Tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh theo diễn biến của dịch
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 7 cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine, khả năng cung ứng về thuốc điều trị.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, sáng nay (12/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Bộ KH&ĐT) đã tiếp tục trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề kế hoạch và đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
7 cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh, khôi phục nền kinh tế
Tại phiên chất vấn ngày 11/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đã đặt vấn đề đó là, các cơ sở để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, như dòng vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung cấp hàng hóa đứt gãy, đòi hỏi Chính phủ vừa phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, vừa phải có những giải pháp ưu tiên. Trong đó, nguồn lực ngân sách đang khó khăn nên Việt Nam khó triển khai được các gói kích thích nền kinh tế như nhiều quốc gia khác.
ĐBQH đoàn Hải Dương đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, đề nghị Bộ trưởng cho biết cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ 7 cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ nhất là, tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine, khả năng cung ứng về thuốc điều trị. Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Từ đó, chủ động xây dựng kịch bản, phương án để đối phó.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Thứ hai là, khi xây dựng chính sách thì xây dựng theo hướng mở, để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.
Thứ ba, vừa hỗ trợ thực hiện để phục hồi nhanh trong ngắn hạn, vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược, các kế hoạch 5 năm, trong dài hạn.
Thứ tư, các chính sách phải đảm bảo mục tiêu cao nhất là ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: An toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát…
Thứ năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết là, các chính sách phải hướng tới phát động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.
Cuối cùng là, phải có các nhóm giải pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ đảm bảo hiệu quả và phải đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chương trình.
Công cụ quan trọng nhất là theo dõi về diễn biến về giá cả, nợ xấu
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó dự báo, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao tác động đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đặt câu hỏi: Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Chính phủ và Bộ KH&ĐT đã xây dựng các giải pháp, kịch bản gì để ứng phó với các diễn biến phức tạp này, quản trị được các rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
Thông tin đến đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp cận vấn đề nêu trên theo 2 kịch bản là “không có chương trình phục hồi” và “có chương trình phục hồi”.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ 2 kịch bản nêu trên sẽ xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản. “Bộ đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ chính sách về tài khóa và tiền tệ như thế nào? Khả năng huy động phân bổ, sử dụng, và hấp thụ của nền kinh tế ra sao?. Về quan điểm, đó là phải mạnh dạn hơn để phối hợp phát triển kinh tế, phục hồi hoạt động kinh tế, đặc biệt là phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp”, ông Dũng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kịch bản cũng hướng đến việc vừa tăng trưởng, vừa tăng quy mô GDP của nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách Nhà nước, vừa tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn về nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: “Công cụ quan trọng nhất là phải theo dõi về diễn biến về giá cả, nợ xấu… Điều chỉnh, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để giảm áp lực cho lạm phát. Bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu; đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả và mang tính dẫn dắt để kích hoạt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia”.