Tiếp bước cha anh xây dựng quê hương
Trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, lớp lớp thanh niên Tiền Giang đã từ giã gia đình, người thân để lên đường theo tiếng gọi 'sơn hà nguy biến'. Là thế hệ không trực tiếp cầm súng trong những ngày đất nước còn 'bom gầm đạn rú', thế hệ trẻ Tiền Giang lớn lên trong niềm tự hào của một đất nước độc lập, tự do. Họ đang ngày đêm hăng say lao động, miệt mài cống hiến trên tất cả các lĩnh vực, góp phần làm giàu đẹp quê hương…
Hiện tại, Tiền Giang có 3 trí thức được vinh danh “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu toàn quốc”, 124 trí thức được vinh danh “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu cấp tỉnh” và hơn 100 tiến sĩ được vinh danh.
TIẾN SĨ Y KHOA NGUYỄN VĂN DŨNG
Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1975 tại xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 2000, anh tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược Cần Thơ. Sau ra trường, anh học chuyên khoa sơ bộ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).
Từ năm 2002 đến nay, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, năm 2024, anh Dũng vinh dự nhận Bằng Tiến sĩ (TS) Y khoa với đề tài “Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến tử vong và tái phát sau đột quỵ thiếu máu não”.
Nghiên cứu này của TS Y khoa Nguyễn Văn Dũng giúp xác định được những yếu tố gây tử vong và tái phát sau khi xuất viện của bệnh nhân đột quỵ. Điều này sẽ giúp các bác sĩ chủ động trong điều trị cũng như dự phòng, từ đó giảm được tỷ lệ tử vong và tái phát cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Dũng hạnh phúc khi được làm công việc mình đam mê là chăm sóc sức khỏe người dân.
Chia sẻ về lý do chọn nghề Y, TS Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Tôi chọn ngành Y bởi ảnh hưởng từ mẹ tôi rất nhiều. Lúc còn nhỏ, mỗi khi trong xóm có ai bệnh hoặc mất do bệnh tật, mẹ tôi thường đến thăm hoặc chia buồn. Khi về nhà, mẹ tôi thường kể cho tôi nghe về bệnh tình của họ, rồi luôn ước muốn “giá như xóm mình có bác sĩ thì đỡ biết mấy”.
Trong những câu chuyện hằng ngày, mẹ tôi thường kể về hình ảnh người bác sĩ với áo blue trắng, nói năng nhỏ nhẹ, hết sức tử tế, tay nghề giỏi, cứu được rất nhiều người. Và không biết từ bao giờ, trong tôi lại ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ để được làm những việc tốt giống như ước muốn của mẹ tôi. Ước mơ ấy trong tôi cứ lớn dần theo năm tháng và cuối cùng đã trở thành hiện thực”.
Có trình độ và năng lực tốt nhưng TS Nguyễn Văn Dũng vẫn chọn “ở lại” với bệnh viện công vì một lý do rất tình người. Anh chia sẻ: “Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang hơn 20 năm và trong ngần ấy thời gian, tôi đã được các bác, các anh, chị đi trước truyền đạt những kinh nghiệm quý báu trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống.
Những lúc khó khăn nhất, tôi được đồng nghiệp sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ. Ngược lại, những lúc thuận lợi nhất, tôi được tạo bệ phóng để thành công. Và cũng chính tại bệnh viện này đã giúp tôi trưởng thành hơn, được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới.
Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là nơi luôn đầy ắp tình yêu thương, ấm áp tình đồng nghiệp. Và hơn hết, khi công tác tại bệnh viện, tôi được phục vụ cho bà con mình, quê hương mình, đó là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời này”.
Là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong hòa bình, “non sông thu về một mối”, với TS Nguyễn Văn Dũng đó là điều may mắn. “Tôi luôn tự nhủ rằng cuộc sống yên bình và thịnh vượng này không phải tự nhiên mà có.
Nó được đánh đổi bởi mồ hôi, nước mắt, tuổi trẻ và cả tính mạng của các thế hệ cha ông đi trước đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù để giành lại độc lập, tự do, cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.
Tôi quan niệm rằng, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng đất nước không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vinh dự. Từng cá nhân nỗ lực và cống hiến hết mình sẽ giúp cho đất nước phát triển mạnh mẽ.
Trách nhiệm này không cần phải là những điều quá lớn lao, mà có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, như hết lòng vì bệnh nhân, làm việc có trách nhiệm, giữ gìn đạo đức, tỉnh táo trước những cám dỗ ngoài xã hội và quan trọng nhất là nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Bản thân tôi luôn trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành người có ích cho xã hội để xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước”, TS Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
VỢ CHỒNG “9X” ĐAM MÊ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Bằng niềm đam mê với cây trồng, vợ chồng anh Ngô Hùng Vũ (sinh năm 1993) và chị Bùi Thị Kim Thanh (sinh năm 1992), hiện đang sinh sống ở ấp Bình Thọ Trung, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo. Anh Vũ - chị Thanh đã khởi nghiệp và biến đam mê của mình thành sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao.

Anh Ngô Hùng Vũ (thứ 2 từ trái sang) thuyết minh về các sản phẩm của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Phát với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang.
Vợ chồng anh Vũ thành lập Cơ sở sản xuất cây giống - cây cấy mô 5Q vào năm 2019. Anh Vũ và chị Thanh đều là cán bộ của Viện Cây ăn quả miền Nam, nên hiểu được nông dân trong canh tác thường gặp khó khăn về chất lượng nguồn giống và giá cả.
Nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng giống cây trồng nên anh, chị đã ứng dụng những kiến thức tích lũy được để lập nghiệp và mong muốn giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc chọn nguồn giống.
Nghĩ là làm, vợ chồng anh Vũ đầu tư hơn 2 tỷ đồng để thành lập cơ sở sản xuất với phòng thí nghiệm cấy mô, các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học và mô hình nhà lưới khép kín. Chị Thanh còn mạnh dạn xin nghỉ công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam để tập trung toàn thời gian vào công tác nghiên cứu giống cây trồng.
Sau 4 năm thành lập, cơ sở của vợ chồng anh Vũ - chị Thanh đã có hơn 30 loại cây được nhân giống thành công với số lượng lớn như: Hoa lan, kiểng lá, cúc, chuối, khóm, tre…
Theo anh Vũ, để sản xuất cây cấy mô yêu cầu thời gian và kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất. Hiện tại, quy trình sản xuất cây cấy mô của cơ sở áp dụng gồm các bước: Nhập mẫu, cấy nhân chồi, cấy chuyền, cây ra rễ, ra ngôi cây, cây con.
Tùy theo giống và loại cây mà quy trình có thể kéo dài từ 12 tháng đến 3 năm để có lô sản phẩm thành phẩm đưa ra thị trường.
“Hệ thống nhà kính và vườn ươm cây giống của cơ sở tôi hiện nay được khép kín. Trong đó, các nhà kính, nhà ươm được trang bị hệ thống cảm biến và quạt tự động để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, giúp tôi dễ dàng kiểm soát được các bước sản xuất.
Mặt khác, tùy theo loại cây mà yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cũng khác nhau nhằm tránh làm biến dị, giảm chất lượng các loại cây giống nông nghiệp như cây khóm; hoặc cây yêu cầu sử dụng kỹ thuật để biến thiên tạo ra các sản phẩm mới như hoa lan”, anh Vũ cho biết.
Hoa lan phi điệp là sản phẩm chủ lực được anh Vũ - chị Thanh tâm đắc nhất. Nhận thấy nhu cầu thị trường về loại lan này lớn nên vợ chồng anh Vũ đã tập trung sản xuất giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô. Cây giống lan phi điệp nuôi cấy mô được các vườn lan, hội chơi lan trong và ngoài tỉnh Tiền Giang yêu chuộng, cơ sở đã xuất hàng chục ngàn sản phẩm cây giống ra thị trường.
Song song việc kinh doanh, Cơ sở sản xuất cây giống - cây cấy mô 5Q còn chuẩn hóa quy trình sản xuất thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm lan phi điệp nuôi cấy mô đã được UBND huyện Chợ Gạo công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 11-2023.
Đặc biệt, lan phi điệp nuôi cấy mô là một trong những sản phẩm đầu tiên về cây giống được công nhận trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Bằng tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, anh Vũ - chị Thanh còn tập trung nghiên cứu thêm nhiều cách làm mới. Ngoài cây lan phi điệp, việc áp dụng sản xuất các loại cây giống khác bằng các quy trình sản xuất và công nghệ, giúp uy tín sản xuất giống của cơ sở được nâng cao.
Qua đó, anh chị đã nghiên cứu và ứng dụng thành công Quy trình nhân giống khóm MD2 bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật Invitro.
Quy trình này giúp xây dựng năng lực sản xuất giống mới phục vụ sản xuất; đa dạng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; chuyển đổi giống phù hợp thổ nhưỡng đã được cải tạo; cung cấp giống khóm MD2 sạch bệnh nhằm phát triển vùng nguyên liệu khóm MD2 trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.
Quy trình nhân giống khóm MD2 bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật Invitro được áp dụng hiệu quả nên vào tháng 4-2024, Cơ sở sản xuất cây giống - cây cấy mô 5Q được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Tiền Giang công nhận sản xuất giống đầu dòng giống khóm MD2.
Tháng 12-2024, quy trình này được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang công nhận là mô hình sáng kiến, ý tưởng mới tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024”.
Tháng 5-2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Phát được thành lập từ Cơ sở sản xuất cây giống - cây cấy mô 5Q của anh Vũ - chị Thanh trong xu thế đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực, gia tăng chuỗi giá trị liên kết và chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao.
Trong năm 2024, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Phát đã sản xuất khoảng 1 triệu cây khóm giống MD2 để cung cấp cho vùng trồng ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) và dự kiến nâng cao số lượng sản phẩm trong thời gian tới khi có một số đơn vị ngoài tỉnh ngỏ ý đặt hàng.
Năm 2025, HTX tiếp tục nghiên cứu thành công Quy trình nhân giống tre khổng lồ Dendrocalamus Giganteus bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật Invitro.
“Vợ chồng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước đã hòa bình, thống nhất. Chứng kiến sự phát triển của đất nước, tôi và vợ luôn nỗ lực tham gia vào công cuộc phát triển quê hương bằng chính kiến thức của mình.
Từ đó, với chung niềm đam mê nông nghiệp, vợ chồng tôi đã từng bước thực hiện thành công hoài bão của mình. Trong thời gian tới, vợ chồng tôi dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng và ra mắt thêm 2 sản phẩm OCOP trong năm 2025 và xây dựng vùng trồng bưởi, dừa hướng tới xuất khẩu”, anh Vũ chia sẻ.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202505/tiep-buoc-cha-anh-xay-dung-que-huong-1041716/