Tiếp nhận sinh phẩm phục vụ điều tra, giám sát bệnh bạch hầu do CDC Hoa Kỳ viện trợ
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm đủ 4 liều vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ dưới 2 tuổi trong 5 năm trở lại đây trên qui mô toàn quốc đạt 80-90%. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Chiều nay 22/11, tại Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Bộ Y tế đã diễn ra lễ trao tặng sinh phẩm để điều tra và giám sát bệnh bạch hầu do CDC Hoa Kỳ viện trợ.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, thường xuất hiện tản phát hoặc gây ra các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi do không được tiêm vaccine hoặc chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vaccine.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm đủ 4 liều vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ dưới 2 tuổi trong 5 năm trở lại đây trên qui mô toàn quốc đạt 80-90%. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Các ca bệnh tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang. Đa số trường hợp mắc (có kết quả xét nghiệm dương tính) là ở trẻ lớn và người lớn từ 6 tuổi trở lên chiếm 87,8%.
GS.TS Phan Trọng Lân khẳng định chẩn đoán phòng thí nghiệm được coi là ưu tiên số một trong việc xác định chính xác, kịp thời tác nhân gây bệnh để đưa ra các biện pháp phòng chống và điều trị hiệu quả.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ TW về việc tiếp nhận sinh phẩm để thực hiện xét nghiệm phát hiện gen độc tố của vi khuẩn bạch hầu bằng kỹ thuật real-time PCR. do CDC Hoa Kỳ viện trợ, Viện đã phối hợp chặt chẽ với CDC Hoa Kỳ, các Vụ/Cục Bộ Y tế để làm thủ tục tiếp nhận số sinh phẩm viện trợ này. Ngày 19/11/2023, số sinh phẩm này đã về đến hải quan và bàn giao cho Viện.
"Hiện nay các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đều có năng lực trong việc xét nghiệm chẩn đoán Bạch hầu, việc sinh phẩm sẵn có tại Viện sẽ có thể chuyển và hỗ trợ các tỉnh khi có ca bệnh để các tỉnh có thể kịp thời chẩn đoán và khoanh vùng ổ dịch tại địa phương"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hòa Kỳ tại Việt Nam cho hay, để hỗ trợ Việt Nam ứng phó nhanh chóng với cuộc điều tra bệnh bạch hầu và tăng cường giám sát bệnh bạch hầu ở ba tỉnh phía Bắc, CDC Hoa Kỳ đang tài trợ bằng hiện vật các vật tư xét nghiệm quan trọng cho Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, thông qua nguồn Thuốc thử Quốc tế của CDC (IRR), để thực hiện xét nghiệm PCR nhằm phát hiện bệnh bạch hầu. Những mặt hàng trong phòng thí nghiệm này có thể được sử dụng để thực hiện xét nghiệm PCR thời gian thực cho tối đa 1.250 mẫu.
"CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật toàn diện để tăng cường năng lực phòng thí nghiệm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và NIHE để hỗ trợ nhận hàng hóa thí nghiệm từ IRR của CDC, không chỉ cho bệnh bạch hầu, mà còn cho các mầm bệnh khác để hỗ trợ giám sát các bệnh truyền nhiễm quan trọng đang diễn ra như các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine và cúm, cũng như để sử dụng trong quá trình điều tra ổ dịch"- đại diện CDC Hoa Kỳ nói.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, CDC Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, đặc biệt trong chương trình An ninh Y tế toàn cầu. Việc hỗ trợ sinh phẩm bạch hầu này là một minh chứng rõ nét.
"Chúng tôi sẽ lập kế hoạch sử dụng cụ thể đối với số sinh phẩm bạch hầu được viện trợ hiệu quả và hợp lý; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác và nhận được hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ trong nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm y tế công cộng tại Việt Nam nói riêng và năng lực thực hiện An ninh y tế toàn cầu của Việt Nam nói chung"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Viện trưởng Phan Trọng Lân cũng cho hay, pđể đáp ứng với sự xuất hiện của các ca bạch hầu, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai một loạt các hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương như điều tra ca bệnh, rà soát, lập danh sách, theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần với ca bệnh;
Giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc tại cộng đồng, cơ sở y tế và trường học trên địa bàn; Quản lý, cách ly tại nhà và điều trị kháng sinh dự phòng cho những người tiếp xúc gần, các đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch; Xử lý môi trường ổ dịch tại khu vực theo quy định; và triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.