Tiếp bài 'Sống mòn bên mỏ đá': Tổ chức đối thoại, yêu cầu các chủ mỏ khắc phục những hạn chế
Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài 2 kỳ 'Sống mòn bên những mỏ đá, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương, làm rõ những nội dung báo nêu. Trong chiều 13/4, UBND xã Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy) đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa đại diện 3 mỏ đá và gần 60 hộ dân bị ảnh hưởng nhằm tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, đảm bảo an toàn đời sống cho người dân.
Trước đó, vào ngày 29/3 và ngày 30/3, Báo Đại Đoàn Kết đã đăng tải loạt 2 kỳ ‘Sống mòn' bên những mỏ đá - Bài 1: Hệ lụy khôn lường và bài cuối: Nhiều vi phạm cần làm rõ.
Sau khi báo đăng, ngày 6/4, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Công văn số 4597 giao Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Cẩm Thủy và các ngành, đơn vị có liên quan, khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung bài báo nêu, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết và kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/5.
Ngày 13/4, được sự chỉ đạo của UBND huyện Cẩm Thủy, UBND xã Cẩm Quý đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp khai thác đá và nhân dân nhằm tìm ra giải pháp khắc phục các vấn đề trong hoạt động khai thác đá, đồng thời, đưa những ý kiến của người dân tới doanh nghiệp.
Thành phần tham dự gồm có lãnh đạo UBND huyện Cẩm Thủy, đại diện phòng TNMT, phòng Kinh tế Hạ tầng, phòng LĐTBXH, Đội CSGT Công an huyện… cùng đại diện Công ty CP sản xuất và thương mại Tự Lập (DN Tự Lập), Công ty TNHH Hoàng Nhân (DN Hoàng Nhân), Công ty TNHH Anh Tuấn (DN Anh Tuấn) và 60 hộ dân ở thôn Quý Long.
Đại diện cho phía người dân, bà Đặng Thị Hà, Bí thư Chi bộ thôn Quý Long cho biết: Từ khi 3 mỏ đá đi vào hoạt động, việc đồng áng, sản xuất của nhân dân gặp khó khăn do con mương đi qua các mỏ bị doanh nghiệp đổ đá thải chặn dòng chảy. Ngoài ra, bụi đá từ hoạt động xay nghiền và vận chuyển còn làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của nhân dân. Đối với nguồn nước thải tại các mỏ và xưởng đá, đã bị doanh nghiệp xả xuống khe rồi đổ vào ruộng của nhân dân. Từ đây, cây trồng kém năng suất, thậm chí, nhiều vụ mùa, người dân gần như không có thu hoạch…
Đối với hoạt động nổ mìn, tiếng nổ quá to, gây rung chấn, ồn ào, đá từ trên núi nhiều lần văng xuống cánh đồng, văng vào nhà dân làm bể mái ngói, thủng mái tôn, làm nứt nhà dân. Trong sản xuất, các công ty hoạt động nhiều ngày tới 20 – 21h tối khiến người dân không yên tĩnh để nghỉ ngơi. Về kho mìn, nằm chỉ cách nhà dân hơn 20m, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, rất nguy hiểm. Trong hoạt động vận chuyển, nhiều xe trọng tải lớn loại 4 chân, 6 chân có dấu hiệu quá khổ, quá tải thường xuyên vào lấy đá, khi di chuyển ra đường thì làm rơi vãi đá, gây mất an toàn giao thông.
“Về việc con mương bị chặn dòng, đề nghị các mỏ đá khơi thông lại dòng chảy, không được xả nước thải ra mương, ra cánh đồng của nhân dân. Đối với người lao động chưa có hợp đồng, chưa được đóng bảo hiểm, đề nghị các Công ty quan tâm, đảo bảo quyền lợi cho người lao động”, bà Hà trình bày.
Tại hội nghị, một số hộ dân như các ông, bà: Cao Viết Đình; Cao Văn Sơn; Cao Đức Sách; Quách Văn Long; Bùi Văn Tuân; Quách Thị Thắng; Cao Thị Tuyến… đã trình bày những phản ánh, kiến nghị về ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động khai thác tới gia đình trong nhiều năm qua.
Trung tá Cao Việt Hùng, Đội phó đội CSGT Công an huyện Cẩm Thủy cho biết, về phản ánh của nhân dân về tình trạng xe quá khổ, quá tải chở đá rơi vãi trên đường thì đúng là vẫn còn tồn tại trên địa bàn. Theo Trung tá Hùng, việc phải quản lý địa bàn rộng nhưng lực lượng mỏng nên lực lượng CSGT khó có thể kiểm soát hết mọi phương tiện lưu thông. Trung tá Hùng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tăng cường tiến hành nhiều ca tuần tra về kích thước thành thùng, tải trọng của các xe tải lấy hàng tại các mỏ đá.
Trả lời kiến nghị của nhân dân, đại diện DN Anh Tuấn, DN Tự Lập, DN Hoàng Nhân cho biết: Về bụi do hoạt động vận tải, các DN sẽ họp bàn và sẽ triển khai tưới nước thường xuyên để giảm thiểu ảnh hưởng tới người dân và môi trường. Về các xe chở quá khổ, quá tải, các DN cho rằng, nên yêu cầu các đơn vị vận tải ký cam kết, không được làm rơi vãi ra đường. Đối với kho nổ mìn nằm gần nhà dân, phía DN cho rằng là do đã được các cơ quan chức năng phê duyệt vị trí cụ thể, nên không thể thay đổi được. Việc nhiều nhà dân gần mỏ đá bị nứt, 3 DN cho rằng, phải có sự vào cuộc, đánh giá từ đoàn liên ngành có chuyên môn. Với hoạt đông khai thác quá giờ, các DN cho rằng, đây chỉ là vấn đề hạn hữu do máy xúc cố làm nốt việc để kịp xong đơn hàng cho khách.
“Các mỏ đá ở đây thì định kỳ 1 năm các cơ quan chức năng cũng về kiểm tra ít nhất 2 lần. Làm ăn ở đây, chúng tôi xác định phải sống hòa thuận, đảm bảo lợi ích cho nhân dân. Vì vậy, nếu trong quá trình hoạt động còn có gì sai sót, gây ảnh hưởng đến bà con thì mong mọi người góp ý, kiến nghị, chúng tôi hứa sẽ sửa chữa, khắc phục…”, đại diện DN Anh Tuấn nói.
Kết luận hội nghị, ông Trương Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho biết, các ý kiến của người dân sẽ được tổng hợp đầy đủ để chính quyền và doanh nghiệp đưa ra giải pháp xử lý, nếu vượt quá thẩm quyền, xã sẽ báo cáo cơ quan cấp trên.
Ông Phong đề nghị, sau hội nghị này, 3 DN phải xử lý ngay một số vấn đề nằm như thông tin thời gian nổ mìn, giờ làm việc, số điện thoại của DN… vào một biển hiệu rồi đặt trước lối đi vào các mỏ. Nếu nổ mìn không đúng được thời gian, phải báo cáo Trưởng thôn và chính quyền để có hướng xử lý.
Về việc nhà dân bị nứt, ông Phong khẳng định: Các cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc để đánh giá, kiểm tra. Đối với việc mương nước phục vụ tưới tiêu bị vùi lấp, ông Phong cho biết sẽ trực tiếp đi kiểm tra vào thứ 3 tuần sau (tức ngày 18/4). Với vấn đề an toàn lao động, ông Phong mong muốn DN và người lao động quan tâm về vấn đề bảo hiểm, phải đảm bảo an toàn, đầy đủ đồ bảo hộ cho công nhân khi khoan lỗ mìn trên vách núi. Về tiếng ồn, ông Phong đề nghị các DN không làm quá thời gian quy định.
“Với chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, xã sẽ làm hết trách nhiệm của mình, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng tới xây dựng xã Cẩm Quý phát triển bền vững”, ông Phong khẳng định.
Kết thúc hội nghị, ông Trương Đình Phong gửi lời cảm ơn tới Báo Đại Đoàn Kết đã có những phản ánh kịp thời, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân tới các cấp có thẩm quyền, từ đó, địa phương có cơ sở để làm việc với các doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn đời sống nhân dân.
Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi nhận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra nội dung báo Đại Đoàn Kết phản ánh, Sở Tài nguyên môi trường đã phối hợp với Sở Công Thương; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; UBND huyện Cẩm Thủy; UBND xã Cẩm Quý cùng đại diện 3 doanh nghiệp tổ chức họp tại trụ sở UBND xã Cẩm Quý và đi thực địa tại 3 mỏ đá vào lúc 9h ngày 12/4. Tuy nhiên, do ngày 12/4 có mưa nên đoàn liên ngành đã hoãn việc họp và đi kiểm tra.
Sau khi có kết quả từ cuộc họp và kiểm tra từ đoàn liên ngành, báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.