Tiếp cận nguồn tài chính xanh là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp
Trước nhu cầu chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, tiếp cận nguồn tài chính xanh để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững đang là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.
Ngày 28/6 tại TP Đà Lạt, thông qua Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do USAID tài trợ, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ KH&ĐT) phối hợp Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, đã tổ chức hội thảo “Xanh hóa doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cục phát triển doanh nghiệp, cho biết, hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trước tác động đó, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang diễn ra mạnh mẽ. Các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế carbon, công cụ kiểm chứng cacbon đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, xu hướng toàn cầu về tài chính xanh đang ngày càng rõ ràng với sự gia tăng đáng kể trong việc đầu tư vào các dự án bền vững. Các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong các khía cạnh liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của các nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư.
Nhiều quốc gia và khu vực đã áp dụng các chính sách và quy định khuyến khích tài chính xanh, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư xanh. Ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm tài chính xanh, như trái phiếu xanh và quỹ đầu tư bền vững. Sự chuyển dịch này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra cơ hội sinh lời háp dẫn cho các nhà đầu tư.
“Như vậy có thể thấy, trước bối cảnh và xu thế không thể đảo ngược về phát triển xanh, phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động thay đổi, chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong quá trình đó, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn sẽ là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, đổi mới sáng tạo xanh là điều tất yếu và cần sự chung tay của nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt và tiên phong.
Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Cơ quan quản lý đã từng bước đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng hội thảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp) đổi mới sáng tạo xanh, mở rộng quy mô hàng hóa và dịch vụ, giúp doanh nghiệp tham gia thị trường mới, cải thiện sức khỏe và an toàn lao động, giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng cao của thị trường mở cửa.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển mình để phát triển theo hướng bền vững, nhằm giữ được những thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt – Lâm Đồng. Xanh hóa doanh nghiệp là vấn đề mỗi doanh nghiệp cần làm và phải làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần sự hướng dẫn của ngành chức năng và sự hỗ trợ về nguồn vốn để không chỉ phục vụ công việc mở rộng, phát triển kinh doanh, mà còn có thể thực hiện những dự án hướng tới phát triển kinh doanh bền vững.
“Vấn đề là làm thế nào, đầu tư ra sao để vừa bảo đảm được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, vừa tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho mô hình kinh doanh mà vẫn đóng góp vào sự phát triển bền vững cho kinh tế Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung”, bà Nguyễn Thị Bích Huệ mong hội thảo giải bài toán này cho cộng đồng doanh nghiệp.
Với 5 chủ đề liên quan và các phiên thảo luận trực tiếp, hội thảo “Xanh hóa doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng” đã giúp cho doanh nghiệp Lâm Đồng có cái nhìn tổng thể về xu hướng xanh hóa, bức tranh tổng quan và xu hướng của tài chính xanh ở Việt Nam.
Đồng thời nắm bắt các cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nông nghiệp. Hiểu rõ những điều kiện cần chuẩn bị để có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh khác nhau.
Trong gần 3 năm qua, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGB) thông qua các gói hỗ trợ về mở rộng thị trường, ứng dụng số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiến cận các nguồn tài chính.
Tính đến nay, đã có hơn 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhận được các loại hình hỗ trợ kỹ thuật khác nhau của IPSC thông qua gần 50 khoa đào tạo cơ bản, chuyên sâu, các chương trình đào tạo, tư vấn và các sự kiện kết nối.