'Tiếng thơ giao thừa' tết đầu tiên tái lập tỉnh
Đã 34 mùa xuân trôi qua kể từ khi “Tiếng thơ giao thừa” của Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên lên sóng vào tết đầu tiên sau tái lập tỉnh - tết Nguyên đán Canh Ngọ 1990.
Năm ấy mới đầu tháng Chạp, Giám đốc đài Nguyễn Hùng Thi bảo tôi, anh coi tuyển chọn, biên tập một số sáng tác thơ xuân chất lượng tiêu biểu của các tác giả, đưa tôi duyệt rồi lo mời diễn viên, nhạc công thực hiện thu in sớm vào băng chương trình “Tiếng thơ giao thừa” để sẵn cho yên tâm. Vậy là tôi bắt tay vào việc.
Vạn sự khởi đầu nan, do lần đầu đài Phú Yên thực hiện chương trình này, các cây bút sáng tác thơ xuân địa phương lúc ấy đã ít lại chưa nắm thông tin nên tôi chủ động tìm đến nhà họ để xin thơ. Người đầu tiên tôi tới là nhà thơ Văn Công, tiếp đến là Bằng Tín, rồi Nguyễn Tường Thuật, Triệu Lam Châu, Trần Huiền Ân, Liên Nam; trực tiếp về Sông Cầu chọn thơ Nguyễn Kim Ngân, gọi ra Đà Nẵng lấy thơ Thanh Quế, đến Nha Trang xin thơ Nguyên Hồ, thơ Vũ Trung Uyên, gọi vào TP Hồ Chí Minh lấy thơ Kpa Y Lăng…
Hồi ấy, mặc dù phải bỏ công tìm từng tác giả quê Phú Yên nhưng khi nói rõ mục đích, các nhà thơ gốc xứ Nẫu đều vui vẻ đáp ứng. Vậy là tôi tập hợp được những bài thơ hay, chủ đề về tết cổ truyền, mừng Đảng mừng xuân, ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca thiên nhiên, tình yêu, cuộc sống…
Tết đầu tiên sau tái lập tỉnh, các chương trình của đài chưa nhiều nên “Tiếng thơ giao thừa” có tới 45 phút phát sóng. Sau khi thu thập, ước lượng số thơ đã đủ và được duyệt xong, công việc tiếp theo của tôi là phân nhóm bài, mời người thể hiện, đưa thơ họ xem trước, nghiên cứu tập tại nhà. Để “Tiếng thơ giao thừa” phong phú, đủ cung bậc, làn điệu, chương trình đầu tiên này xuất hiện giọng ngâm của cô Ngọc Hà ở Phân viện Ngân hàng Phú Yên, cô Vân Phi ở Phụng Tường - Hòa Trị, hai thầy giáo Nguyễn Đình Quảng và Nguyễn Đình Phú, và có cả Xuân Hương phát thanh viên chủ lực của đài. Về nhạc công, lúc ấy có anh Nguyên Đạt ở xóm ga Tuy Hòa thổi sáo, cô Hoàng Hường ở Nhà văn hóa Diên Hồng chơi đàn tranh, anh Duy Tài gảy đàn bầu. Kỹ thuật thu in hồi đó anh Trương Đức (biệt danh Sáu Xẹc) chịu trách nhiệm. Một người nữa tuy không lên sóng nhưng rất quan trọng, đó là anh Kỳ Linh phụ trách Phòng Biên tập.
Chương trình thơ bố trí thu đêm để được yên tĩnh, tránh tạp âm vì phòng cách âm khi ấy rất thô sơ. Lúc chưa thu chính thức, còn chạy dây, tập dượt sơ ngoài hiên, nghe diễn viên cất giọng, đàn sáo nổi lên, lập tức tụi trẻ gần đài kéo đến huyên náo, tôi phải nhờ Kỳ Linh ra tay “dẹp loạn”.
Nhóm cộng tác viên được mời đến thực hiện “Tiếng thơ giao thừa” tết đầu tiên sau tái lập tỉnh có mấy người gốc từ Trường Sư phạm Quy Nhơn trước 1975, là Nguyên Đạt (khóa 5), Đình Quảng (khóa 10), Đình Phú (khóa 13). Bên nhóm nữ có Hoàng Hường tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội khoa Nhạc dân tộc, môn Thập lục (đàn tranh); Ngọc Hà thời còn nữ sinh ngoài quê đã cộng tác với Đài Phát thanh Thừa Thiên - Huế; Vân Phi từ phong trào văn nghệ quần chúng đi lên. Hầu hết cộng tác viên này nhà trong phố, tới đài gần.
Riêng Vân Phi là xa nhất, từ nhà trên núi Sầm - Hòa Trị xuống thu ban tối. Thuở ấy đường đêm nông thôn vắng vẻ, không điện không đèn. Cô chở theo mẹ già làm bạn đồng hành. Hôm ấy tiết trời cuối năm khá lạnh, bà ngồi chờ con ngoài bậc cấp sân đài. Tôi hỏi sao bác không ở nhà, theo chờ Phi về khuya trời lạnh lắm. Bà cười hiền nói, đêm hôm tối tăm trên đó xuống đây xa, có mẹ con chuyện trò với nhau theo đường đỡ trống vắng, chớ rủi có điều gì… Phi là lao động chính làm nuôi cả nhà mà! Tôi nửa đùa nửa thật nói với bà, vậy bác là cộng tác viên đắc lực của cộng tác viên đài nhé.
Khi vào phòng cách âm thực hiện thu chính thức, một số bài thơ phải diễn đi diễn lại nhiều lần mới đạt yêu cầu. Có bài do thể loại thơ khó ngâm, nhưng cũng có bài đàn sáo và giọng ngâm còn lòi xòi, lại cũng có bài do nội dung thơ tác giả sáng tác quá xúc động khiến Xuân Hương mau nước mắt, không thể hiện tiếp được, phải hoán đổi cho giọng nam Đình Phú.
Đó là trường hợp bài “Làng Phú Thạnh” của nhà thơ Thanh Quế. Sau này tôi hỏi cô ấy, sao hôm phân bài này em đồng ý. Cô nói bình thường tập không sao nhưng đến đây thu thanh trong đêm tĩnh lặng, cộng hưởng tiếng đàn tiếng sáo dìu dặt, đã vậy tới đoạn cuối bài thơ cảm thấy tác giả tự trách và ăn năn với quê hương, nước mắt nhà thơ như chảy vào trong. “Đến chỗ đó em chịu hết nổi, mắt nhòa, nghẹn giọng không ngâm được nữa!”, Xuân Hương chia sẻ.
Đấy, những sự cố này không có trong phương án dự phòng, rất tốn thời gian. Do vậy, việc thu in kéo dài quá nửa đêm mới xong. Tuy nhiên mọi người ra về đều vui mừng vì đã vượt qua những sự cố, cuối cùng vẫn hoàn thành mỹ mãn để “Tiếng thơ giao thừa” tết đầu tiên sau tái lập tỉnh đến với thính giả tỉnh nhà.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313165/-tieng-tho-giao-thua--tet-dau-tien-tai-lap-tinh.html