Tiếng Việt giàu đẹp: Ăn thép, bú thép
Có nhiều từ trong tiếng Việt, qua thời gian đã không còn phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, chỉ lưu lại trong ca dao, tục ngữ, các áng văn chương. Ta gọi đó là những từ Việt cổ, dù chưa chắc nó xuất hiện sớm nhất trong tiếng Việt nhưng đã mất đi trong thời đại @ này hoặc xuất hiện nhưng đã mang nghĩa khác.
Thí dụ, hãy đọc câu thơ: "Đã chắc là con thép tính cha/ Thế tình âu cũng dạy qua loa" - Phan Khôi chép trong quyển "Chương Dân thi thoại" (1936). Thơ hay nhưng liệu người đọc có hiểu? Tương tự, trong vở tuồng cải lương "Hạng Võ biệt Ngu Cơ" (1927), nhà văn Trần Phong Sắc viết: "Ăn cơm thép chẳng hổ mình chịu dở/ Uốn lưỡi gươm không sợ chúng cười ngây". Dấu vết của "thép" còn tìm thấy trong câu ca dao: "Em tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn".
Vậy thế nào là "thép"?
"Từ điển Việt-Bồ-La" (1651) giải thích: "Được nuôi dưỡng bằng của bố thí hay dư thừa của người khác". Bú thép là bú nhờ, ăn thép là ăn nhờ, nói thép là nhờ người khác nói giúp… Theo nghĩa bóng, thép còn là từ dùng để chỉ sự tinh luyện, thành thục, đâu ra đó, chớ hòng du di, chệch choạc - thể hiện qua các câu như "làm việc quan có thép", "ăn nói có thép" mà "Việt Nam tự điển" (1931) đã ghi nhận. Trải theo năm tháng, từ thép hiểu theo nghĩa này và nghĩa nhờ, giúp chẳng còn ai nhớ đến. Tất nhiên, nó cũng không còn được sử dụng nữa.
Với từ thép, nhiều người vẫn còn nhớ đến cuốn sách "gối đầu giường" của thế hệ thanh niên một thời: "Thép đã tôi thế đấy". Thép ở đây là "Hợp kim của sắt với các-bon và một số nguyên tố khác, trong đó hàm lượng các-bon dưới 2%" - "Đại từ điển tiếng Việt" giải thích.
Thép còn có nhiều nghĩa khác, chẳng hạn "Nay ở trong thơ nên có thép" - ta hiểu là nội dung phải mạnh mẽ, mãnh liệt, tràn trề sức sống. Ăn nói đanh thép là chỉ những ai diễn đạt chặt chẽ, lập luận thuyết phục, chứng cứ xác đáng, khó có thể bắt bẽ. Từ điển "Việt - Hoa - Pháp của Gustave Hue" (1937) còn ghi nhận "Đôi mắt thép" (Deux yeux durs), có phải cụm từ này dùng để chỉ những ai có cái nhìn cương nghị, sáng quắc, trực tính, nhìn thấu tâm can người đối diện?
Liên quan đến thép, có câu đối: "Miệng nhà quan có gang, có thép/ Đồ kẻ khó vừa nhọ, vừa thâm".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/tieng-viet-giau-dep-an-thep-bu-thep-20220806204111979.htm