Tiếng vọng sân trường

Có một loài hoa luôn đem lại cảm xúc rạo rực cho tuổi học trò khi tiếng ve rộn rã trong màn nắng lụa chang chang thắp lên màu rực đỏ từ sáng đến chiều trên các nẻo đường từ làng quê đến ngõ phố, từ công viên đến sân trường, làm rung động hàng triệu con tim: vấn vương, lưu luyến, bồi hồi, xôn xao... Tên khoa học là delonix regia, âm Hán Việt gọi là phượng vĩ (鳳尾) vì lá của nó xếp giống đuôi chim phượng, còn một tên nữa hết sức thân thương là hoa học trò.

Tiếng vọng sân trường

Hoài niệm

Hồi tôi dạy học ở trường THPT Phan Bội Châu, hàng năm, đến dịp tổng kết năm học, hiệu trưởng giao cho tôi nhiệm vụ trang trí sân lễ. Tôi hội ý với học trò, làm sân khấu sao cho mọi người nhìn vào cảm nhận được sự lưu luyến chia tay – cuộc chia tay trong sáng mà nồng nàn, ly biệt mà ấm áp. Chiều hôm ấy, em lớp trưởng lớp tôi chủ nhiệm lấy xe kéo cột vào xe honda, chở một cành hoa phượng lớn từ trên quê xuống, khi gắn lên chiếm gần nửa sân khấu. Câu khẩu hiệu “Tổng kết năm học” thấp thoáng trong màu rực đỏ của hoa. Chỉ thế thôi mà sáng hôm sau các bạn học sinh vừa bước chân vào sân trường để chuẩn bị cho lễ tổng kết bỗng dưng cảm thấy bồi hồi, dấy lên một niềm xao động. Không cần nói lời chia tay cũng đã thấy chia tay, chưa nghe đánh giá kết thúc năm học cũng đã thấy mình trưởng thành theo năm tháng. Một số thầy cô hỏi tôi, ai trang trí sân khấu ? Tôi nói học trò. Hồi ấy chưa có điện thoại di động, iPhone, iPad để chụp hình, chỉ có vài em mượn được đâu đó chiếc máy ảnh, thế là các bạn khác tíu tít chạy đi mua film để dùng cho máy ảnh cơ, chứ chưa có loại máy ảnh kỹ thuật số như ngày nay, nhờ chụp cho được hình ảnh của mình đứng dưới bóng hoa phượng trên sân khấu – mà hình trắng đen chứ chưa phải hình màu, để làm kỷ niệm. Hình ảnh hoa học trò ấy không chỉ khắc ghi ấn tượng cho tuổi trẻ tháng ngày đi học, mà vấn vương theo suốt đời người ở nhiều tầng lớp. Có lần gặp một bác sĩ ở tuổi 72, chị nói, mỗi khi thấy cây phượng ở đường phố trước nhà vừa bung nở, tự nhiên thấy lòng rộn lên một niềm cảm xúc lâng lâng lạ thường, tưởng chừng như tuổi trẻ lại về quanh quẩn đâu đây, thấy đời dễ thương dễ mến.

Hiệu ứng domino phản cảm

Vừa rồi, có cây phượng lão trong sân trường, qua một đêm mưa, sáng hôm sau bỗng dưng bật gốc ngã đổ, đè học sinh, 1 em tử vong, 17 em bị thương phải đưa đi viện. Thật thương tâm và đau xót. Thế rồi mấy ngày sau, không biết lệnh từ đâu, không riêng địa phương nào, phượng trong sân trường, phượng trên đường phố, lần lượt bị đốn hạ. Gọi việc làm đó là thể hiện trách nhiệm, là để bảo vệ môi trường an toàn không gây thương tích cho học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, tuổi thọ của phượng chỉ trong vòng 30 - 40 năm thì lụi tàn, mục ruột, mục rễ, ngã đổ gây nguy hiểm. Nên không chỉ chặt phượng trong sân trường, mà đốn hạ nhiều phượng rất đẹp trên lề đường. Điều đó đã dấy lên một làn sóng phản ứng từ phía cộng đồng mạng.

Tôi hỏi một kỹ sư lâm nghiệp. Anh nói việc tróc gốc ngã đổ của cây còn nhiều yếu tố, trong đó có việc trồng và chăm sóc. Nhiều nơi muốn nhanh có bóng mát, mua những cây to cao chặt cành lá, bứng gốc đem về trồng để vài ba năm sau có được cành lá sum sê. Trồng kiểu ấy nếu không theo dõi gia cố, bảo vệ, thì sau những trận mưa, đất nhão, loại cây nào cũng có thể tróc gốc ngã đổ, chứ không riêng gì phượng. Gia cố không có nghĩa là bê tông hóa gốc cây, mà phải mở rộng phần đất trống để cây thở. Tuổi thọ của cây cũng từ đó mà ra, chứ đâu phải nhất nhất 30 hay 40 năm. Nghe nói đến đây, tôi nhớ chưa đầy 1 năm trước, 1 cây xà cừ lão trên đường Trần Hưng Đạo, gần trước cổng UBND tỉnh, bỗng dưng tróc gốc ngã đổ xuống đường, may không gây thương tích người qua lại. Vừa rồi, không hiểu tính toán thế nào, ở đường Lê Hồng Phong, người ta chặt đốn những cây phượng đang nở hoa, còn những cây xà cừ cành nhánh chênh vênh bên đường vẫn không đụng đến!

Trách nhiệm là thế

Một số thầy cô chuyển cho tôi những tấm ảnh chụp cây phượng nở hoa rực rỡ được nhà trường cho đóng cọc, gia cố gốc rễ, tạo độ vững chắc cho cây. Tôi gọi hỏi thầy hiệu trưởng, thầy nói gia cố bảo vệ cho cây nhà trường đã làm từ lâu rồi, chứ không phải khi có hiện tượng cây ngã đè học sinh mới làm, mà tất cả những cây trong sân trường có cành tán cao, đều gia cố bảo vệ, chứ không riêng gì phượng. Cây bóng mát sân trường phải gầy dựng chăm sóc gần 20 năm nay mới có được, trồng mới khó, chứ chặt đốn thì rất dễ. Tôi nghĩ, sự phòng vệ như thế mới gọi là trách nhiệm.

Võ Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/tieng-vong-san-truong-128251.html