Tiếp cận thông tin quốc tế qua Thế giới và Việt Nam

Từ một độc giả trung thành thuở tiền thân đến cộng tác viên của Thế giới và Việt Nam, một trong những tờ báo đối ngoại hàng đầu Việt Nam, là hành trình tiếp cận tri thức, thông tin quốc tế nhiều kỷ niệm của tôi.

Lễ hòa mạng báo Quốc Tế, ngày 29/11/2000. (Ảnh tư liệu TGVN)

Lễ hòa mạng báo Quốc Tế, ngày 29/11/2000. (Ảnh tư liệu TGVN)

Từ“làm quen” đến“người quen”

Gần 20 năm tham gia nghiên cứu chiến lược rồi làm trợ lý cho cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chuyên trách công tác đối ngoại, nghiên cứu dự báo tình hình thế giới là một trong những công việc thường ngày của tôi.

Cuối những năm 1980, thông tin quốc tế chưa cập nhật rộng rãi. Phạm vi công tác ít có điều kiện tiếp xúc với chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế. Tài liệu “gối đầu giường” là các bản tin lưu hành nội bộ và một số cuốn sách, bài viết trong và ngoài nước, khiến việc nghiên cứu dự báo chiến lược khó như đếm sao trên trời.

Trong hoàn cảnh khan hiếm tư liệu ấy, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, Tuần báo Quốc tế, Báo Quốc tế, sau này là Báo Thế giới và Việt Nam, mở cho tôi một kênh thông tin đối ngoại chính thức, tin cậy, đa dạng về chuyên mục, phong phú, toàn diện, sâu sắc về nội dung, cách chuyển tải thông tin hấp dẫn, thu hút, vừa cập nhật vừa chuyên sâu. Qua công việc và báo, tôi có điều kiện tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn với cán bộ, đại sứ, chuyên gia ngoại giao…, nguồn tri thức, kho tư liệu bổ ích, phong phú về quốc tế và đối ngoại.

Với những thông tin, tư liệu về tình hình thế giới, khu vực, dự báo xu hướng, đối tượng, đối tác và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thế giới và Việt Nam trở thành người bạn đồng hành, chuyên gia tin cậy trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia biên soạn văn kiện chiến lược quốc phòng, quân sự.

Lòng tin cậy, yêu mến, trân quý thôi thúc tôi từ một bạn đọc trung thành muốn được hiện diện, dù chỉ là một hạt cát trong “Ngôi nhà Thế giới và Việt Nam”.

Được trao đổi, gợi ý về chủ đề, chuyên mục, năm 2020, tôi có những bài viết đầu tiên trên Thế giới và Việt Nam về phân tích thời sự, bình luận chính trị, quân sự quốc tế và đối ngoại. Dù có duyên nợ viết báo từ những năm 1980, nhưng sự ngưỡng mộ với “người Ngoại giao” và Thế giới và Việt Nam, khiến tôi vẫn hồi hộp trông chờ “đứa con tinh thần” của mình trên tờ báo yêu mến.

Qua biên tập, bài đăng thêm chuẩn chỉ về câu chữ, tiêu đề, thêm sâu với lời bình, dẫn nguồn của Ban biên tập, tươi mới, hiện đại về trình bày với những hình ảnh minh họa “đắt giá”. Là kênh thông tin đối ngoại chính thống, Báo vẫn có “con mắt xanh”, đồng cảm, thấu hiểu với góc nhìn riêng về một số vấn đề được coi là “nhạy cảm”. Khi cần thiết, ban thư ký trao đổi riêng, tránh “độ vênh” cả về nội dung và thời điểm.

Tôi dần góp mặt nhiều hơn trên báo điện tử, báo in, số chuyên đề và số báo Xuân. Số lần hiện diện cũng đến hàng trăm. Hành trình nhiểu kỷ niệm từ thuở làm quen đến một cộng tác viên càng khiến tôi tâm huyết với công việc hơn, muốn gắn bó lâu dài với Thế giới và Việt Nam.

Một bài viết của TS. Vũ Đăng Minh trên báo điện tử Thế giới và Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Một bài viết của TS. Vũ Đăng Minh trên báo điện tử Thế giới và Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Sức sống ba lăm năm và những kỳ vọng

Báo Thế giới và Việt Nam đã trải qua một hành trình dài, xây dựng, phấn đấu, trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt những dấu mốc đáng tự hào, được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Qua đánh giá của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức Việt Nam và quốc tế có liên quan, Báo tạo dựng được uy tín, bản sắc và thương hiệu, trở thành kênh thông tin chính thức, vừa đa dạng, vừa chuyên sâu về chính trị quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam; khẳng định vững chắc chỗ đứng trong làng báo, vai trò xung kích, nòng cốt trên “mặt trận thông tin đối ngoại”.

Sự tin cậy của lãnh đạo, tổ chức, sự yêu mến của bạn đọc trong và ngoài nước là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Báo Thế giới và Việt Nam không ngừng phấn đấu, tiếp tục vươn tới những cột mốc mới.

Thành tựu ba mươi lăm năm qua là bệ phóng, hành trang quý báu trong chặng đường tiếp theo với những yêu cầu mới, cao hơn, nhiều thử thách hơn. Đất nước chuẩn bị bước vào kỉ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên của chuyển đổi số, chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công nghệ số, thông tin số…

Kỷ nguyên mới đòi hỏi tư duy mới, tầm nhìn mới, nhận thức, cách tiếp cận mới và hành động mạnh mẽ, khẩn trương, chính xác hơn. Bằng lòng với hiện tại, giữ trạng thái, tốc độ như trước đây là tụt hậu với thời đại, với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Làng báo nói chung, Thế giới và Việt Nam nói riêng, không nằm ngoài xu thế đó. Cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự nhạy bén, lòng nhiệt huyết và chuyên môn nghiệp vụ giỏi; không né tránh chủ đề khó, địa bàn, vấn đề phức tạp; kịp thời phát hiện vấn đề, phân tích, kiến giải và đề xuất phương hướng, giải pháp.

Có như vậy, Báo mới thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin chính thống, tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, làm cầu nối giữa Việt Nam với thế giới; tạo được độ phủ thông tin sâu rộng hơn, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, với lòng quý mến của bạn đọc.

Ba mươi lăm năm là độ tuổi vừa trẻ trung, sáng tạo, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, vừa bản lĩnh. Từ kết quả những năm qua, nhìn vào đội ngũ hôm nay, có cơ sở để kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của Thế giới và Việt Nam trong chặng đường tiếp theo.

* Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu, Viện Chiến lược Quốc phòng.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-can-thong-tin-quoc-te-qua-the-gioi-va-viet-nam-294239.html