'Tiếp sức' cho doanh nghiệp phát triển
Thời gian qua, Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn giảm chi phí sản xuất; mở rộng quy mô sản xuất… Năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch khuyến công, với mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới 'tiếp sức' cho doanh nghiệp phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô.
Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giúp sản phẩm truyền thống trở thành hàng xuất khẩu có giá trị cao. Trong ảnh: Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Đào Hồng Thái cho biết, năm 2020, Chương trình khuyến công đã tập trung hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch; kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các đối tác trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 14 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất thuộc các nhóm ngành: Thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm, đồ uống...
"Song song với hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cung cấp thông tin phát triển sản phẩm mới… Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với 7 huyện (Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai) và Thành đoàn Hà Nội, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm... cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; 6 lớp tập huấn về chính sách khuyến công cho 600 cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố…", ông Đào Hồng Thái thông tin.
Đánh giá về hiệu quả Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội đem lại cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết, các chương trình hỗ trợ, cũng như xúc tiến thương mại của thành phố đã giúp doanh nghiệp biến những sản phẩm truyền thống của Việt Nam trở thành hàng xuất khẩu có giá trị, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới. Năm 2020, dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhưng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp đạt trên 10 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục ký hợp đồng với khách hàng tại Mỹ, Nga đến giữa năm 2021.
Còn theo nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Trung Kiên, nhờ Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội, bầu không khí ở Bát Tràng đã trong lành hơn. "Khoảng chục năm về trước, câu chuyện ô nhiễm môi trường là vấn đề khiến chính quyền và người dân nơi đây trăn trở, tập trung tìm giải pháp để tháo gỡ thì đến nay, người dân Bát Tràng đã giải quyết hài hòa bài toán giữa “môi trường” và “gốm”, giữa việc bảo vệ không gian sống và phát triển kinh tế", anh Nguyễn Trung Kiên nói.
Trên nền tảng những thành công trong thời gian qua, năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng từ 6% đến 8%/năm; tạo ra 350-500 mẫu thiết kế mới; hỗ trợ 450-500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ. Đồng thời, phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm công nghiệp nông thôn; tiếp tục tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm…
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/992316/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-phat-trien