Tiếng nói về ứng xử của con người với tự nhiên
Khi tốc độ đô thị hóa cao và sự ỷ lại vào khoa học kỹ thuật, khai thác quá mức khiến cho tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt thì thiên nhiên đáp trả không phải chỉ bằng thảm họa, thiên tai hay các dịch bệnh hiểm nghèo... mà đáng sợ hơn là bằng sự biến đổi của chính nó. Văn học sinh thái nổi lên khi vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất. Ở Việt Nam, tuy văn học sinh thái chưa thật sự có những thành tựu nổi bật nhưng đã có những động hướng mang ý thức sinh thái.
Văn học sinh thái (Ecoliterature) - còn được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác như Văn học sinh thái học (Ecological Literature), Văn học môi trường (Environmental Literature), Văn học xanh (Green Literature), Lối viết tự nhiên (Nature Writing)... Dòng văn học này chú trọng đến trách nhiệm của con người đối với môi sinh, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật và duy trì cân bằng sinh thái.
Văn học sinh thái Việt Nam có lẽ có bước phát triển nhất định vào khoảng giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990, với sự xoay chuyển điểm nhìn từ tư tưởng con người là trung tâm (Anthropocentrism) sang tư tưởng sinh thái trung tâm (Earth-Centered), như Nguyễn Minh Châu viết về loài vật trong Một lần đối chứng, Phiên chợ Giát. Nguyễn Minh Châu “từ chối” cách viết về loài vật như kiểu truyện đồng thoại. Tác giả nhìn đời sống qua con mắt của chính loài vật, như bản chất tự nhiên, hoang dã, bên ngoài mọi tình cảm cao thượng, trong sáng của con người; ngoài cả những định kiến, áp chế như là từ chối sự áp đặt giản đơn quy luật đời sống vào quy luật của tạo vật.
Với tác giả văn học sinh thái, tự nhiên có sinh mệnh độc lập, có địa vị, biết cảm thụ thẩm mỹ, biết lắng nghe tâm hồn con người và đánh thức phần tâm linh sâu thẳm của mỗi chúng ta. Trên cánh đồng mênh mông bất tận, chỉ duy nhất con vịt mù lắng nghe được tiếng trái tim của Nương “rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng...” (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư). Do đó, thay đổi cách nhìn về tự nhiên sẽ tạo cơ sở cho sự thay đổi trong ứng xử, để nhận ra loài người đã chiếm đoạt không gian sống của vạn vật, giành đất của muôn loài, khai thác cạn kiệt tự nhiên: “Đất này nguyên là giang sơn của mối” (Mối và người - Trần Duy Phiên); “Đất rừng của chúng đâu phải của mình” (Kiến và người - Trần Duy Phiên).
Những năm qua, văn học sinh thái Việt Nam đã đề cập đến biến đổi khí hậu, hạn hán (Sầu trên đỉnh Puvan của Nguyễn Ngọc Tư, Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên), xâm nhập mặn (Nước như nước mắt, Sông của Nguyễn Ngọc Tư)... Nương theo số phận nhân vật, người đọc nhận thấy nỗi nhọc nhằn của người lao động trong sự túng quẫn của đói ăn và điều kiện sinh thái khắc nghiệt. Những phận người tận diệt thiên nhiên bằng phá rừng, săn thú, đào vàng... trong tác phẩm của Nguyễn Trí (Bãi vàng, đá quý, trầm hương), Hoa Ngõ Hạnh (Con gấu già trong thung lũng Trại Xai, Tìm trầm, Linh hồn ong chúa...), Triệu Hoàng Giang (Nghiệp rừng), Nguyễn Huy Thiệp (Con thú lớn nhất, Sói trả thù)... đều thấm thía rằng khi chỉnh thể sinh thái của tạo hóa bị hủy hoại thì sự sống của con người tất sẽ bị đe dọa cả về thể chất lẫn tinh thần.
Văn học sinh thái truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái. Vì vậy, phê phán mặt trái văn minh là một đặc điểm nổi bật của khuynh hướng văn học này. Các tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trí, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Nhật Minh, Thiên Sơn, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy... phân tích cội rễ của tình trạng người nông dân ly hương ngay chính trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, đất sản xuất trở thành các khu công nghiệp khiến họ trở nên bơ vơ, thậm chí đẩy người nông dân đến cảnh khốn cùng. Sự bất công môi trường thể hiện qua những tác phẩm viết về cảnh mất việc làm, dẫn tới tệ nạn mại dâm, ma túy... ở thôn quê. Khi những thửa ruộng biến thành khu công nghiệp, “Sau giải tỏa đền bù, phất lên, bỏ ruộng vườn xây phòng trọ. Đua đòi ăn chơi, xe tay ga, tình tự theo kiểu tiền trao cháo múc” (Trại viên cũ trở lại đông lắm - Nguyễn Trí).
Một số tác phẩm chất vấn lại những ý niệm về thôn dã, miền núi là phản đề về khuynh hướng lý tưởng hóa, lãng mạn hóa vùng hẻo lánh. Cơn mưa hoa mận trắng (Phạm Duy Nghĩa) kể câu chuyện của Kiên, một giáo sinh thực tập ở trường học miền núi. Sống ở bản vỏn vẹn vài tháng nhưng đủ thấm thía những diễn ngôn huyền thoại về “miền núi cái gì cũng sạch”. Cuộc sống không hề lãng mạn, vui vẻ với tiếng khèn sáo tưng bừng như người ta vẫn hình dung về Tây Bắc, mà đầy khó khăn với điều kiện sống khắc nghiệt và nỗi buồn triền miên. Xu hướng giải huyền thoại về không gian thôn dã trong văn xuôi đương đại còn thể hiện ở chất vấn những mô típ như nhân vật băn khoăn khi nhận ra cái vĩnh viễn mất đi của nông thôn khi trở về như nhân vật Quyên (Thương nhớ đồng quê - Nguyễn Huy Thiệp), Tuấn (Trở về - Đặng Nhật Minh), Nguyện (Thung Lam - Hồ Thị Ngọc Hoài)...
Tuy văn học sinh thái Việt Nam chưa thật sự có những thành tựu nổi bật nhưng đã có những động hướng mang ý thức sinh thái.
Từ chối lối viết lý tưởng hóa tự nhiên, đi tìm cái hùng vĩ hoang dã của miền núi hay về nông thôn để rũ bỏ ưu phiền, hoài cảm về vẻ đẹp cổ truyền của làng quê Việt, văn học sinh thái chuyển sang xu hướng phản lãng mạn với hàng loạt “giễu nhại”. Văn xuôi sinh thái ngợi ca những người gắn với lao động nông nghiệp (Đất của Nguyễn Danh Lam; Cánh đồng bất tận, Cái nhìn khắc khoải của Nguyễn Ngọc Tư)... Trong Khách ở quê ra (Nguyễn Minh Châu), lão Khúng “chúi mũi vào hòn đất”, đôi bàn tay “không lúc nào ngơi mò mẫm trong đất” để làm cho đất bớt mầm cỏ dại, biến mảnh đất hoang sơ thành quen thuộc; biến cái mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành vùng sắn, khoai, lạc xanh rì.
Cảm quan đạo đức sinh thái mới của thế kỷ XXI hình thành những mẫu nhân cách mới không phải là ca ngợi con người như chúa tể chinh phục tự nhiên mà là người biết cúi xuống những số phận tự nhiên bị tổn thương, biết chia sẻ cảm giác bị đau với muôn loài, biết lắng nghe tiếng nói từ vạn vật. Các tác phẩm Sống mãi với cây xanh, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Giải vía (Hà Thị Cẩm Anh), Con thú bị ruồng bỏ (Nguyễn Dậu), Biển người mênh mông, Cái nhìn khắc khoải (Nguyễn Ngọc Tư), Tre hoa nở (Quế Hương), Người trồng địa lan, Thủy tiên, Tầm lan, Mặc Phúc Xuyên, Tuyệt chiêu (Dương Duy Ngữ) đã xây dựng nhân vật biết cúi xuống những thân phận tự nhiên bé nhỏ, bên lề để kiến lập cảm quan đạo đức sinh thái. Văn học sinh thái đưa trách nhiệm của con người đối với môi trường thành định hướng đạo đức chủ yếu: Con người tôn trọng, yêu thương, che chở thế giới tự nhiên, nhìn vào vạn vật để điều chỉnh đạo đức.
Như Chellry Glotfelty (nữ sĩ là học giả đầu tiên được nhận danh hiệu Giáo sư văn học và môi trường) đã nhắc nhở, văn học không thể vô can, đứng ngoài cuộc trong việc hình thành nên “sai lầm vĩ đại” từ việc chúng ta can dự vào quá trình phá hủy tự nhiên. Cách chúng ta nói về tự nhiên ảnh hưởng đến việc chúng ta hành xử như thế nào. Dù chúng ta bận tâm đến bất cứ điều gì của cõi người, chúng ta vẫn ở trên trái đất; trong mọi mối quan hệ, chúng ta vẫn tiếp xúc với cỏ cây muông thú, vậy mà trái đất đang lâm nguy, loài vật dần vắng bóng, con người trở nên bất an. Do đó, văn học, nơi bắt đầu của những phản biện với lối mòn tư duy cần cất lên tiếng nói của sự phản tỉnh.