Tiếp nhận người không chuyên trách làm công chức khi đủ tiêu chuẩn

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là một trong các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các tỉnh ủy, thành ủy và UBND các tỉnh, thành về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp, Bộ Nội vụ lưu ý nếu cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ việc ngay thì cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định nghỉ việc và được hưởng ngay chính sách, chế độ theo Nghị định số 178.

Về sắp xếp, bố trí sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Bộ Nội vụ cho biết Ban chỉ đạo của Chính phủ đã có định hướng một số nội dung bố trí, sắp xếp.

Chính phủ ban hành Nghị định số 170 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó có quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là một trong các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận theo quy định.

Trình tự chuyển đổi thôn, tổ dân phố và đổi tên thôn, tổ dân phố

Theo đó, trình tự chuyển đổi thôn, tổ dân phố và đổi tên thôn, tổ dân phố tại đơn vị cấp xã mới hình thành sau sắp xếp theo quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Bộ Nội vụ đã hướng dẫn cụ thể về nội dung này, trong đó, trước mắt giữ nguyên các thôn, tổ dân phố tại các đơn vị hành chính cấp xã (mới) đến khi có quy định mới của Chính phủ. Việc xác định loại hình tổ chức cộng đồng dân cư tại đơn vị cấp xã (mới) thực hiện theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cụ thể, việc tổ chức thôn, tổ dân phố thực hiện như sau: thôn được tổ chức ở xã, đặc khu (dưới xã, đặc khu là thôn); tổ dân phố được tổ chức ở phường (dưới phường là tổ dân phố).

Trường hợp đặc khu được công nhận loại đô thị theo quy định của pháp luật (đặc khu Phú Quốc) thì dưới đặc khu là tổ dân phố.

Trường hợp sáp nhập, điều chỉnh xã, thị trấn với phường để thành lập phường (mới): tổ chức thống nhất các tổ dân phố ở phường (mới).

Trường hợp sáp nhập, điều chỉnh thị trấn với xã để thành lập xã (mới): tổ chức thống nhất các thôn ở xã (mới).

Bộ Nội vụ nêu rõ Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND cấp xã có thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố.

Với việc chuyển đổi thôn thành tổ dân phố hoặc tổ dân phố thành thôn: UBND cấp xã (mới) lập danh sách các thôn cần chuyển đổi thành tổ dân phố hoặc danh sách tổ dân phố cần chuyển đổi thành thôn trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.

Với việc đổi tên thôn, tổ dân phố do trùng tên: UBND cấp xã (mới) xây dựng phương án, lấy ý kiến cử tri là đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố. Nếu được trên 50% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý, UBND cấp xã hoàn thiện phương án trình HĐND cấp xã xem xét, quyết định.

Trường hợp các tỉnh, thành đã thực hiện việc chuyển đổi thôn, tổ dân phố hoặc đổi tên thôn, tổ dân phố do trùng tên tại các đơn vị hành chính cấp xã (mới) hình thành sau sắp xếp năm 2025 trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành thì không thực hiện lại các nội dung nêu trên.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiep-nhan-nguoi-khong-chuyen-trach-lam-cong-chuc-khi-du-tieu-chuan-2419131.html