'Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ buôn, làng, nơi hẻo lánh đã được mang tới phòng Diên Hồng'

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã đi đến phiên bế mạc sau gần 1 tháng làm việc tích cực, nghiêm túc, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá kỳ họp đã diễn ra thành công tốt đẹp, với nhiều dấu ấn quan trọng, tiếp tục khẳng định và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ buôn, làng, được mang tới phòng Diên hồng

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên cho rằng, mặc dù chỉ diễn ra 4 tuần, nhưng Quốc hội đã xử lí khối lượng công việc rất lớn. Quốc hội, chủ tọa kỳ họp, các đại biểu Quốc hội và đơn vị liên quan đã làm việc hết công suất và hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, trong kỳ họp này, không khí kỳ họp rất sôi nổi; sự chuẩn bị tài liệu và phát biểu của các đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, nghị quyết… chất lượng, hiệu quả và công phu.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những ý kiến của họ đã được các đơn vị liên quan giải trình, tiếp thu rất cụ thể. Điều này thể hiện các đại biểu Quốc hội nghiên cứu rất sâu sắc vấn đề; các vị trưởng ngành rất cầu thị; các tài liệu và thông tin đi kèm được chuẩn bị kĩ lưỡng, tạo ra hệ sinh thái rất đầy đủ.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều điều đặc biệt.

Thứ nhất, chưa bao giờ Quốc hội họp nhưng lại có 1 tuần nghỉ giữa kỳ. "Là người đứng đầu địa phương, tôi thấy rằng, đây là phương pháp giúp chúng tôi vừa đảm bảo công việc họp Quốc hội một cách chất lượng, hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương một cách kịp thời", bà Nguyễn Thanh Hải nhận định.

Bên cạnh đó, theo Bí thư tỉnh Thái Nguyên, khoảng thời gian nghỉ giữa kỳ đó cũng đảm bảo cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng, tìm được sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự án luật.

Thứ hai, trong kỳ họp này, khi nghiên cứu dự thảo chương trình, đây là lần đầu tiên báo cáo về kiến nghị cử tri được mang ra Quốc hội để thảo luận.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, trước đây, báo cáo này thường được báo cáo trước phiên chất vấn, để các Đại biểu Quốc hội lấy đó làm căn cứ chất vấn với các trưởng ngành. Nhưng việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận về báo cáo này, theo bà hết sức hiệu quả. Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và người dân, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được tập hợp, giải quyết.

"Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ một buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh, nhưng đã được mang tới Nhà Diên Hồng để thảo luận và từng vị trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân. Tôi cho rằng phiên này cần được truyền hình trực tiếp để cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. Từ đó, chất lượng tiếp xúc cử tri cũng được nâng lên, cử tri cũng tin tưởng hơn trong việc gửi gắm tiếng nói của mình đến với Quốc hội", Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhận định.

Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật

Đánh giá về kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, có ba dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung kỳ họp thứ 5.

Điều đầu tiên là về công tác tổ chức. Cụ thể, kỳ họp đã được chia thành hai đợt thay vì một đợt như những lần trước đây. Trong một tuần đệm nghỉ giữa hai đợt đã để cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung được đại biểu quan tâm. Tại đợt họp thứ hai của kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng.

Thứ hai là về công tác lập pháp, kỳ họp có khối lượng công việc rất khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thứ ba là về thái độ, tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lấy dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành cũng dao động từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như về Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu.

Trong khi đó, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ và liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Dù vậy, với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tieng-noi-nho-be-cua-cu-tri-tu-buon-lang-noi-heo-lanh-da-duoc-mang-toi-phong-dien-hong-20230624105830463.htm