoác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiếc áo gắn liền với cuộc sống đời thường của vị tướng giỏi QĐND Việt Nam. Chiếc áo này đã đồng hành cùng ông trên các khắp mặt trận chiến trường cũng như trong cuộc sống hằng ngày, sau khi hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Trải qua nắng mưa, bùn đất và khói lửa, chiếc áo vẫn giữ được hình dáng kiên cường như chính con người đã từng khoác nó. Đây là lần đầu tiên hiện vật này được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Áo khoác đồng chí Văn Tiến Dũng sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Cuộc đấu tranh trong lòng đô thị miền Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh những trận đánh oanh liệt nơi chiến trường, có một mặt trận thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cuộc đấu tranh trong lòng đô thị miền Nam.
Ở nơi tưởng như yên bình ấy, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã âm thầm hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Một trong những hiện vật minh chứng tiêu biểu cho tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ là chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi - cán bộ công tác tại nhà in bí mật số 157 Nguyễn Trãi, Sài Gòn - sử dụng để vận chuyển tài liệu đi khắp nơi. Đây cũng là hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tại trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhà in bí mật 157 Nguyễn Trãi là một trong những cơ sở in ấn quan trọng của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Hoạt động ngay giữa lòng địch, nhà in chuyên in truyền đơn, báo chí và tài liệu cách mạng, góp phần truyền tải thông tin, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Dưới sự bảo vệ và vận hành của những cán bộ trung kiên như bà Lê Thị Nuôi, nơi đây đã trở thành “mạch máu thông tin” quan trọng, âm thầm nhưng không thể thiếu của cách mạng miền Nam. Chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ có nhãn hiệu “Tide XK”, được làm từ bìa giấy, kích thước 22cm x 15cm x 0.55cm.
Trong thời gian công tác ở bộ phận phát hành tại Nhà in bí mật 157 Nguyễn Trãi, bà Nuôi đã mua những hộp xà phòng còn mới của Mỹ, lấy hết xà phòng ra để đựng tài liệu của nhà in.
Sau đó, chị dán kín hộp lại và đem tài liệu đi phát hành cho các cơ sở như Báo Cờ giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Hội Nhà giáo yêu nước… Trong những ngày Lễ tang Bác Hồ, những chiếc vỏ hộp này cũng đã được dùng để phát hành những tài liệu như Di chúc của Hồ Chủ tịch, Điếu văn của đồng chí Lê Duẩn và nhiều văn kiện quan trọng khác.
Năm tháng trôi qua, thế hệ hôm nay cùng nhìn lại hiện vật đơn sơ là chiếc hộp xà phòng, hiện vật đã cất giấu và vận chuyển những tài liệu quan trọng một cách an toàn qua các chốt kiểm tra gắt gao của địch.
Nó không chỉ là vật dụng ngụy trang, mà còn thể hiện sự sáng tạo lòng dũng cảm và bản lĩnh của những người chiến sĩ hoạt động cách mạng trong lòng đô thị, những anh hùng đã âm thầm góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Câu chuyện đằng sau bức ảnh Đoàn tụ ngày giải phóng cũng mang đến nhiều cảm xúc. Trại giam Côn Đảo là nơi giam giữ và tra tấn hàng ngàn chiến sĩ cách mạng.
Lê Văn Thức, một chiến sĩ kiên trung, đã từng mang án tử hình và bị giam cầm tại đây. Giữa những năm tháng tối tăm, ông cùng bao người đồng chí đã chịu đựng mọi cực hình, không khuất phục, không lùi bước, nuôi hy vọng về một ngày độc lập.
Ngày 5.5.1975, sau khi miền Nam được giải phóng, người tử tù cách mạng Lê Văn Thức trở về từ Côn Đảo, nguyên vẹn ý chí, bước qua ngưỡng cửa của cái chết và trở về trong chiến thắng. Khi hai mẹ con gặp lại nhau tại căn cứ Rạch Dừa, họ nghẹn ngào trong nước mắt.
Trong bức ảnh, người mẹ ôm lấy con, người con ôm lấy mẹ thể hiện sự trọn vẹn của niềm vui đoàn tụ, là biểu tượng thiêng liêng của tình mẫu tử và sức sống mãnh liệt của dân tộc. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long đã ghi lại giây phút xúc động này.
Trong hồi ức của tử tù cách mạng Lê Văn Thức, ông viết: “Hôm đó, vào khoảng 9-10 giờ sáng, có người gọi tôi ra gặp thân nhân. Vừa bước ra, tôi sững người, đôi mắt như nhòa đi khi nhìn thấy người đàn bà khắc khổ mặc bộ bà ba màu đen đang dáo dác kiếm tìm. Mẹ! Khi đó tôi chỉ biết lao đến, ôm chầm lấy bà. Sau bao năm cách biệt, tưởng không còn có cơ hội gặp lại. Mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc”.
Bức ảnh đoàn tụ ngày giải phóng mang giá trị lịch sử và tinh thần to lớn, đại diện cho hàng ngàn cuộc đoàn tụ khác trên khắp Tổ quốc, viết lên câu chuyện lịch sử về sự tự do sau những năm tháng tù đày và hy sinh của những người lính cùng với nỗi đau vô bờ của người thân nơi quê nhà.
Ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975 không chỉ là ngày của chiến thắng về đấu tranh vũ trang, mà còn là ngày của những trái tim được hàn gắn, của những gia đình được đoàn tụ, và của những khát vọng được tiếp tục sống, tiếp tục ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ, với trưng bày “Đất nước trọn niềm vui”, BTC mong muốn giúp công chúng hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong lịch sử dân tộc. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/ky-vat-ke-chuyen-dat-nuoc-tron-niem-vui-130752.html