'Tiếp sức' cho nông dân

Tính đến cuối năm 2020, Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) của Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho 28.400 lượt hộ nông dân vay vốn, xây dựng 700 mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm cho gần 5 vạn lao động. Đó là nguồn 'tiếp sức' quan trọng và là 'đòn bẩy' giúp cho nông dân vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Gần 40 năm theo nghề biển, ngư dân Phạm Văn Tương ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ, lênh đênh giữa biển khơi, ngư dân phải có con tàu tốt, máy móc tốt, ngư lưới cụ bảo đảm. Đó chính là những yếu tố quan trọng quyết định đến một chuyến biển an toàn và thành công. Chính vì vậy, lúc có ý định “đổi” tàu, ông nhất quyết không mua lại tàu cũ, mà đóng mới hoàn toàn. Lúc đó, gia đình ông chỉ có con tàu nhỏ 90CV.

Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ HTND, HTX Bắc Tiến mở rộng sản xuất, đầu tư bao bì nhãn mác sản phẩm hiện đại, tiện lợi.

Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ HTND, HTX Bắc Tiến mở rộng sản xuất, đầu tư bao bì nhãn mác sản phẩm hiện đại, tiện lợi.

Ông tính, cả một đời theo nghề đánh cá biển, phải đóng được một con tàu cho tương xứng, với lại ông không đi biển nữa, thì chuyển sang cho 2 người con trai, cũng đang nối nghiệp cha. Năm 2011, ông bán con tàu 90 CV được một khoản tiền, rồi vay tiếp ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, cùng với khoản vay mượn bạn bè, ông mới đóng được con tàu 440 CV và sử dụng cho đến bây giờ.

Nghề đi biển, lúc được lúc mất, không phải lúc nào cũng giống lúc nào. Mấy năm trở lại đây, ngư dân đi biển chỉ kiếm được đủ vốn, chứ lời lãi không được bao nhiêu. Hễ chuyến biển nào có dư là gia đình ông lại phải ky cóp, tiết kiệm để trả nợ ngân hàng.

Ông Tương cho biết: “Nói thật, cho đến giờ đây, khoản nợ ngân hàng để đóng con tàu, gia đình vẫn chưa trả xong. Năm 2019, sau nhiều năm sử dụng, con tàu và ngư lưới cụ đã xuống cấp, hư hỏng. Thế là lại phải cần một khoản kha khá để “tái đầu tư” cho con tàu. Đang định bụng vay mượn, thì cũng trong năm đó, gia đình nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ HTND của Hội Nông dân tỉnh cho vay. Mỗi hộ chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng. Với số tiền đó, cũng không đủ đâu, nhưng may sao 2 người con trai đã tách hộ, ở riêng nên mỗi người được vay thêm một suất nữa. Cả thảy được 150 triệu. Nhưng chi phí cho việc tu sửa, mua sắm đợt đó gần 300 triệu đồng”. “Con tàu là tài sản lớn nhất và cũng là cái cần “câu cơm” duy nhất cho cả 3 gia đình. Theo nghề biển, thì cả nhà xác định sống “bám” vào nó, nên không thể không chăm. Cũng may có nguồn vốn của Quỹ HTND, mà gia đình không phải vay mượn ngoài nhiều để tu sửa, mua sắm ngư lưới cụ”, ông Tương chia sẻ.

Không riêng gì ngư dân Phạm Văn Tương, nhiều mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác được sự hỗ trợ của nguồn vốn Quỹ HTND đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng sản xuất. Bấy lâu nay, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, (gọi tắt là HTX Bắc Tiến) đã được biết đến là một trong những HTX tiên phong trong sản xuất, chế biến các loại nông sản, dược liệu của huyện Quảng Ninh.

Được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX Bắc Tiến đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, với nhiều sản phẩm đặc thù và chất lượng. Doanh thu mỗi năm của HTX Bắc Tiến (với 20 thành viên) lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chị Trương Thị Lược, Giám đốc HTX Bắc Tiến: “Quy mô, tiềm lực của HTX còn khiêm tốn, do đó, việc đầu tư trang thiết bị máy móc sản xuất vẫn còn hạn chế. Để giải quyết những khó khăn đó không phải ngày một ngày hai, mà phải tích lũy, hoàn thiện dần dần. Bởi, vốn lớn mà quy trình, nhân lực không bảo đảm thì cũng bằng không. Khả năng của mình đến đâu thì xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện đến đó”.

Song, điều đáng nói là, với các đơn vị sản xuất nông nghiệp như HTX Bắc Tiến, nhiều lúc rất cần một số vốn nhất định để quay vòng sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có thời điểm, HTX này phải “vay” bên ngoài để có tiền sản xuất.

Quỹ HTND trở thành nguồn “tiếp sức” quan trọng cho nhiều nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Quỹ HTND trở thành nguồn “tiếp sức” quan trọng cho nhiều nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp vốn mang tính mùa vụ, nên các sản phẩm muốn chế biến, sản xuất được cũng theo vòng quay đó. Những lúc như vậy, dù có muốn vay ngân hàng cũng không được, vì thủ tục và vì HTX cũng không có tài sản để thế chấp. HTX có 5,5ha đất để trồng các loại cây sản xuất dược liệu, như: cà gai leo, mè đen, thìa canh. Nhưng năm nào cũng làm trễ vụ, bởi không có máy móc làm đất canh tác. Năm 2018, thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, HTX mạnh dạn đầu tư mua 1 máy cày để làm đất.

Từ đó, HTX mới chủ động được khâu sản xuất, trồng trọt. Thông qua nguồn vốn này, HTX còn mở rộng thêm 2 nhà trồng nấm với diện tích gần 1.500m2, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX, chị Lược cho hay.

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, qua 10 năm triển khai, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã cho gần 28.400 lượt hộ nông dân vay vốn bằng hình thức tín chấp, xây dựng 700 mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, với số tiền hơn 54 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 5 vạn lao động. Trong đó, nguồn quỹ cấp tỉnh cho vay bình quân 50 triệu đồng/hộ, cấp huyện 30 triệu đồng/hộ, thực hiện cho vay theo dự án; cấp xã cho vay nhỏ lẻ, bình quân 3 triệu đồng/hộ.

Nguồn Quỹ HTND đã đầu tư trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, như: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, phát triển ngành nghề, nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.

Cùng với việc cho vay vốn hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho người vay, qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Quỹ HTND, xây dựng nguồn quỹ trở thành công cụ, phương tiện quan trọng để các cấp hội đẩy mạnh hoạt động, tạo nguồn lực "tiếp sức" cho các phong trào thi đua trong nông dân. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ chú trọng hướng đến việc hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp, làm tiền đề liên kết, hợp tác, hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh tham gia các chuỗi giá trị, bà Hoàng Thị Hà cho biết thêm.

Dương Công Hợp

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/tiep-suc-cho-nong-dan-2187628/