Tiếng Việt thuộc top 25 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất thế giới
Trong số 25 ngôn ngữ này, tiếng Việt xếp thứ 21 với hơn 77 triệu người trên toàn thế giới sử dụng.
Bảng xếp hạng này được InsiderMonkey tham khảo dữ liệu của Ethnologue. Đây là nhà cung cấp dữ liệu về ngôn ngữ trong hơn 15 năm qua. Hơn 88% dân số trên thế giới được tổ chức này đề cập trong danh sách Ethnologue 200, dựa trên ngôn ngữ đầu tiên hoặc ngôn ngữ thứ hai.
InsiderMonkey xếp hạng 25 ngôn ngữ theo tổng số người nói tiếng bản ngữ, người sử dụng ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ thứ hai. Qua đó, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất với khoảng 1,3 tỷ người. Tiếng Hán phổ thông xếp thứ hai với 1,12 tỷ người trên thế giới sử dụng.
Theo sau đó là tiếng Hindi (600 triệu người), tiếng Tây Ban Nha (543 triệu người) và tiếng Arab (274 triệu người), lần lượt xếp thứ ba, thứ tư, thứ năm.
5 ngôn ngữ phổ biến khác lọt top 10 lần lượt là: Tiếng Bengal (268 triệu người); tiếng Pháp (267 triệu người); tiếng Nga (258 triệu người); tiếng Bồ Đào Nha (258 triệu người); tiếng Urdu (230 triệu người).
Tiếng Việt là ngôn ngữ xếp thứ 21 trong danh sách lần này. Theo thống kê, hơn 77 triệu người trên thế giới sử dụng tiếng Việt, phần lớn cư trú tại Việt Nam, một phần nhỏ phân bố rải rác ở nhiều nơi trên thế giới.
Tiếng Pháp không phải ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng nó là ngôn ngữ chính thức của 29 quốc gia. 79,6 triệu người sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ thứ nhất, 187,4 triệu người khác sử dụng như ngôn ngữ thứ hai.
Tại Canada, tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính thức. Riêng ở Quebec, 85.4% người dân địa phương dùng tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ.
InsiderMonkey nhận định tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất, nhưng con người nên học nhiều ngôn ngữ khác, bên cạnh tiếng Anh. Biết nhiều thứ tiếng mang lại cho con người nhiều cơ hội học tập và làm việc, đồng thời phát triển các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân và nền văn hóa.
Ví dụ, Canada ưu tiên cho nhóm người nhập cư có thể nói tiếng Pháp. Tương tự, bạn có thể nâng cao cơ hội việc làm cho các công ty châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản bằng cách học ngôn ngữ của địa phương, quốc gia đó.
Chia sẻ với Zing, PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, InsiderMonkey thực hiện xếp hạng và có tham khảo dữ liệu của Ethnologue, một ấn bản mang tên “Ethnologue: Languages of World (tạm dịch: Dân tộc học: Các ngôn ngữ của thế giới).
Ấn bản này có thống kê các dữ liệu công bố 4 năm một lần về ngôn ngữ của cả nhân loại. Đây là trang thông tin quen thuộc, có truyền thống, xuất bản từ năm 1951.
Giới Ngôn ngữ học có khái niệm “bản đồ ngôn ngữ” (language atlas) và “bản đồ phương ngữ” (dialect atlas).
Muốn vẽ được 2 bản đồ này, các nhà ngôn ngữ phải khảo sát, điều tra và thống kê số lượng cư dân nói ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ nào là ngôn ngữ thứ hai, trong cùng một ngôn ngữ có bao nhiêu phương ngữ và mỗi phương ngữ có bao nhiêu người nói (phân bố theo các vùng địa lý, theo đặc thù cư dân). Đây là công việc phức tạp và phải có một phương pháp khảo sát hợp lý của Ngôn ngữ học xã hội.