TIẾNG VIỆT GIÀU ĐẸP: 'Bát ô-tô' từ đâu ra?

Nhà văn Vũ Bằng có lần viết về bạn văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: Anh em thân của Tam cho biết lúc ở Tàu, trời lạnh, Tam thường mua từng bát ô-tô rượu để uống, nhưng vì rượu nhiều quá, mà lại nặng nên anh phải bịt mũi, nhắm mắt lại để uống như đàn bà, con trẻ sợ thuốc Bắc mà cứ phải nhắm mắt, bịt mũi lại để uống cho xong chuyện (Tạp chí Văn số 156, chủ đề Hoài niệm Nhất Linh ra ngày 15-6-1970).

Trong đoạn này, có cụm từ đang gây tranh cãi: "bát ô-tô", liệu có liên quan gì đến… xe ô-tô không?

Tất nhiên là không.

Cái bát, vốn quen thuộc với người Việt, bất kỳ ai cũng thấy và từng sử dụng nhưng tại sao loại bát to sâu lòng lại "chết tên" như vậy?

"Bát ô-tô" từ đâu ra? (Ảnh minh họa từ Internet)

"Bát ô-tô" từ đâu ra? (Ảnh minh họa từ Internet)

Gần đây, một chuyên mục bàn về tiếng Việt trên mạng xã hội đã tham khảo bài viết trên tạp chí "Tia Sáng" số ra ngày 16-5-2016 của tác giả Hoàng Hồng Minh, bài viết này giải thích: "Rất có thể là người ta đã gọi món xúp gốc Pháp "pot-au-feu" (đọc là "pô-tô-phơ") thành ra "ô-tô phở" (lược mất chữ "p" vốn không tồn tại trong tiếng Việt sau này), rồi thì đơn giản hóa nữa ra thành "tô phở" (lược mất chữ "po" khó phát âm). Rồi thì sau đó nữa, chữ "ô-tô" hay chữ "tô" được nôm na hiểu thành ra là "cái bát to để ăn món xúp này", "bát ô-tô", hay bát "tô", hay "tô" để ăn món xúp đó nay đã được gọi gọn lại là món… phở".

Ở đây, chúng tôi không tranh luận, trao đổi về nguồn gốc tên gọi về món ăn là phở, chỉ kết luận cách lý giải về bát ô-tô như trên hoàn toàn không thuyết phục, chỉ là sự suy diễn mơ hồ, không có một chứng cứ gì rõ rệt.

Tập sách "Nguyễn Công Hoan - nhà văn hiện thực lớn" (NXB Hội Nhà văn -1993) do Lê Minh biên soạn, trong đó, cha đẻ nhân vật Kép Tư Bền giải thích: "Loại bát lớn dùng để đựng canh mà thành rộng thoai thoải dần, chứ không thắt hẹp vào, gọi là bát ô-tô. Nguyên do là những ấm, chén, bát đĩa v.v… mà dáng dấp hơi giống nhau thì để phân biệt, ta đặt tên nó bằng cái hình vẽ ở thành để trang trí nó, ví dụ chén có vẽ hình con sông và cái thuyền, và đề câu thơ sông Vị Thủy, thì gọi là chén Vị Thủy. Lọ vẽ tám nàng tiên thì ta gọi là lọ bát tiên. Bát ô-tô là bát có vẽ bến Cô Tô, có chùa Hàn Sơn và có thuyền đậu ở đó. Thơ đề là:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch là:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Theo câu thơ ấy, ta gọi loại bát ấy là bát cô tô, rồi sau mới nói chệch là bát ô-tô" (tr.352-353). Cách lý giải này chính xác. Đúng là thế. Tên gọi ban đầu là bát Cô Tô, "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) ghi nhận: "Bát thành Cô-tô làm ra. Bát lớn mà khéo". Loại bát to như thế này, về sau làm bằng sắt tráng men, bên trong màu trắng, ngoài xanh lá cây thì bộ đội lại đặt cho cái tên mới là "bát B.52".

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/tieng-viet-giau-dep-bat-o-to-tu-dau-ra-20230506205854892.htm