Tiếng ta có thì nên dùng tiếng ta
Bàn về bệnh nói chữ, Trong bài 'Cách viết (Văn Hồ Chủ tịch - NXB Giáo dục Giải phóng, 1973), Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: '…Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lúng túng, nhiều khi không đúng…'.
Bệnh nói chữ
Bàn về bệnh nói chữ, Trong bài “Cách viết (Văn Hồ Chủ tịch - NXB Giáo dục Giải phóng, 1973), Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “…Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lúng túng, nhiều khi không đúng…”. (1)
“Chữ” ở đây là chữ Hán. Nhiều người cứ thích dùng chữ Hán thay vì dùng từ tiếng Việt. Các tài liệu, các văn bản nhà nước vẫn thế: Không nói là “đi đường” mà lại nói là “tham gia giao thông”; không nói “chết, mất, qua đời…” mà lại nói là “tử vong”, không nói “hạn dùng” mà lại nói là “hạn sử dụng”… thậm chí có nhiều từ Hán chuyên biệt, quần chúng chẳng bao giờ nghe đến nhưng người ta vẫn cứ dùng.
Các từ này vẫn xuất hiện nhiều trên sách báo, ngay cả trong các văn bản, tài liệu… Nhất là tài liệu, sách y khoa: Ví dụ người ta không nói là “Viêm màng bụng”, mà phải nói là “viêm phúc mạc”; không nói “động mạch cổ” mà phải nói là “động mạch cảnh”…; Bệnh nhân vào khám răng, bác sĩ răng phán: “viêm nha chu”… thật ra chỉ là viêm (nướu) chung quanh răng đấy thôi. Sao người ta không nói là “viêm quanh răng” hay “viêm nướu răng” cho dễ hiểu nhỉ?
Có lẽ lúc sinh thời, Bác đã không hài lòng lắm trước thói hay khoe chữ của cán bộ ta nên đã viết: “…Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to […]. Tục ngữ nói: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Cái bệnh đó đã lây ra làm hại đến quần chúng. Vì vậy có người đã nói:
“Chúng tôi xin thông phong” (xung phong).
“Các đồng chí phải luyến ái nhau” (thân ái nhau) v.v….
Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là chuyện thật. Những chuyện thật đau lòng, do bệnh hay nói chữ hoặc do bệnh dốt sinh ra” (3)
Tình trạng này xảy ra đã lâu và đến nay có lẽ ngày lại càng nặng hơn. Đọc báo ta dễ bắt gặp những câu chữ lê thê cùng những từ Hán rườm ra, nhằm khoe chữ một cách thật kì cục như sau: “…Nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnams Wildlife - SVW) cho biết, vào ngày 6-3, anh Võ Huy Trung – Cháu trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đã phát hiện một cá thể cầy vòi hương tại khu vườn của ngôi nhà này trong tình trạng sức khỏe yếu. Anh Trung nhận định, rất có thể cá thể cầy vòi hương này là xổng ra từ một nhà hàng nào đó rồi đi lạc vào đây. Sau đó, anh Trung đã liên hệ với kiểm lâm và các trung tâm cứu hộ để cứu chữa cho cá thể động vật này. Đồng thời, anh Trung cùng với một chuyên gia nghiên cứu thực địa Nguyễn Mạnh Hà bắt giữ cá thể động vật trên, cho ăn uống và chờ Trung tâm cứu hộ đến để bàn giao...”.
Cả một đoạn rườm rà với nhiều từ Hán trên có thể viết gọn lại: "… Ngày 6-3, anh Võ Huy Trung bắt gặp một con cầy vòi hương đang rất yếu trong vườn nhà. Nghĩ là con cầy đã xổng ra từ một nhà hàng và đi lạc vào đây nên anh Trung đã nhờ kiểm lâm đến cứu chữa, sau đó đã cùng một chuyên gia nghiên cứu thực địa là anh Nguyễn Mạnh Hà săn sóc để chờ bàn giao cho Trung tâm cứu hộ …" . Vậy là đủ, không cần phải lặp đi lặp lại "cá thể cầy hương"…“cá thể động vật”. Phải chăng là người viết muốn khoe cho người ta thấy mình biết được nhiều chữ Hán (!). Thật vậy, “cá thể” tức là một con (khác với tập thể) – Vậy thì cứ viết là “một con” đi… Bởi dân ta vẫn luôn nói như thế. Người Việt không việc gì phải ngại dùng tiếng Việt!
Trước 1975, ở miền Nam ta hay nói và viết “hỏa tiễn”, “máy bay trực thăng” “thủy quân lục chiến”, “hàng không mẫu hạm”… Sau 1975, các chữ này được thay bằng “tên lửa”, “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”, “tàu sân bay”… lúc đầu nghe hơi lạ tai nhưng suy nghĩ lại thì thay như thế là đúng, hay, bớt lệ thuộc vào chữ Hán.
Chính Bác đã cảnh giác người viết khi nhắc câu tục ngữ “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”; vậy mà sao sách báo, các văn bản... toàn nói chữ. Dọc đường ven bờ biển, người ta cắm bao nhiêu là bảng đỏ, ghi chữ to: “CẤM TẤT CẢ CÁC PHƯƠNG TIỆN LƯU THÔNG VÀO ĐƯỜNG ĐI BỘ”. Không hiểu người viết đã hiểu từ “phương tiện lưu thông” như thế nào? “Phương tiện lưu thông” đâu chỉ là xe cộ? Tàu thủy, máy bay, thậm chí đôi chân người đi cũng là “phương tiện lưu thông” chứ. Vậy ra là bảng cấm này cấm cả người ta đi vào đường đi bộ ư, rồi nó cấm luôn cả tàu thuyền, máy bay… vào đường này? Thật hài hước!
Tật sính chữ khiến người ta viết tiếng Việt cứ như người nước ngoài mới học và gây phiền hà cho người đọc. Thật vậy, cần chi phải nói chữ cho rườm rà như thế; nên viết đơn giản là “Cấm các loại xe đi vào đường này” thì gọn mà chuẩn xác hơn, ai cũng hiểu.
Cần nói thêm là dĩ nhiên có những chữ mà tiếng ta không có thì ta buộc phải dùng tiếng nước ngoài. Việc này cũng thường tình bởi không có dân tộc nào có đầy đủ tất cả mọi từ chỉ mọi vật trong vũ trụ này. Ngoài ra có khi do ngữ cảnh ta buộc phải dùng tiếng nước ngoài: chằng hạn nhóm từ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”: Tuy tiếng ta có chữ “đứng một mình” là cùng nghĩa với “độc lập”… Nhưng trường hợp đặc biệt này ta không dùng tiếng ta được. Chính vì vậy lời răn đầu tiên của Bác về cách viết là: “Không dùng chữ nước ngoài nếu không cần”.
Gốc tích thói ham dùng chữ
Do điều kiện lịch sử, văn hóa Trung Hoa ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Việt. Ngày xưa các Nho sĩ học kinh sách viết bằng chữ Hán. Dù đỗ đạt hay không, dù làm quan hay chỉ làm thầy đồ dạy học, làm thầy thuốc ở quê… Thì vẫn được người dân trọng vọng. Chính vì dân ta xưa trọng chữ, trọng khoa cử… Nên nhiều tác gia xưa đã chuộng chữ Hán mà coi thường chữ Nôm – Mặc dù đây là phương tiện ghi chép tiếng nói của dân tộc. Chữ Nôm đã có từ lâu lắm, thậm chí có ý kiến cho rằng chữ Nôm đã có từ thời vua Hùng… Nhưng nhiều nhà Nho vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với thứ chữ ấy.
Trường hợp Phạm Đình Hổ có ý coi nhẹ chữ Nôm là một điển hình: Trong "Tự thuật" của “Vũ Trung Tùy Bút”, ông đã viết: "Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết". Phạm Đình Hổ đã xếp chữ Nôm ta ngang với các “trò thanh sắc”, “nghề cờ bạc”… Tư tưởng này ăn lan vào ý thức cộng đồng nên tục ngữ xưa có câu “Nôm na là cha mách qué”… Cũng vì vậy đã hình thành thói quen khi diễn đạt những ý trang trọng, người ta hay dùng từ Hán… Ý thức ấy kéo dài mãi đến hôm nay mà người ta không biết rằng nhiều áng văn Nôm tuyệt tác đã có những câu tuyệt đỉnh của nghệ thuật lại dùng toàn từ thuần Việt…
Quan điểm chúng ta nay cần thay đổi để phát huy sức mạnh của tiếng ta.
Cần dân tộc hóa cách viết
Bác Hồ có 18 điều răn về cách viết văn - Và 5 điều đầu tiên: Tập trung vào việc “dân tộc hóa” cách viết:
1. Không dùng chữ nước ngoài nếu không cần.
2. Không viết một câu theo cách đặt chữ của nước ngoài nếu không cần.
3. Không dùng điển tích của nước ngoài nếu không ích gì.
4. Không được li dị với truyền thống văn chương quí báu của dân tộc.
5. Không miệt thị văn nôm.
Sách báo ta hôm nay không chỉ thường ham dùng từ Hán, người viết đôi khi lại chen vào trong bài viết các cú pháp ngoại lai. Ví dụ: Nêu một câu nói trích dẫn, họ thường dùng cách đảo chủ ngữ ra cuối câu: “Thanh niên điều khiển xe mới 17 tuổi, chưa có bằng lái xe. Thanh niên này sau đó đã thừa nhận hành vi vi phạm giao thông…”, vị lãnh đạo này nói”.
Đây là cách nói của người Âu Mỹ, người Việt không nói như vậy. Cách viết này đã phạm vào điều răn thứ nhì trong 18 điều răn của Bác.
Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng rất thiết tha với việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và yêu cầu “phải nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta” nghĩa là không dùng cách nói, cách viết xa lạ với ngôn ngữ Việt.
Có lẽ hôm nay người viết đã quên một bài giáo khoa quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12: bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Qua bao lần chỉnh chương trình, thay sách… Đến nay bài này vẫn luôn được giảng dạy trong nhà trường phổ thông.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tieng-ta-co-thi-nen-dung-tieng-ta-610991/