Tiếp cận kiến thức quản trị kinh doanh, công nghệ số để làm giàu từ đầm tôm

'Tôi thường xuyên nói với mấy chị em trong thôn là: cứ bắt đầu từ những gì mình có, học thêm, làm từ từ rồi cũng sẽ được. Mình làm được thì người khác cũng làm được', chị Mai Thị Nga (chủ đầm tôm ở Nga Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ về hành trình vươn lên, từ một nông dân trở thành một nữ doanh nhân của mình.

 Chị Mai Thị Nga dành nhiều thời gian và tâm sức cho đầm tôm của mình ở quê hương Nga Sơn

Chị Mai Thị Nga dành nhiều thời gian và tâm sức cho đầm tôm của mình ở quê hương Nga Sơn

Khi mặt trời vừa ló rạng trên vùng đất ven biển xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cũng là lúc chị Mai Thị Nga bắt đầu ngày mới bên những ao tôm rộng lớn. Công việc tưởng chừng lặp đi lặp lại suốt nhiều năm nay ấy lại chính là bệ phóng đưa chị – một phụ nữ thôn quê - trở thành chủ nhân của mô hình nuôi tôm công nghiệp tiêu biểu, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và truyền động lực cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế.

Tần tảo giữ đầm tôm ở rìa biển Nga Sơn

Chị Mai Thị Nga, sinh năm 1971, là một trong những hộ dân đầu tiên tại xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa mạnh dạn theo đuổi nghề nuôi tôm. Xuất phát điểm là những ao đầm nhỏ với hình thức nuôi quảng canh truyền thống, thiếu kiến thức, kỹ thuật và thiết bị, chị và chồng đã không ít lần đối diện với thất bại. "Có năm nước ao bị ô nhiễm, tôm chết trắng cả đầm, thiệt hại tính bằng chục triệu, mình chỉ biết ngồi nhìn rồi khóc", chị nhớ lại.

Nhưng thay vì bỏ cuộc, chị xoay xở và học hỏi từ mọi chỗ. Chị mạnh dạn vay vốn từ tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, tham gia vào các lớp tập huấn, tìm đọc tài liệu để đầu tư công nghệ mới. Từng bước chị đã chuyển đổi từ mô hình nuôi thủ công sang nuôi tôm công nghiệp hiện đại. Năm 2015, sau hơn một thập kỷ gắn bó, chị quyết định lót bạt đáy ao, xây nhà kính, sử dụng máy sục oxy, máy đo độ pH, máy lọc nước và các thiết bị chuyên dụng khác. Mỗi vụ thu hoạch là một lần chị nghiệm lại bài học cũ, điều chỉnh quy trình kỹ thuật để đạt kết quả tốt hơn.

Hình ảnh vựa tôm của chị Nga đang trong quá trình thau rửa bể để làm sạch, chuẩn bị cho đợt nuôi tôm mới

Hình ảnh vựa tôm của chị Nga đang trong quá trình thau rửa bể để làm sạch, chuẩn bị cho đợt nuôi tôm mới

Nuôi tôm, với nhiều người, chỉ là một nghề nông nghiệp mang tính thời vụ. Nhưng với chị Nga, đó là một hành trình không có chỗ cho sự lơ là. "Tôm rất nhạy cảm với môi trường nước. Chỉ cần một đêm nước đổi màu là cả vụ có thể mất trắng. Vậy nên tôi hầu như không có ngày nghỉ, cả ngày lẫn đêm đều phải để mắt đến đầm", chị chia sẻ.

Có những hôm giữa đêm mưa bão, chị đội đèn pin ra kiểm tra máy sục oxy. Có ngày nắng đổ lửa, chị vẫn túc trực bên bể xử lý nước để đảm bảo nguồn nước sạch cho ao tôm. Ngoài việc chăm sóc tôm, chị còn tự tay chế biến thức ăn từ nguyên liệu sẵn có như rau xanh, cám gạo, cá tạp – vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động được nguồn dinh dưỡng sạch.

Sự tần tảo ấy không chỉ đến từ tình yêu nghề, mà còn từ khát vọng bền bỉ: làm chủ kinh tế, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn, và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Mỗi đồng lợi nhuận làm ra không dễ dàng, nhưng lại đong đầy bằng mồ hôi, công sức và cả những đêm dài không ngủ.

Những con tôm mang lại sự đổi thay kinh tế cho chị Nga

Những con tôm mang lại sự đổi thay kinh tế cho chị Nga

Không ngừng học hỏi và nắm bắt cơ hội để làm giàu

Nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại và quy trình nuôi bài bản, hiện nay đầm tôm của chị cho doanh thu ổn định khoảng 250 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại ở làm giàu cho gia đình, chị Nga còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương và 3 lao động thời vụ, góp phần tăng thu nhập và sinh kế cho người dân trong thôn.

Hơn thế, chị còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hộ lân cận từng bước tiếp cận mô hình nuôi tôm hiện đại. "Tôi thường xuyên nói với mấy chị em trong thôn là: cứ bắt đầu từ những gì mình có, học thêm, làm từ từ rồi cũng sẽ được. Mình làm được thì người khác cũng làm được", chị nói bằng chất giọng mộc mạc.

Mô hình của chị hiện được đánh giá là có khả năng nhân rộng cao tại các vùng ven biển khác, nhờ phù hợp với quy hoạch nông nghiệp địa phương và tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có như kênh mương, đất nông nghiệp, lao động nông thôn. Đặc biệt, chị đã góp phần thúc đẩy phong trào chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp hóa trong nuôi trồng thủy sản - một hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế nông thôn hiện đại.

Một trong những bước ngoặt lớn trong hành trình của chị Nga là khi chị tham gia vào dự án "Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi" - một sáng kiến nhằm hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp phát triển bền vững. Tại đây, chị được tiếp cận với các lớp đào tạo về quản trị kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, marketing, và đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong sản xuất.

"Tôi học được nhiều điều, nhất là cách suy nghĩ về kinh doanh không chỉ là nuôi tôm, mà còn là cách phát triển nó lâu dài, chuyên nghiệp hơn. Họ dạy mình cách theo dõi tài chính, tính toán chi phí lời lỗ và cả làm thương hiệu", chị chia sẻ.

Chị Mai Thị Nga nhận Giải Nhất Giải thưởng Phát triển Kinh doanh tháng 5/2025

Chị Mai Thị Nga nhận Giải Nhất Giải thưởng Phát triển Kinh doanh tháng 5/2025

Với thành tích nổi bật, mô hình của chị đã được vinh danh Giải Nhất trong Giải thưởng Phát triển kinh doanh đợt 2 của dự án. Đây không chỉ là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cá nhân chị, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tư nhân và nông nghiệp bền vững.

Sức mạnh từ sự kiên cường

Không dùng những mỹ từ để kể về mình, chị Mai Thị Nga chỉ lặng lẽ sống với đầm tôm, cần mẫn như con ong, con kiến. Nhưng chính ở sự lặng lẽ đó lại toát lên một nguồn năng lượng mạnh mẽ – thứ đã giúp chị vượt qua bao thất bại, gian nan để từng bước làm chủ nghề, làm chủ kinh tế, và làm chủ cuộc sống.

Giữa những thách thức của biến đổi khí hậu, cạnh tranh thị trường và rủi ro dịch bệnh, mô hình của chị vẫn duy trì ổn định – bởi đằng sau đó là cả một triết lý sống: không ngại thay đổi, luôn học hỏi, và kiên trì đến cùng.

Ở một vùng quê ven biển tưởng như bình lặng, hành trình bền bỉ của người phụ nữ nhỏ bé ấy lại là tấm gương truyền cảm hứng – rằng phụ nữ không chỉ "giỏi việc nước, đảm việc nhà", mà còn có thể trở thành những "người giữ đất" mới, bằng chính đôi tay và khối óc của mình.

Thu Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tiep-can-kien-thuc-quan-tri-kinh-doanh-cong-nghe-so-de-lam-giau-tu-dam-tom-20250522150206473.htm