Tiếp cận đầy đủ thông tin để hiểu rõ sản phẩm quảng cáo

Trước tình trạng một số người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không đúng sự thật thời gian qua, ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội, kỳ vọng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nếu được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, sẽ vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ người có ảnh hưởng khỏi những rủi ro không đáng có trong hoạt động quảng cáo.

Rõ quyền, rõ nghĩa vụ

- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dành một khoản riêng quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 3, Điều 15a). Điều này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh thời gian qua một số người nổi tiếng bị xử phạt do quảng cáo không đúng sự thật, thưa bà?

- Người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, kinh doanh bởi họ có thể tạo ra hoặc dẫn dắt xu hướng tiêu dùng cho một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nhất là những sản phẩm mới. Công chúng thường tin tưởng vào những lời giới thiệu của người nổi tiếng vì họ nghĩ rằng những người này ngoài tên tuổi, uy tín trong sự nghiệp, còn phải gánh vác trách nhiệm xã hội nên không thể nói sai. Nhưng thực tế là trong nhiều trường hợp, cho dù vô tình hay hữu ý thì người có ảnh hưởng vẫn quảng cáo sai sự thật, gây ra hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới lòng tin của công chúng đối với một loại sản phẩm, ngành sản xuất, một lĩnh vực hoạt động, thậm chí là một địa phương nào đó.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Thái Bình

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Thái Bình

Do vậy, rất cần thiết phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi tham gia hoạt động quảng cáo để bảo vệ người tiêu dùng, cũng chính là bảo vệ người có ảnh hưởng khỏi những rủi ro không đáng có trong hoạt động quảng cáo và hoạt động nghề nghiệp.

- Dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, nhưng một số ý kiến cho rằng quy định chưa tường minh. Theo bà, có cần quy định cụ thể hơn cho khái niệm “người có ảnh hưởng” không?

- Đối với nội dung này, pháp luật về quảng cáo dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không quy định cụ thể, bao gồm cả luật và nghị định hướng dẫn chi tiết. Tuy vậy, tôi cũng đồng tình với nhận định rằng “người có ảnh hưởng” đang được quy định khá định tính. Nếu định lượng được là tốt nhất, nhưng cũng không dễ. Ví dụ, đối với người nổi tiếng trên mạng, có thể tính bằng số lượng người theo dõi, nhưng đối với các nghệ sĩ, diễn viên, dẫn chương trình truyền hình hay phát thanh… thì định lượng như thế nào? Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý để có quy định cụ thể hơn nếu có thể được.

- Dự thảo Luật quy định người có ảnh hưởng phải xác minh độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Nhưng làm thế nào để kiểm tra, giám sát việc người có ảnh hưởng đã xác minh, hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ mà mình quảng cáo hay chưa?

- Dự thảo Luật đang quy định người có ảnh hưởng khi giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì phải sử dụng hoặc hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ đó. Nhưng có cần kiểm tra, giám sát việc một người nổi tiếng đã hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ hay chưa khi thực hiện hoạt động quảng cáo, tôi xin được phân tích thêm.

Chúng ta đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, chuyển dần từ tiền kiểm là chính, sang hậu kiểm là chính. Nhà nước sẽ quy định tất cả nghĩa vụ người nổi tiếng phải thực hiện khi tham gia hoạt động quảng cáo, và họ phải tuân thủ. Nếu họ thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật thì Nhà nước mới xử lý việc họ không thực hiện nghĩa vụ tìm hiểu rõ về sản phẩm trước khi quảng cáo. Còn trong trường hợp bình thường, Nhà nước sẽ không thể kiểm tra, giám sát hết được người nổi tiếng đã hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ mà họ quảng cáo hay chưa.

- Với quy định người có ảnh hưởng phải thông báo trước về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo thì sao, thưa bà?

- Hiện nay thực tiễn hoạt động quảng cáo được thực hiện bởi các hình thức hết sức đa dạng, phong phú. Người nổi tiếng có thể quảng cáo bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể chỉ là một bài đăng nhỏ trên trang cá nhân, hoặc clip có kịch bản, nội dung không liên quan nhưng kết hợp giới thiệu sản phẩm, hàng hóa. Có những hoạt động quảng cáo phát sinh lợi nhuận, nhưng cũng có những quảng cáo không vì lợi nhuận. Đối với các hoạt động được xác định là quảng cáo, Nhà nước sẽ quản lý về nội dung, để bảo đảm nội dung quảng cáo là đúng, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục; quản lý về thời lượng, khả năng bật, tắt nếu không muốn xem và nếu phát sinh doanh thu, sẽ phải nộp thuế. Như vậy, yêu cầu phải thông báo trước về việc thực hiện hoạt động quảng cáo là để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và sự quản lý của Nhà nước.

Trước khi quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, người nổi tiếng phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ đó. Nguồn: https://cand.com.vn/

Trước khi quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, người nổi tiếng phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ đó. Nguồn: https://cand.com.vn/

Tìm hiểu kỹ sản phẩm, dịch vụ quảng cáo

- Tại phiên thảo luận đầu Kỳ họp thứ Chín, có đại biểu đề xuất siết chặt hơn, theo hướng người nổi tiếng chuyên môn liên quan tới sản phẩm, dịch vụ mới được quảng cáo. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Ở vai trò người tiêu dùng, tôi cho rằng nếu được như vậy thì quá lý tưởng, chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào mọi lời quảng cáo của người nổi tiếng, vì họ có chuyên môn. Tuy vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên quy định cấm như vậy. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, việc tham gia hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng là hoạt động thương mại chân chính và có ý nghĩa tích cực. Chúng ta cần phải ủng hộ, khuyến khích hoạt động quảng cáo như một ngành kinh tế, đó là một trong những ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo và sự tham gia của những người nổi tiếng có tác dụng rất lớn.

- Để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo, tránh rủi ro có thể xảy ra, nên quy định cơ chế hỗ trợ thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước không? Thực tế, nhiều người nổi tiếng chuyển tải đúng thông tin trong hồ sơ sản phẩm, nhưng sau đó sản phẩm bị phát hiện là hàng giả?

- Tôi cho rằng yêu cầu này là hợp lý và chính đáng. Trong trường hợp người có ảnh hưởng thực hiện hoạt động quảng cáo mà chưa thực sự yên tâm với những thông tin, tài liệu mà mình được cung cấp thì hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin chính thức về doanh nghiệp, về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Luật Tiếp cận thông tin quy định quyền của công dân được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Nếu những thông tin mà công dân yêu cầu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật riêng tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm cung cấp. Nội dung này được quy định khá cụ thể trong Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành về trình tự, trách nhiệm của các bên…

- Nếu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được thông qua tại kỳ họp này, bà có khuyến cáo nào tới những người nổi tiếng khi tham gia hoạt động quảng cáo, nhất là các nghệ sĩ?

- Chúng tôi mong rằng ngày càng có nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia hoạt động quảng cáo để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các địa phương, của Việt Nam. Nhưng trước khi giới thiệu về bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, hãy tìm hiểu kỹ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ đó để thực hiện trách nhiệm với xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, cũng là bảo vệ chính mình.

- Xin cảm ơn bà!

Nhật Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tiep-can-day-du-thong-tin-de-hieu-ro-san-pham-quang-cao-10373100.html