Úc thay đổi chính sách xét duyệt visa du học, cần thêm những gì để thuận lợi nhập học?

Từ năm nay, chính phủ Úc đã đưa ra những chính sách mới trong việc xét duyệt thị thực (visa) du học. Dù nhiều trường đã có các chính sách hỗ trợ, kiến nghị trực tiếp với Chính phủ nhưng không ít khó khăn vẫn đặt ra.

Tài chính tối thiểu 500 triệu, IELTS dưới 6.0 gặp nhiều rủi ro

Theo Bộ Nội vụ Úc, từ ngày 10/5/2024, các quy định về phí xét thị thực, yêu cầu tài chính tối thiểu và chứng minh tài chính gia đình thay đổi. Yêu cầu tối thiểu về số dư sổ tiết kiệm trong quy trình cấp visa du học sẽ tăng khoảng 21%, từ 24,505 AUD/năm (gần 410 triệu đồng) lên 29,710 AUD/năm (gần 497 triệu đồng). Ngoài ra, phí xét thị thực cũng tăng từ 710 AUD (khoảng 12 triệu đồng) thành 1,600 AUD (gần 27 triệu đồng).

Chi tiết các quy định mới về tài chính của Úc với sinh viên quốc tế.

Chi tiết các quy định mới về tài chính của Úc với sinh viên quốc tế.

Từ 1/7/2024, việc chuyển đổi thị thực cũng bị hạn chế. Các trường hợp đến Úc bằng visa du lịch, tốt nghiệp tạm thời không được phép chuyển đổi sang visa du học. Sau dịch COVID-19, Chính phủ nước này ghi nhận hơn 36.000 người đến Úc theo visa du lịch rồi tìm cách ở lại nhờ vào chuyển đổi thành visa du học từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/5/2024. Trong khi đó, số lượng sinh viên quốc tế ở lại Úc bằng thị thực sinh viên lần hai trở lên (chuyển từ visa tốt nghiệp tạm thời) đã tăng hơn 30% lên hơn 150.000 vào năm học 2022 - 2023. Trước tình trạng này, các quy định mới được kỳ vọng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng chuyển đổi thị thực và hạn chế các lỗ hổng về di trú tại Úc.

Về phía sinh viên, các đơn xin visa du học sẽ được đánh giá theo quy định GS (Genuine Student) thay cho GTE (Genuine Temporary Student) như trước đây. Các câu hỏi theo yêu cầu GS tập trung vào 4 nội dung chính, gồm: Cung cấp chi tiết về hoàn cảnh hiện tại của ứng viên (mối quan hệ với gia đình, cộng đồng, việc làm, tài chính); giải thích lý do ứng viên muốn du học tại Úc, trình bày chi tiết kế hoạch học tập trong và sau khóa học...

Tất cả phải được trả lời bằng tiếng Anh, tối đa 150 chữ mỗi câu hỏi. Về tiếng Anh, điều kiện xin visa du học cũng tăng mức điểm IELTS từ 5.5 lên 6.0.

Yêu cầu về mức điểm IELTS tối thiểu cho từng loại thị thực cũng tăng 0.5 mỗi mục.

Yêu cầu về mức điểm IELTS tối thiểu cho từng loại thị thực cũng tăng 0.5 mỗi mục.

Trước các thay đổi này, chị Vannessa Trần (chuyên viên tư vấn, hỗ trợ du học) cho biết, tất cả các thay đổi trên đều hướng đến mục tiêu chọn lọc ứng viên kỹ hơn và tránh các hồ sơ thiếu trung thực.

Chẳng hạn, các câu hỏi về chứng minh thu nhập theo quy định của GS buộc các ứng viên phải lý giải chi tiết, cụ thể nguồn gốc thu nhập của gia đình thay vì chỉ cần đưa ra mức thu nhập như lúc trước. Ngoài ra, việc trả lời các câu hỏi trong đơn xin thị thực cũng phù hợp với việc Chính phủ Úc nâng mức điểm IELTS vì các ứng viên có kỹ năng ngôn ngữ dưới 6.0 rất khó để trả lời các câu hỏi này một cách mạch lạc.

Mặt khác, việc thay đổi về tài chính nói chung cũng gia tăng áp lực tài chính cho gia đình. Chẳng hạn, yêu cầu tối thiểu về số dư sổ tiết kiệm chạm ngưỡng 500 triệu đồng, mức thu nhập của người bảo lãnh tài chính phải đảm bảo trên 88.000 AUD (hơn 1,5 tỷ đồng)/năm sau thuế, một mức chi phí rất cao so với mặt bằng chung tại Việt Nam.

Trường "ra tay tương trợ", kiến nghị thay đổi để bảo vệ sinh viên quốc tế

Giữa bối cảnh Chính phủ nước này thắt chặt các yêu cầu về thị thực, tài chính của du học sinh, nhiều trường đại học ở Úc đã có các chính sách hỗ trợ ứng viên. Ngày 18/7, ĐH Monash (bang Victoria, Úc) đã đề xuất các sửa đổi quan trọng về giải quyết thị thực và nhập cư cho sinh viên quốc tế tại nước sở tại. Đề xuất của ĐH Monash bao gồm các khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường khung pháp lý và các thỏa thuận phù hợp với từng trường để quản lý việc tuyển sinh sinh viên quốc tế một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, đối với các trường hợp bị trì hoãn do thị thực, trường cũng dời ngày nhập học sau 2 tuần.

ĐH Monash đã có các kiến nghị để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên quốc tế. Ảnh: Website trường.

ĐH Monash đã có các kiến nghị để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên quốc tế. Ảnh: Website trường.

"Nhiều đại học đã tiến hành tổ chức học online, dời thời hạn hoặc kỳ nhập học, xét tuyển hồ sơ nhập học ngay từ đầu để nâng cao khả năng đậu thị thực... cho các sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, các hỗ trợ này cũng tồn tại rủi ro. Ví dụ, đối với việc dời kỳ nhập học (từ kỳ chính vào tháng 2, tháng 7 sang kỳ phụ tháng 10) có thể sẽ khiến học bổng của teen "không cánh mà bay" hoặc cần thêm nhiều hồ sơ, thủ tục để được giữ lại học bổng", chị Vanessa Trần cho biết thêm.

Teen "lên dây cót" chuẩn bị hành trang du học sớm nhất có thể

Minh Hạnh (21 tuổi, sinh viên tại ĐH Sydney) chia sẻ, nếu teen và gia đình đã có dự định du học Úc trong tương lai, các chuẩn bị để đảm bảo đủ điều kiện học lực cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Kiến thức tiếng Anh vững vàng không chỉ giúp teen đạt điểm IELTS mong muốn, chọn được các đại học uy tín mà còn có thể thuận lợi qua vòng xét duyệt thị thực.

Hoàng Quân (21 tuổi, sinh viên ĐH Swinburne, Úc) cho biết: "Việc chuẩn bị hồ sơ tài chính minh bạch, thu nhập rõ ràng và ổn định từ phía gia đình sẽ là hành trang quan trọng giúp teen an tâm học hành, khám phá văn hóa nước bạn. Ngoài ra, việc tìm kiếm một đối tác hỗ trợ du học uy tín cũng sẽ giúp teen hạn chế rủi ro, giảm các chi phí phát sinh không cần thiết."

Trước loạt thay đổi về chính sách thị thực đến từ Úc, các du học sinh tương lai sẽ cần chuẩn bị hành tranh du học từ sớm. Ngoài ra, việc "nằm vùng" trong các hội nhóm du học, làm quen với các địa chỉ tư vấn du học uy tín cũng là cách để teen "hạ cánh" an toàn và thuận lợi du học tại đất nước này.

Bảo Ngọc

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/uc-thay-doi-chinh-sach-xet-duyet-visa-du-hoc-can-them-nhung-gi-de-thuan-loi-nhap-hoc-post1657847.tpo